Một cuộc đời ở Passau

Tôi đã ở đây từ một giờ qua và mang một tâm trạng phấn khởi kỳ lạ. Passau là thành phố đầu tiên kể từ Chemnitz, và cuộc hành trình xuyên rừng của những ngày vừa qua – ban đầu đi trong băng và tuyết ở trên cao, rồi đi trong mưa to dọc theo sông Ilz đang sủi bọt, mang nước từ băng tuyết tan ra dọc theo thung lũng chật hẹp của nó và trào lên bờ, làm cho con đường đi cạnh sông chìm trong bùn lầy, chỉ còn cách lép bép lội nước – chuyến bộ hành này đang đòi hỏi phải thưởng công cho nó. Không khác chi một nông dân trước đây 200 năm, người từ trong rừng ra, bước vào ánh sáng của các dinh thự và nhà thờ và quán xá, tôi rất muốn mang một cái áo sạch, cạo bỏ bùn bẩn ra khỏi giày ủng và đi dạo phố.

Passau, Nhà thờ Thánh Stefan và khu phố cổ

Passau, Nhà thờ Thánh Stefan và khu phố cổ

            Vào buổi sáng ngày hôm sau, cái tôi nhìn thấy đầu tiên là cái mái vòm màu xanh của Nhà thờ Thánh Stefan mà ở trên đấy mặt trời đang làm sương tan chảy. Đó là một ngày xanh biếc, ấm áp như tháng 3 và không thể tin được rằng chỉ còn vài tuần nữa là đến Giáng Sinh. Tôi ngồi mơ mộng cả buổi trưa trên một băng ghế đầy nắng ở mủi nhọn của thành phố, nơi hợp lưu của sông Donau và sông Inn.

            Bắt đầu từ đây sông Donau là sông biên giới. Tôi ước ao mình được ở trên boong của một chiếc thuyền sông Donau, nhưng mùa du thuyền cũng đã chấm dứt ở Passau. Ngồi ở đấy, trong ảo tưởng đang đi trên một dòng sông rộng lớn, đền bù cho tôi. Đến một lúc nào đó tôi rời cái ghế trên boong tàu và đi dạo dọc theo bờ sông Inn. Từ cửa sổ được mở toang ra ở phía trên cao tôi nghe được một đội đồng ca học trò, chắc phải là trường Trung học Leopoldinum[1]. Lần đầu tiên tôi nghe được cái tên này là vào tối hôm qua, trong một ngôi nhà cổ xưa hằng nhiều thế kỷ ở cạnh bờ sông Donau, trong một văn phòng đầy tranh.

            Chuyện về một họa sĩ, một họa sĩ hiện đại, lại chính ở trong Passau. Ông Georg Philipp Wörlen này đã hành nghề kiếm sống sau những cánh cửa sổ ở trên đó của trường trung học vào những năm 20. Cha vợ của ông đã bắt buộc ông phải làm điều đó, ông ấy đã dọa sẽ không cho cưới con gái của ông ấy nếu như ông không thể nuôi dưỡng cô ấy được, thế là ông đã khuất phục và chịu để cho đào tạo thành thầy giáo.

            Con trai của ông đã kể lại cho tôi nghe. Ông đã gần 90, một người đàn ông mảnh dẻ có tóc trắng mịn, một cái áo sơ mi màu cam và một cái cà vạt thon thả màu đen của thuyết hiện sinh nhìn ra từ bên trong của chiếc áo len màu xám của ông. Ai đó đã nhắc đến ông, và tôi đã gọi điện cho ông. Nó bất ngờ đã trở thành một buổi tối dài.

            Văn phòng kiến trúc sư của ông đã vắng lặng từ lâu, nhân viên của ông đã tắt đèn trong phòng của họ và nhẹ nhàng ra về. Chiếc áo bành tô và cái mũ ca rô của ông vẫn chờ ở giá treo áo như những con thú trung thành, chờ chủ nhân ra về. Nhưng ông không hề nghĩ đến điều đó. Ông đang kể chuyện. Ông ngồi dưới cây đèn trắng và nói về Passau, cuộc đấu tranh kéo dài cả đời ông với thành phố này, sự kháng cự dai dẳng chống lại cha của ông và những bức tranh của ông ấy, những bức tranh mà nó không hiểu được.

            “Passau đen kịt, phủ bồ hóng, đen như vậy đấy. Thành phố của giám mục. Nhiều nghệ sĩ sân khấu đã phải cắn răng khi khởi đầu ở đây. Và cha tôi là một tuýp người quý phái. Chiều chiều đi vào quán cà phê hạng sang, với kính một mắt. Thật ra là quá quý phái cho một thành phố nhỏ đen kịt. Người ta chỉ tay vào ông và tranh của ông – thằng dở hơi.” Ông ngừng lại. “Nhưng về mặt khác, Passau đã giúp ông như thành phố lập phương.”

            Passau có cái gì là lập phương? Tôi tin rằng đã hiểu được ông muốn nói gì. Cái còn nguyên vẹn, cái được xây dựng qua nhiều thế hệ, gần như là vật thể. Nhưng cũng là tinh thần đã trở thành vật thể. Cái lập phương ở Passau là cái lập phương ở Công giáo. Tôi có thể tưởng tượng được rằng thành phố đã dễ dàng kích động những tinh thần nổi loạn của thành phố cắn bập vào nó như thế nào. Nghĩ đến cái màu đen bồ hóng Passau, tôi chợt nhớ đến những biếm họa mà người ta đã chuyền nhau xem ở phía bắc của đường biên giới La Mã ngày xưa, một tiếng vang muộn màng của cảm nhận thắng thế Luther[2] chống lại miền nam giáo hoàng cổ lỗ.

            Trên làn nước sơn Tin Lành thời trẻ của tôi có một vài dấu khảm Công giáo. Những thành phố nhỏ tổ chức lễ hội hóa trang và trong đó có nhiều người đàn ông và đàn bà diễu hành trong áo thầy tu màu đen và nâu. Mãi cho đến nay, sợ hãi và ghê tởm của những người già vẫn còn ở trước mắt tôi, khi họ nói về các tu sĩ nam nữ này. Và những tường thuật về các con rồng già trong bệnh viện Công giáo hành hạ bệnh nhân theo đạo Tin Lành đã đủ để làm cho tôi phục tùng, khi một ngày nào đó tôi được đưa vào đấy trong cơn sốt cao với ruột thừa đang có mủ và rơi vào tay các xơ có trái tim sắt đá.

            Khi tôi tỉnh dậy, đã có một dấu may còn mới ở trên bụng của tôi, và từ đầu tiên của tôi là “nước”. Từ đầu tiên mà người xơ già nua có hình dáng dai nhách, giống giấy da đang dần dần lột ra từ trong cơn mê thuốc của tôi nói với tôi là: “Đứng dậy đi, con trai, hãy làm việc có ích đi.” Bà chỉ tay vào chiếc giường ở bên cạnh. Có một đứa bé trai nằm ở đấy, trẻ tuổi hơn tôi. Em bị tai nạn xe đạp nặng, bây giờ đang nằm trắng bệch và rên rĩ cạnh túi nước biển đang được truyền vào. Xơ rồng – tôi thật sự là đã đứng dậy – ấn túi nước biển vào tay tôi, nói “Cầm lấy!” và biến mất.

            Tôi không biết là đã đứng yên ở đấy bao lâu với cái ống truyền nước biển trong tay. Tôi vẫn còn đứng không vững, thỉnh thoảng mắt lại tối sầm, cái ruột thừa suýt tí nữa thì đã hạ độc tôi, đó là một ca mổ trong giây phút cuối cùng. Nhưng vào thời điểm đó tôi vẫn còn chưa biết được chuyện đấy. Tôi cố không ngã quỵ xuống. Tôi tin chắc rằng mình đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, và cố hết sức mình, cuối cùng thì đứa bé mà tôi đang cầm cuộc sống của nó ở trong tay còn nhỏ tuổi hơn cả tôi. Chắc chắn là thời đó đã có quy định tuyệt đối cấm không cho sử dụng trẻ vị thành niên trong bệnh viện. Nhưng dường như điều đó đã giúp cho tôi bình phục, giúp một người mới vừa được mổ mà bệnh tình còn nặng hơn cả tôi. Tôi khỏe lại nhanh chóng.

            Cái phong cách hà khắc này thật ra hẳn phải làm vừa lòng những người theo đạo Tin Lành ở quê tôi, cứng đầu và trọng công việc cực nhọc. Nhưng tôi giữ kín trải nghiệm của tôi. Chẳng ai biết được là tôi có lại lọt vào tay bà xơ giấy da đó thêm một lần nữa hay không, và có lẽ là tôi cũng đã mường tượng được một cái gì đó từ sự thông thái của những phương pháp của xơ. Dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn nín thinh khi cái miệng đời Luther bàn về các con rồng già nua và những điều giả dối ngoan đạo rộn rã của những người theo Công giáo.

            Và tuy là vậy. Và tuy là vậy, các bình chứa của Công giáo đều to hơn, lâu đời hơn, cũng đẹp hơn. Một phép mầu tỏa ra từ những ngôi nhà thờ lớn và chức vụ cao quý đó, cảm nhận được một làn gió thoảng, từ phía nam. Vâng, chúng tôi có Gothic gạch nung của chúng tôi và Bach của chúng tôi và ngôn từ. Họ cần phải để yên cho ngôn từ. Ngôn từ và thánh ca, chúng tôi lớn lao ở trong đấy. Nó có thể tỏa hương, nó có thể làm cho no. Và nếu như chúng tôi có may mắn, thì chúng tôi có tổng thiên thần trên những bục giảng đạo đơn sơ của chúng tôi, những người con xương xẩu cao lớn của Chúa Trời với gương mặt đầy sẹo, trong áo choàng màu đen. Tôi biết điều đó, tôi đã có may mắn như thế.

Thành phố Passau, nơi hợp lưu của ba con sông

Thành phố Passau, nơi hợp lưu của ba con sông

            Và tuy là vậy. Tôi đã ở trong Nhà thờ lớn Passau. Cái đến và đi trong những dinh thự bảo hòa mùi nhang này. Các cánh đồng nến trước những Maria, các bức tranh đang bong ra. Các vết thương được đánh phấn đến chói mắt của các thánh, các khăn tay ướt đẫm nước mắt của những người đàn bà đang quỳ trước họ.

            Là họa sĩ quý phái thì tất nhiên là người ta nhìn sự vật một cách khác đi, cái rộn rã ngoan đạo trong nhà thờ lớn và bồ hóng đen phủ lên trên tất cả – nó không chỉ là lớp gỉ đồng an ủi, người ta có thể chết ngạt vì nó. Nhà họa sĩ thích Venice hơn. Ông mang người con trai theo, 1931, để người con có thể học được ở đấy cung cách cư xử và đi lại trong thế giới to lớn.

            Ở nhà tại Passau, người con trai sống vì gian xưởng vẽ. Trên thực tế ông là người phụ việc trong xưởng vẽ của cha ông, người thường làm việc đến khuya, ông lắp khung và đặt mua màu cho cha. Ông thích làm việc đó, ông nói. Việc ông được quen biết với các nhà văn, nghệ sĩ và họa sĩ lui tới xưởng vẽ đã đủ là phần thưởng cho công lao của ông rồi.

            Thật ra thì sự việc đã dừng lại ở đó. Ở sự phục vụ. Sự phục vụ trong xưởng vẽ của người con cho cha đã chuyển thành sự phục vụ của một người đàn ông trưởng thành cho nghệ thuật, ông trở thành nhà sưu tập. Và ông sưu tập họa sĩ, không chỉ tranh của họ. Ông khuyến khích họ và kéo họ vào nhóm nghệ sĩ của ông, cái mà ông gọi là Nhóm Rừng Donau.

            “Ông thấy đó”, ông nói, “tôi không có gia đình, không có con cái, không có du thuyền trên hồ Chiem, không có chuồng nuôi ngựa đua, không có bạn gái đắt tiền ở khắp nơi. Chỉ có tranh. Chỉ có cô bạn gái nhỏ bé ở Budapest.” Ông mỉm cười. “Không phải một người như vậy đâu.”

            Ông kể về những lần hội hè vui vẻ của nghệ sĩ ở trong rừng. Một họa sĩ từ Pommern sống ở đó, Heinz Theuerjahr, người thời trẻ đã đi lang thang qua khắp châu Âu. Ông ở một thời gian tại nơi của những công nhân làm rừng trong Rừng Bayern, họ yêu thích ông và đề nghị ông hãy định cư tại đó, trong một thị trấn nhỏ có tên là Waldhäuser. Ông đã đồng ý. Từ nơi đó ông thường hay đi du lịch sang châu Phi.

            Vào lúc cuối, khi người đàn ông từ Pommern phải ngồi trên xe lăn, người sưu tập của ông đã có thể phục vụ cho ông lần cuối cùng. Người này vừa chiến thắng cuộc đấu tranh to lớn nhất của cuộc đời ông ấy, cuộc đấu tranh vì viện bảo tàng của ông ngay trong Passau – ông đã đưa tác phẩm của cha ông vào đền thờ cho thành phố, cái thành phố đã từng đào thải nhà họa sĩ như một vật lạ. Và tác phẩm của bạn bè ông. Người con trai đã sưu tập 2500 bức tranh. Ông đẩy Theuerjahr lúc đấy đã mang bệnh không chữa được lăn trong viện bảo tàng mới, ngang qua các tác phẩm của chính ông ấy. Ông, người sưu tập, nhìn người bạn họa sĩ ngắm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cuộc sống tiếp theo của chính ông ấy sau cái chết.

            Tôi chưa từng bao giờ hiểu được những người sưu tập, bây giờ thì tôi hiểu họ tốt hơn. Chúng tôi vẫn còn ngồi dưới cây đèn màu trắng, ông ấy vẫn còn kể về cuộc đời của ông. Ông vừa đúc kết lại, ngắn gọn như một người La Mã. “Tôi đã có một cuộc đời thú vị, một cuộc đời có nhiều sự kiện. Tôi tin rằng tôi đã sống không uổng công. Tôi đã cứu thoát được tranh của cha tôi và của bạn ông khỏi cảnh bị lãng quên. Tôi đã cho chúng một quê hương. Một căn nhà cho chúng, chỉ được tạo thành từ ý muốn của tôi. Đã làm việc nhiều, đã sống khiêm tốn. Khi người ta mang tôi đi mai táng thì cái túi rỗng như mà căn nhà đầy.”

Đêm đã khuya. Các bức tranh trên tường, các bức tranh được cứu thoát, được yêu thích của ông, chìm vào trong bóng tối. Trước đây vài giờ, có một bức tranh sáng rực xuất hiện ở phía sau ông, trong cửa sổ hướng ra sông Donau, một phong cảnh về chiều có tựa đề “Bờ sông ở Passau”. Hoàng hôn đã làm nó tối đi nhanh chóng. Bây giờ nó tối đen. Không có tựa đề.

            Chẳng mấy chốc nữa tôi sẽ ra đi, chắc là chúng tôi sẽ không gặp lại, và chưa từng gặp nhau trước đó. Ông đã nói với tôi, nhưng cũng xuyên qua tôi đến một người khác. Cứ hãy tạm gọi là nói với một người bạn già. Một người đàn ông ăn mặc lịch sự, người nghiên nghiên đầu lắng nghe ông nói và mỉm cười, khi ông nghe đến những mưu mẹo nhỏ mà người sưu tập đã tiến hành để ép buộc thành phố cha của ông đi đến hạnh phúc của nó. Một người đàn ông mà từ “thanh lịch” hoàn toàn phù hợp. Tay trái của ông ấy đang đùa nghịch cái kính một mắt, nó tung ra nhiều tia chớp khi ánh sáng của cái đèn trắng bị khúc xạ trong ở đó.

            Người sưu tập đứng lên, tắt đèn và bước cẩn thận xuống cầu thang, người con trai gần 90 tuổi của nhà họa sĩ trong mũ ca rô và áo bành tô. Ông còn nói: “Người ta đi tìm biểu hiện. Không phải bức tranh mà ở phía dưới có dòng chữ: Vô đề.”

            Rồi Hanns Egon Wörlen biến mất trong những ngõ hẻm của thành phố, cái thành phố đen đến mức có bồ hóng, cái thành phố mà ông yêu nó đến mức đã đánh vật với nó cả một cuộc đời.

            Người ta tìm biểu hiện, nói hoàn toàn theo cách của Passau, cái đối nghịch Công giáo với những ý định của người họa sĩ ở Sylt. Ở đâu có biểu hiện thì ở đó có hình tượng. Ở nơi nào có một bức tranh thì ở đó có một cái gì đó tiếp tục. Nơi người họa sĩ biến mất trong bức tranh vô đề của ông ấy thì lại khác. Hiển linh hay ngộ. Xuất hiện hay tiêu tan. Passau và Sylt, hai đầu của cái parabol Đức.

Đọc tất cả những bài trước ở tại trang Nước Đức: https://phanba.wordpress.com/nuoc-duc


[1] Trung học Leopoldinum ở Passau là một trong những trường lâu đời nhất ở Đức, được thành lập từ trước thế kỷ thứ 9 như là trường của nhà thờ.

[2] Martin Luther (1483-1546) nhà thần học người Đức, khởi xướng phong trào tôn giáo.

Bình luận về bài viết này