Những đứa con ngỗ nghịch trong ngôi vườn của Trung Quốc (hết)

Hình bìa báo Der Spiegel số 9 năm 1979

Hình bìa báo Der Spiegel số 9 năm 1979

Trong tháng Ba 1978, ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có trận chiến đầu tiên giữa hai liên đoàn xe tăng thù địch rồi – việc mà cả hai bên kiên quyết phủ nhận. Một nhà ngoại giao Á châu ở Hà Nội nói với SPIEGEL: “Bắc Kinh bực tức những đứa trẻ con hỗn xược trong ngôi vườn ở phía Nam của Trung Quốc.”

Trong đêm rạng sáng ngày 1 tháng Năm 1970, khi quân đội Mỹ tiến vào Campuchia, tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã lý giải quyết định xâm lấn của ông trên truyền hình: “Khi các con bài được lật ngữa”, thì Hoa Kỳ không được phép được đứng đó như một “tên khổng lồ bất lực đáng thương hại”. “Cái được thử thách vào đêm nay không phải là sức mạnh của chúng ta, mà là ý chí và tính cách của chúng ta.

Trung Quốc cộng sản cũng đã nhiều lần sẵn sàng chứng minh một cách kỳ lạ như vậy cho những rủi ro từ quyền lực của nhà nước. Ở Triều Tiên, người Trung Quốc đánh đuổi người Mỹ, những người đã cân nhắc tới việc tấn công bằng bom nguyên tử, từ biên giới Jalu với Trung Quốc về cho tới vỹ tuyến 38. Họ dừng lại ở đó – một chiến dịch có giới hạn.

Năm 1958, họ đấu pháo binh với Đài Loan trên các hòn đảo Kim Môn và Mã Tổ – và mặc dù vậy vẫn không đổ bộ lên các hòn đảo. Năm 1962, họ tấn công Ấn Độ – và sau nhiều tháng chinh chiến trên núi đã đơn phương tuyên bố ngưng bắn. Họ trao trả các từ binh và vũ khi thu được.

Năm 1969, họ có giao tranh ở biên giới với Liên bang Xô viết cạnh sông Ussuri – và không để xảy ra chiến tranh lớn. Một nhà ngoại giao Xô viết sau đó đã nói với SPIEGEL, Moscov đã dạy cho Trung Quốc “một bài học” mà họ sẽ không thể quên được. Thế như hòn đảo bị tranh chấp Damanski/Trân Bảo cho tới nay vẫn thuộc Trung Quốc.

Thời gian dài chuẩn bị tấn công Việt Nam cho thấy chính khách Bắc Kinh cũng đã cân nhắc và lập kế hoạch cẩn thận cho chiến dịch này.

Họ di tản gần nửa triệu người Trung Quốc từ biên giới với Liên xô sâu vào 30 kilômét và qua đó đã tính toán trước với một phản ứng của Nga. Hoa Kỳ và Nhật Bản được Đặng đích thân thông báo trước về đại cương, ngay cả khi không được thông báo về thời điểm và quy mô. Ba ngày trước lần tấn công, tờ báo Đài Loan “Lien-ho” nói rằng ở Nhật Bản, người ta đã được thông báo trước về những biện pháp phản công có thể có của Trung Quốc.

Rủi ro, nước ngoài Phương Tây có thể quay mặt đi với một Trung Quốc hung hãn, rõ ràng là được xem nhẹ. Với cuộc “phản công”, Trung Quốc cũng tính toán trước rằng mình sẽ không bị ưa thích trên thế giới, tờ “Politika” của Nam Tư tường thuật hồi tuần trước từ Bắc Kinh. Nhưng nó tin rằng phản ứng có hại này sẽ không kéo dài. Người Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác.

Cho tới cuối tuần vừa rồi, dẫn sao đi nữa thì họ cũng đã tính toán đúng. Vào thứ Tư, trong lúc chiến sự đang diễn ra, ủy viên Liên minh châu Âu Roy Jenkins đến Bắc Kinh. Tại buổi tiệc chiêu đãi đầu tiên của mình, ông xác nhận: “Mỗi người trong chúng ta đều có một mối quan tâm đặc biệt tới sức mạnh và thịnh vượng của người kia.” Phái viên của tập đoàn Liên bang Đức MBB ký kết ở Bắc Kinh một hiệp định về bán vệ tinh truyền hình, trực thăng và dụng cụ y khoa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Blumenthal bắt đầu chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Bắc Kinh. Chuyên gia Xô viết của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Marshall Shulman, thông báo đường hướng của Hoa Kỳ: không có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (việc này sắp sửa xảy ra), không hoãn việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, việc đã được lên kế hoạch cho tuần này. Shulman: “Bình thường hóa nằm trong mối quan tâm của chúng tôi.”

Đối với Moscov, cuộc tấn công của Đặng thì lại là kết quả một sự cộng tác của Hoa Kỳ với Trung Quốc – đồng thời, Điện Kreml cũng ra hiệu cho người dân của họ, rằng cả những khả năng can thiệp của mình cũng bị giới hạn, nếu như không muốn thách thức người Mỹ và qua đó là mạo hiểm một cuộc chiến tranh lớn. Sự mỉa mai của chiến lược Trung Quốc: họ dự tính rằng Liên bang Xô viết sẽ lui lại trước một cuộc chiến tranh thế giới.

Liên bang Xô viết cũng hầu như không thể tấn công trực tiếp bằng vũ khí hạt nhân, vì ngày nay Trung Quốc đã có khả năng điều khiển tên lửa tầm xa có đầu đạn hạt nhân cho tới Moscov. Vì vậy và các nhà lập kế hoạch ở Bắc Kinh rõ ràng là cũng đánh giá thấp mối nguy hiểm của một cuộc can thiệp bằng phương tiện quân sự của Xô viết vào xung đột với Việt Nam.

Có thể nghĩ tới một cuộc chinh phạt Xô viết: một chiến dịch nhanh với những tập đoàn lớn, cơ động, tiến tới các trung tâm của Trung Quốc, trở về lại bên này biên giới sau khi phá hủy chúng.

Theo tính toán của Trung Quốc, một chiến dịch săn lùng như vậy có thể được tiến hành từ Mông Cổ hướng về Bắc Kinh hay về vùng thưa dân cư Tân Cương hay trải ra trên những vùng công nghiệp và mỏ dầu ở Mãn Châu – trong trường hợp nào thì cũng là một chiến dịch liều lĩnh.

Ngay mùa Đông lạnh giá là đã chống lại những hành động như vậy rồi: vùng Amur và Ussuri đang có tuyết cao bốn mét. Chuyên gia người Mỹ Shulman cho rằng những trận tấn công như vậy là “không có thể”.

Vì việc hết sức đáng ngờ là liệu Liên bang Xô viết có muốn chấp nhận những rủi ro như vậy vì nước Việt Nam xa xôi hay không. Moscov luôn có khuynh hướng để cho những nhóm hỗ trợ mang hạt dẻ ra khỏi đám lửa đang cháy, như người Cu Ba.

Liên bang Xô viết – nếu như họ không muốn đứng đó như là con cọp giấy – chỉ còn cách tăng sự giúp đỡ cho Việt Nam. Và vì vậy mà trong tuyên bố đầu tiên ủa họ, người Xô viết ca ngợi khả năng của Việt Nam, chiến thắng bằng chính sức lực của mình.

Đó thật sự là mối nguy hiểm lớn nhất cho Trung Quốc – rằng cuộc trừng phạt thất bại tại con số nạn nhân. Dự tính, sau khi đưa ra “bài học”, tức là tiêu diệt nhiều đơn vị lớn của Việt Nam, sẽ rút lui về từ đất địch, rõ ràng là đã không thành công ở cuối tuần vừa rồi.

“Quyền lực của Trung Quốc chỉ xa như bộ binh của họ có thể hành quân tới”, một nhà ngoại giao quân sự ở Viễn Đông mô tả khái quát khả năng của Quân đội Giải phóng Nhân dân lạc hậu về kỹ thuật. Nhưng bộ binh Trung Quốc muốn hành quân xa cho tới đâu?

Hôm thứ Ba, thứ trưởng Bộ ngoại giao Hà Tĩnh thông báo cho đại sứ Libanon như là trưởng đoàn đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu rút lui về nước. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận tin này.

Cuộc phản công của Việt Nam vừa mới bắt đầu vào thời điểm này: khéo léo về chiến thuật – theo nguyên tắc của Mao: “Kẻ địch tấn công, chúng ta lui lại” –  Hà Nội đã rút phần lớn quân chính quy của họ ra khỏi các vùng đất biên giới và để cho lực lượng dân quân địa phương chống cự đầu tiên. Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ: “Bắc Kinh không tính trước với việc là người Việt Nam sẽ làm điều mà người Trung Quốc sẽ làm khi người Nga tấn công họ.”

Thế nhưng người Việt cũng đã phải cho các đơn vị chính quy từ Bắc Lào hành quân về tỉnh Hoàng Liên Sơn ở phía Bắc Việt Nam và người ta còn cho rằng đã rút một phần ba lính của họ từ Campuchia về – đúng theo tính toán của Trung Quốc, lôi kéo Việt Nam vào trong một cuộc chiến hai mặt trận.

Vì ở Campuchia, chiến tranh không hề chấm dứt. Ở đó, có ước chừng 20.000 du kích quân của Khmer Đỏ đang chiến đấu chống lại những kẻ chiếm đóng người Việt.

Đài phát thanh bí mật của họ, đóng ở Nam Trung Quốc, loan báo cả chục cuộc tấn công vào tuần trước. Trước đây ba tuần, Khmer Đỏ chiếm tỉnh lỵ Takéo và giữ nó ba ngày liền.

Theo nhận biết của tình báo Thái Lan, những người kháng chiến này có xe bọc thép và đại bác. Vũ khí, đạn dược và lương thực được mang lên núi với số lượng lớn trước khi người Việt tiến vào.

 Kho hàng trong các thành phố đã trống rỗng, những người chiếm đóng đang gặp khó khăn về cung cấp. Từ lý do này mà người dân còn chưa trở về các thành phố.

Người ta cho rằng tinh thần chiến đấu của những người chiếm đóng không được tốt: du kích quân không bắt tù binh. Họ giết chết các trưởng làng do người Việt bổ nhiệm. Lòng căm thù truyền thống của người dân Campuchia đối với người Việt bắt đầu xua đi nỗi niềm vui mừng được giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản đồ đá của Khmer Đỏ.

Vì vậy mà vào tuần vừa rồi trông có vẻ như một cuộc chiến kéo dài mới ở Đông Dương đang bắt đầu thay thế cho “chiến dịch có giới hạn” của Trung Quốc, với tổn thất nặng cho tất cả các bên.

“Các anh chị nghĩ rằng chúng tôi không có cơ hội chống lại người Trung Quốc ư?” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hỏi nhà báo hồi tuần rồi ở Liên Hiệp Quốc. “Các anh chị hãy nhớ rằng trong lịch sử của mình, Việt Nam đã chiến đấu thành công chống lại một một vài nước rất lớn.”

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 9 năm 1979:  http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-40350993.html