Sự điên khùng của một bạo chúa (hết)

Trong khi bộ máy tuyên truyền đưa ra những con người hạnh phúc đứng xung quanh Mao thì nạn đói ghê gớm nhất từ trước tới nay đang hoành hành trong Trung Quốc. Và chính người chủ tịch này chịu trách nhiệm cho thảm họa đó: vì ngay khi ông ấy đã biết có người chết hàng loạt, ông ấy cũng vẫn không thay đổi các kế hoạch của mình. Ảnh: GEO Epoche.

Trong khi bộ máy tuyên truyền đưa ra những con người hạnh phúc đứng xung quanh Mao thì nạn đói ghê gớm nhất từ trước tới nay đang hoành hành trong Trung Quốc. Và chính người chủ tịch này chịu trách nhiệm cho thảm họa đó: vì ngay khi ông ấy đã biết có người chết hàng loạt, ông ấy cũng vẫn không thay đổi các kế hoạch của mình. Ảnh: GEO Epoche.

Gesa Gottschalk
Phan Ba dịch từ chuyên san lịch sử “Trung Quốc của Mao Trạch Đông” do GEO EPOCHE xuất bản

TẠI SAO người Chủ tịch lại cứ khăng khăng giữ lấy chiến lược của ông ấy, khi nạn đói trong nước từ lâu đã quá rõ ràng? Cho tới chừng nào mà tài liệu lưu trữ của ĐCS vẫn còn khép kín thì sẽ không có câu trả lời thỏa đáng. Có lẽ ông ấy sợ bị lật đổ. Có lẽ ông ấy lo ngại cho chỗ đứng của ông ấy trong lịch sử Trung Quốc, năm 1956 ông ấy đã theo dõi việc những người Cộng sản Xô viết lên án đường lối của Stalin sau khi người này qua đời như thế nào.

Có lẽ ông ấy vẫn còn tin rằng những hy sinh đấy sẽ mang lại thành quả, rằng Trung Quốc thật sự đứng trước ngưỡng của một quốc gia công nghiệp. Cả một thời gian dài, ông ấy không muốn thừa nhận toàn bộ quy mô của nạn đói.

Chắc chắn rằng: chậm nhất là trong mùa Hè năm 1961, ông ấy cũng không còn có thể nhắm mắt trước thảm họa đấy được nữa. Thành viên của giới lãnh đạo Đảng đã đi xuyên qua đất nước và đã tự mình nhìn thấy lần chết hàng loạt đó. Họ báo cáo tỉ mỉ cho ông. Thêm vào đó, các dự trữ ở Thượng Hải và Bắc Kinh cũng hết dần. Đại Nhảy Vọt đã thất bại – ngay cả khi nó không bao giờ được chính thức tuyên bố chấm dứt.

Sau đấy, Mao lui về phía sau và để cho những người lãnh đạo khác cứu lấy người dân của ông ấy.

Bây giờ, Trung Quốc nhập khẩu ngũ cốc để cung cấp cho những người đang đói ăn. Một đạo luật khẩn cấp lại cho phép người nông dân mướn đất và có việc làm phụ. Được phép họp chợ ở địa phương. Hàng ngàn dự án công nghiệp không hiệu quả được đình chỉ. Bếp nhân dân được bãi bỏ, công xã được thu hẹp lại. Khoảng 25 triệu người Trung Quốc, những người đã trốn vào thành phố, phải trở về làng của họ.

Các chỉ thị mới lan truyền đi nhanh chóng. Trong tỉnh Thanh Hải, Wu Tiancheng và bạn bè của anh ấy nghe nói rằng đất đai được chia lại ở quê hương. Hai năm sau chuyến đi trốn, họ trở về Judong.

Họ về một ngôi làng không còn dân cư. Hẳn phân nửa người dân đã chết. Chỉ một ít trẻ em là sống sót qua cuộc Đại Nhảy Vọt. Và chết chóc vẫn còn chưa chấm dứt. Cứ hai người Trung Quốc chết năm 1963 thì có một người dưới mười tuổi: suy yếu vì đói ăn nhiều năm liền.

Trong tháng 1 năm 1962, 7000 cán bộ họp ở Bắc Kinh. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, người từng thân cận với Mao, đã dũng cảm nói về sự thất bại của giới lãnh đạo Đảng: “Phải nói rõ rằng trách nhiệm chính cho các khó khăn và lỗi lầm trong công việc của chúng ta trong những năm vừa qua là nằm tại Trung ương Đảng.”

Ông ấy đã tận mắt nhìn thấy sự khốn khó của người nông dân, và ông ấy không đồng ý với đánh giá của Mao, rằng tỷ lệ giữa thất bại và thành công tương ứng với “chỉ một của mười ngón tay.”

“Nói chung thì chắc đấy là ba”, Lưu nói, “và trong vài vùng còn nhiều hơn thế nữa, như trong vùng Tín Dương.” Nhưng Đảng giữ kín quy mô thật sự của nạn đói. Đảng gọi thời gian của cuộc Đại Nhảy Vọt là “ba năm cay đắng”, đổ lỗi, ngoài những điều khác, cho hạn hán và Liên bang Xô viết, nước được cho là cứ khăng khăng buộc Trung Quốc phải thực hiện các hợp đồng của mình ngay cả trong nạn đói.

Nhưng thật sự thì thảm họa này là do con người gây ra: bởi Mao, người đã đích thân quyết định về chiến lược của cuộc Đại Nhảy Vọt, và bởi những cán bộ khác mà trong số đó có nhiều người – từ những thành viên nhiều quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho tới cán bộ Đảng đơn giản trong làng – sẵn sàng hy sinh con người cho viễn cảnh  của một Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc.

Với lời hứa, không để cho người Trung Quốc nào còn phải đói nữa và dẫn dắt đất nước đến một tương lai xán lại, Đảng đã gửi không biết bao nhiêu là người Trung Quốc đi đến cái chết. Phần lớn không được nước ngoài Phương Tây nhận biết, trong vòng ba năm có lẽ đã có 30 triệu người chết trong các làng mạc Trung Quốc. Và không phải tất cả đều chết đói: hàng triệu người bị đánh chết, đâm chết, bắn chết. Không phải bởi một đạo quân thù địch, mà bởi chính người của họ.

Đại Nhảy Vọt là sai lầm lớn nhất của Mao Trạch Đông, tội phạm lớn nhất của ông ấy. Và ông ấy sẽ không quên rằng ai đã dám nói lên sự thật về thảm họa này: Lưu Thiếu Kỳ.

Người đấy, người mà cả một thời gian dài được xem là người thừa kế Mao, sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình cho những lời nói công khai đấy một vài năm sau này. Ông ấy là nạn nhân cuối cùng của 30 triệu nạn nhân mà nhân dân Trung Quốc phải gánh chịu vì sự điên rồ của mỗi một người: vì ý tưởng, rằng người ta có thể quất roi thúc một đất nước đang phát triển nhanh chóng đi vào hiện đại.

Gesa Gottschak

Phan Ba dịch

Giới thiệu tài liệu: Kimberley Ens Manning/Felix Wemheuer (xuất bản), “Eating Bitterness”, University of British Columbia Press: tập hợp những bài viết thể hiện một cách ngắn gọn và đầy đủ các kết quả nghiên cứu mới nhất về từng đề tài riêng lẻ một.

Đọc những bài trước ở trang Trung Quốc của Mao Trạch Đông

2 thoughts on “Sự điên khùng của một bạo chúa (hết)

  1. Pingback: -Sự điên khùng của một bạo chúa (phần 1) « ttxcc6

  2. Pingback: Sự điên khùng của một bạo chúa (phần 1) | Chau Xuan Nguyen & all posts

Bình luận về bài viết này