Những đứa con ngỗ nghịch trong ngôi vườn của Trung Quốc (2)

“Đại pháo gầm vang, khói của trận đánh làm tối đen bầu trời, biển Đông hét lớn; và mắt của cả thế giới nhìn xuống Hoàng Sa, quần đảo anh hùng.” Một trường ca anh hùng gồm 30 khổ thơ của nhà thơ Đảng Trương Vinh Muội bắt đầu như vậy, bài thơ mà bất cứ đứa học trò nào ở Trung Quốc đều cũng phải học thuộc lòng.

Nó mô tả cuộc đụng độ kéo dài ba ngày mà qua đó, tàu tuần tra Trung Quốc vào đầu tháng Giêng 1974 đã đẩy các lực lượng chiến đấu của Nam Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa.

Ngược với kỳ vọng của nhà thơ, phần thế giới còn lại ở bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam đã không biết tới lần giao chiến vì một chục rạn san hô không người sinh sống đó.

Nhưng đó là – ngoại trừ những giúp đỡ về vũ khí và vật chất – phần tham dự tích cực của Trung Quốc cộng sản vào cuộc chiến chống chính quyền Sài Gòn được Hoa Kỳ trợ giúp.

Hai năm sau đó – nước Mỹ đã bị xua đuổi khỏi Sài Gòn, miền Nam Việt Nam được giải phóng bởi quân đội miền Bắc cộng sản – bưu điện Việt Nam phát hành một con tem đặc biệt mà trên đó quần đảo Hoàng Sa được đánh dấu là lãnh thổ Việt Nam.

Bắc Kinh phản ứng giận dữ trước “khiêu khích to lớn” này. Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa tuyên bố trước giới chóp bu chính trị và quân sự: “Trong trường hợp Việt Nam cả gan muốn thôn tính quần đảo Hoàng Sa”, thì trung ương đã đưa ra chỉ thị cụ thể cho đơn vị đồn trú tại đó: tức là “phải giải quyết một cách kiên quyết, triệt để và sạch sẽ mọi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trong bất cứ trường hợp nào”.

Đó là lời đe dọa một cuộc chiến tranh nóng đầu tiên của Bắc Kinh. Rằng tại cuộc tranh chấp gay gắt này giữa hai láng giềng đỏ là về những mỏ dầu khổng lồ được phỏng đoán ở dưới những rặn san hô vô giá trị đó, điều này thì cho tới ngày nay cả hai bên đều không nói ra. Yêu cầu chủ quyền của cả hai bên đều dựa trên chỉ dẫn về “biên giới lịch sử”.

Nhưng trong lịch sử trên 2000 năm giữa các láng giềng thù địch này không có biên giới rõ ràng và được hai bên chấp nhận cả trên đất liền lẫn trên biển. Nhìn theo lịch sử thì Trung Quốc có thể đòi chủ quyền nhiều phần lớn của Việt Nam cũng như Việt Nam nhiều phần lớn ở Nam Trung Quốc.

Từ thời tiền sử, những gì mà con người không làm thì thiên nhiên đã lo liệu cho ở trên đất liền. Dãy núi cao cho tới 3000 mét, phần kéo dài về phía Đông của dãy Himalaya, phần lớn được phủ bởi rừng mưa nhiệt đới khó đi lại, là rào cản tự nhiên của Việt Nam chống lại Trung Quốc ở phía Bắc và Lào ở phía Tây.

Những lổ hổng duy nhất xuyên qua khối núi đá đó là các thung lũng lởm chởm của sông Hồng và sông Đà mà trong thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, các bộ tộc Việt đã từ miền Trung Trung Quốc, bị người Trung Quốc đẩy đi, lùi về phương Nam.

Triều đại các hoàng đế người Hán thôn tính miền Nam, thiết lập một chế độ quân quản, và Việt Nam ngày nay đã thuộc về “Vương quốc ở giữa” 1000 năm trời.

Tầng lớp trên, phần lớn đều có quan hệ qua hôn nhân với người Trung Quốc, nhanh chóng tiếp nhận văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của dân tộc cai trị họ. Nhưng sự chống đối những kẻ chiếm đóng thì lại càng dữ dội hơn trong giới nông dân: một loạt những cuộc nổi dậy, tất cả đều bị nhận chìm vào trong máu, là nguyên do cho sự căm thù tỉnh táo của người Việt đối với láng giềng hùng mạnh.

Cho tới ngày nay, những người anh hùng dân tộc của Việt Nam vẫn là những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành tự do chống người Trung Quốc. Như đền thờ quan trọng nhất của Hà Nội là đền thờ Hai Bà Trưng huyền thoại, những người đã dẫn đầu cuộc nổi dậy đầu tiên của nông dân trong năm 40 trước Công Nguyên để chống hoàng đế người Hán. Khi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên viếng thăm Hà Nội năm 1954, ông chỉ có thể bắt đầu các cuộc trao đổi sau khi đã bày tỏ sự tôn kính của mình tại tượng đài kỷ niệm những người phụ nữ du kích quân đó.

Một trong những con đường chính ở Sài Gòn được đặt theo tên người anh hùng đấu tranh giành tự do Lê Lợi, một ngư dân, người theo truyền thuyết đã chiến thắng được thế lực vượt trội của Trung Quốc nhờ vào một thanh kiếm thần và tự lên làm hoàng đế. Và tượng đài kỷ niệm quan trọng nhất ở Sài Gòn nhắc nhở tới đô đốc Trần Hưng Đạo, người đã chiến thắng hạm đội Trung Quốc năm 1284, bằng cách dụ họ vào luồng nước nông, nơi các chiếc thuyền bị đâm thủng bởi hàng ngàn cọc nhọn bằng tre đã được dấu kín.

Sự phản kháng tiềm tàng thành công: vùng đất định cư của người Việt, bị chinh phục về quân sự, có tên là “An Nam” (miền Nam được bình định), có thể vứt bỏ sự cai trị của nước ngoài và thành lập triều đại riêng của mình với vương quốc Đại Việt. Bắt đầu từ thế kỷ 11, các vị vua còn trở thành hoàng đế, phải triều cống hoàng đế hùng mạnh hơn nhiều ở Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, đất nước An Nam bên cạnh Nhật Bản và Triều Tiên là “em”, người theo học thuyết của Khổng Tử “phải vâng lời người anh”.

Hoàng đế và quan lại kình địch nhau đã chia cắt đất nước, chỉ một lãnh tụ dân nhân có thể vứt bỏ thêm một lần nữa sự giám hộ của người láng giềng. Năm 1787, Tây Sơn Nguyễn Huệ, một người con trai  của các dân tộc miền núi không thuộc dân tộc Việt, tiến quân chống hoàng đế Lê của Việt Nam được Trung Quốc hỗ trợ. Ông lật đổ người cai trị, xua đuổi người Trung Quốc và tự mình lên làm hoàng đế Quang Trung. Nhưng ngay đến người nổi loạn này cũng tuân theo học thuyết đạo Khổng: Việt Nam tiếp tục triều cống cho triều đình ở Bắc Kinh.

Ngay cả khi người Pháp xâm chiến dần từng phần một đất nước này, và buộc triều đình An Nam phải ký một hiệp định về “trợ giúp chống mọi xâm lược từ bên ngoài và những cuộc nổi dậy từ bên trong, người Việt vẫn tiếp tục nghi thức khuất phục của mình đối với Bắc Kinh.

Sử gia người Việt Hoang Van Chi lý giải sự phục tùng khó hiểu đó:

Tuy là nền văn hóa Trung Quốc vào lúc ban đầu rất tốt cho Việt Nam, nhưng cùng với học thuyết Khổng Tử, nó đã thành một công thức, in sâu cùng một hình dạng vào trong mỗi một cái đầu và qua đó đã loại trừ những ý tưởng độc lập và tinh thần đổi mới… Sự nô dịch của người Việt Nam dưới chủ nghĩa thực dân Phương Tây là hậu quả của sự nô lệ lâu dài trong nền văn hóa cứng nhắc của Trung Quốc.

Mục đích thật sự mà vì nó thế lực thực dân Pháp đổ bộ vào An Nam và sau đó vào Bắc Kỳ nằm ở Trung Quốc: người Pháp muốn thâm nhập vào Nam Trung Quốc dọc theo sông Hồng và nếu cần thì sẽ dùng lưỡi lê để phá vỡ những cánh cửa vào thị trường Trung Quốc đã bị Bắc Kinh đóng kín.

Cũng vì vậy mà một trong các việc làm tiên phong ở châu Á, công cuộc xây dựng đường sắt của Pháp, kết quả của chiến lược dành cho Trung Quốc của Pháp, hầu như không mang lại lợi ích gì cho nước Việt Nam bị Pháp chiếm đóng.

Vì đoạn đường sắt đầu tiên dài tròn 1000 kilômét, được đặt trên 107 cây cầu và qua 172 đường hầm xuyên qua rừng núi dưới những cực nhọc và hy sinh không tả xiết, dẫn từ thành phố cảng ở Bắc Việt Nam Hải Phòng qua Hà Nội vượt qua biên giới vào Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam nằm cạnh biên giới.

Mãi cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân trong những năm giữa hai thế chiến mới mang giới đối lập có tư tưởng quốc gia chủ nghĩa từ Trung Quốc và Việt Nam lại với nhau. Các ý tưởng của người thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa Tôn Dật Tiên đã tạo phấn khởi cho Mao và Chu Ân Lai cũng như cho các người Việt Hồ Chí Minh và Pham Văn Đồng.

Những người bạn về chính trị phát hiện nhiều gốc rễ chung: hơn năm mươi phần trăm tiếng Việt là từ vay mượn từ tiếng Trung, chữ tiếng Việt, được phát triển trong thế kỷ 14 từ ký tự Trung Quốc, mãi 300 năm sau đó mới nhận được phiên âm La tinh qua các nhà truyền giáo châu Âu.

Lúc 180.000 lính Quốc Dân Đảng Trung Quốc chiếm đóng miền Bắc Việt Nam sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt theo quyết định của phe Đồng Minh, những người cộng sản Việt Nam còn sẵn sàng hợp tác với những kẻ chiếm đóng. Họ thu thập tiền và tặng cho thống đốc Trung Quốc tướng Trương Phát Khuê một bộ hút thuốc phiện bằng vàng: Họ thích triển vọng trở thành một tỉnh của Trung Quốc hơn là việc người quốc gia chủ nghĩa cánh hữu chiến thắng ở Việt Nam.

Một chương lịch sử Đảng mà những người cộng sản của Hồ Chí Minh nhanh chóng quên đi khi người cộng sản Mao nắm lấy quyền lực ở Trung Quốc: trong một vài năm, cho tới khi cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc bùng nổ, Bắc Kinh và Hà Nội thật sự là gắn kết với nhau “như môi với răng”: Trung Quốc cách mạng là gương mẫu cho một Việt Nam cách mạng.

Thế nhưng ý muốn làm bá chủ của giới lãnh đạo Hà Nội, yêu cầu được thể hiện hết sức rõ ràng, muốn lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng không chỉ cho Việt Nam mà cho toàn Đông Dương, chẳng bao lâu sau đó đã làm cho các đồng chí Trung Quốc bực dọc.

Đặc biệt là Chu Ân Lai đã hết sức ghê tởm các cuồng vọng của Việt Nam. Chu nói về người anh hùng chiến tranh của Việt Nam, tướng Giáp: “Một tên hạ sĩ quan lên mặt ta đây.”

Ngược lại, Việt Nam chế giễu công khai cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc mà sự lộn xộn của nó không phù hợp với kỷ luật quân đội của tình trạng tổng động viên liên tục ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, từ 1965 tới 1970, định hướng mới mang lại nhiều hậu quả nặng nề của Hà Nội, quay sang với Liên Bang Xô viết, được đưa ra.

Trung Quốc thành công thêm một lần nữa trong việc áp đặt ý muốn của mình lên Hà Nội: Trong tháng Tư 1970, các lãnh tụ của bốn mặt trận đang chiến đấu ở Đông Dương gặp nhau tại Quảng Châu: Việt Cộng của Nam Việt Nam, Pathet Lào của Lào, Khmer Đỏ của Campuchia và Quân đội Giải phóng Nhân dân của Bắc Việt Nam.

Dưới sự giám sát của Chu, các đại biểu long trọng hứa hẹn tại chiếc bàn vuông, rằng sẽ bảo đảm cho nền độc lập của láng giềng ngay cả khi chiến thắng. Việt Nam, Campuchia và Lào, ba người em nhỏ, tốt hơn nữa là một Việt Nam bị chia cắt, tức là bốn, điều đó cũng phù hợp với các ý tưởng của Bắc Kinh về một cảnh quang chính trị trước cửa nhà của họ.

Những sự việc đã diễn ra khác đi. Còn trước cả chiến thắng ở Nam Việt Nam, người ta đã có thể thấy rõ, rằng mặc cho tất cả những lời hứa hẹn, Hà Nội vẫn không từ bỏ giấc mơ về một Đông Dương thống nhất và có sức chiến đấu mạnh. Chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, người Khmer Đỏ ở Campuchia mới có thể chiến thắng được hoàn toàn, Hà Nội và Moscov khước từ không cung cấp vũ khí hạng nặng cho họ.

Ngược lại với ý muốn của Bắc Kinh, Hà Nội nhanh chóng thống nhất hai miền đất Việt Nam, và bắt đầu một cuộc tranh chấp biên giới đẫm máu với láng giềng Campuchia.

(Còn tiếp)

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 9 năm 1979:  http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-40350993.html