Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Senkaku hay Điếu Ngư – Núi đá trong sóng cồn

Năm hòn đảo nhỏ đó hoàn toàn không có gì quyến rũ. Những ngọn núi đá lởm chởm nhô lên từ biển. Chỉ một vài con cừu đang ăn cỏ trên những bãi cỏ ít ỏi. Một vùng hoang vắng, cách Trung Quốc và Nhật Bản hàng trăm kilômét, tít ngoài xa trên biển Hoa Đông. Người ta không muốn sống và cũng không muốn được mai táng ở đây.

Mặc dù vậy, những hòn đảo không người này là một nguồn xung đột có lực nổ lớn giữa hai thế lực châu Á Trung Quốc và Nhật Bản. Không phải các hòn đảo là quan trọng đối với họ, mà là những gì ở xung quanh đó. Người ta đoán có nhiều khí đốt và dầu ở trong vùng biển này.

Các hòn đảo Senkaku, Diaoyu vàTiaoyu. Hình: Wikipedia

Các hòn đảo Senkaku, Diaoyu vàTiaoyu. Hình: Wikipedia

Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, những cái mà người Nhật gọi là Senkakuz và người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Và trong đó, cả hai đều đứng trên những vị trí không thỏa hiệp hết sức cứng rắn.

Nhật Bản tuyên bố chính thức: “Không còn nghi ngờ gì nữa, quần đảo Senkaku rõ ràng là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản trước những sự thật lịch sử và dựa trên luật lệ quốc tế.” Theo Bộ Ngoại giao Nhật trong một tuyên bố của ngày 25 tháng Chín năm 2010.

Quan điểm của Trung Quốc cũng không kém phần rõ rệt: “Từ thời xưa, quần đảo Điếu Ngư  đã thuộc về Trung Quốc.” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói rõ như vậy với người đồng nhiệm Nhật thời đó trong chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông. Với thời xưa, người Trung Quốc có ý muốn nói tới nhà Minh. Họ mang ra một quyển sách từ năm 1403, có một tấm bản đồ chỉ cho thấy rằng quần đảo Điếu Ngư rõ ràng là thuộc về Trung Quốc.

Để làm cho sự việc thêm phức tạp, người Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền những hòn đảo này. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói vào đầu tháng Tám 2012 ở Đài Bắc: “Điếu Ngư rõ ràng là một phần cố hữu của lãnh thổ nước Cộng hòa Trung Hoa, người ta có nhìn từ quan điểm của lịch sử, của địa lý hay luật pháp quốc tế thì cũng như nhau.”

Từ 1895, Nhật Bản tuyên bố chủ quyền các hòn đảo. Sau Đệ nhị Thế chiến, các hòn đảo được chia về cho thế lực chiến thắng Hoa Kỳ trong Hiệp ước San Francisco năm 1951 (cái mà Trung Quốc không bao giờ công nhận). Hơn 20 năm sau đó, trong Okinawa Reversion Agreement năm 1971, Hoa Kỳ trao trả các hòn đảo này về cho nước Nhật. Lúc đó, Trung Quốc đã phản đối theo nghĩa vụ.

Hiện nay, các hòn đảo này thuộc về gia đình Kurihara giàu có, những người đã cho chính phủ thuê cho tới tháng Ba 2013. Trong mùa Xuân 2012,  thị trưởng Tokio Shintaro Ishihara bất thình lình tuyên bố mối quan tâm. Tokio muốn mua các hòn đảo này. Ishihara, nổi tiếng là một người dân tộc chủ nghĩa, đã sử dụng những từ ngữ thật hùng hồn cho lần chào mời của mình: “Tôi không muốn nước Nhật sẽ chấm dứt như là một Tây Tạng thứ hai”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.

Thế nhưng chính phủ Nhật Bản lại không muốn các hòn đảo đó thuộc về con người dân tộc chủ nghĩa ở Tokio, và vì vậy mà đã phỏng tay trên. Họ mua ba trong số năm hòn đảo với giá 26 triệu dollar: Uotsuri (đảo lớn nhất), Kitakojima và Minamikojima.

Với hành động này, chính phủ Nhật muốn làm cho tình hình bớt căng thẳng, thế nhưng họ lại gây ra điều ngược lại: một tiếng hét vang lên ở Trung Quốc. Một làn sóng phản đối – cũng như trong mùa Thu 2010 khi một ngư dân Trung Quốc bị người Nhật bắt trong vùng biển của quần đảo Senkaku – lan đi khắp nước. Ô tô Nhật bị đập phá, cả những chiếc Toyota của cảnh sát Trung Quốc nữa. Cửa hàng và nhà máy Nhật đóng cửa phòng ngừa trước. Nhiều trò chơi máy tính với tựa đề “Bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” lan truyền đi trong Trung Quốc.

Các nhà hoạt động của cả hai nước đi hướng ra đảo, vẫy và kéo cờ quốc gia của họ. Chính khách của hai nước dùng những từ ngữ hùng hồn. Những người cực đoan ở Bắc Kinh còn yêu cầu ném bom nguyên tử xuống Tokio. Thủ tướng Nhật lúc đó, Noda, nói trước Quốc Hội, trong trường hợp cần thiết sẽ gửi quân lính ra Senkaku, “nếu các nước láng giềng có những hành động phi pháp trên lãnh thổ của chúng ta”.

Sau một vài ngày, bạo động và la hét cũng qua đi, Thế nhưng trong những tháng sau đó luôn có máy bay và tàu thủy của cả hai quốc gia qua lại trước những hòn đảo này. Cuộc tranh chấp các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ tiếp tục song hành và tạo gánh nặng lên trên các quan hệ Trung-Nhật.

Lịch sử dạy cho chúng ta, rằng các quốc gia thường hay cầm lấy vũ khí từ những nguyên do được cho là nhỏ nhặt. Có ai đã nghĩ rằng năm 1982 với Argentina và Liên hiệp Anh đã có hai nhà nước văn minh bước vào chiến tranh vì một nhóm đảo có tên là Falkland ở đâu đó trên Đại Tây Dương?

Và cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có lần thù địch với nhau.

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh

4 thoughts on “Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Senkaku hay Điếu Ngư – Núi đá trong sóng cồn

  1. Pingback: Tin thứ Sáu, 23-05-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 23-05-2014 | doithoaionline

  3. Pingback: ***TIN NGÀY 23/5/2014 -Thứ Sáu. « PHẠM TÂY SƠN

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 23-5-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này