Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Nền độc tài của sự hiệu quả

Trong tháng Chín 2008, ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ. Sự kiện này nói chung được xem là đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Những người có trách nhiệm trong kinh tế và chính trị ở khắp nơi trên thế giới bất chợt náo động và bất lực như thế nào đó, vì họ chưa từng trải qua một thảm họa như vậy. Hết cuộc họp bàn chống khủng hoảng này đến cuộc họp bàn chống khủng hoảng khác, ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

Bảng hiệu của ngân hàng Lehman Brothers được mang đi bán đấu giá tại Christie's ở London trong tháng Chín 2010

Bảng hiệu của ngân hàng Lehman Brothers được mang đi bán đấu giá tại Christie’s ở London trong tháng Chín 2010

Một chính phủ hành động nhanh chóng, thế nào đi nữa thì cũng nhanh hơn các chính phủ khác: chính phủ Trung Quốc. Vào ngày 9 tháng Mười Một 2008 họ quyết định một gói kích cầu khổng lồ trên 4000 tỉ nhân dân tệ, vào lúc đó gần 600 tì dollar. Nhìn lại về sau này, người ta có thể nói rằng gói này đã có tác động ổn định hết sức lớn cho nền kinh tế thế giới.

Không chỉ riêng việc đó là đáng để ghi nhận, mà cả tốc độ mà chỉ trong vòng vài ngày là người ta đã thắt xong một gói với số tiền khổng lồ như thế. Ngay đến giáo sư Francis Fukuyama ở Standford cũng phải kính nể điều đó: “Thế mạnh quan trọng nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc là khả năng đưa ra những quyết định lớn và phức tạp một cách nhanh chóng.”

Dân chủ chống chuyên quyền – đó cũng là một cuộc cạnh tranh về vận tốc và hiệu quả. Và đó cũng là cách suy nghĩ và hành động trong những tầm nhìn thời gian hoàn toàn khác. Các nền dân chủ Phương Tây sống trong những chu kỳ bầu cử thường dài bốn tới năm năm. Tầm nhìn của các chính trị gia mang quyền quyết định chỉ vừa đủ tới cuộc bầu cử kế tiếp, lần bầu cử mà qua đó họ rất muốn được tái đắc cử. Ép buộc phải thành công về ngắn hạn là một trong những điểm yếu lớn của dân chủ. Người ta chỉ lo cho “các nhu cầu của khoảng khắc”, nhà triết gia chính trị học Alexis de Toquevill đã ta thán ngay từ giữa thế kỷ 19 rồi.

Người Trung Quốc ngược lại suy nghĩ trong những khoảng thời gian kế hoạch cho năm năm và xa hơn thế rất nhiều. Vì những kế hoạch năm năm đó, những cái mà thời gian sau này có tên là chương trình, dựa lên nhau. Kế hoạch hiện hành là từ 2011 cho tới 2015. Khoảng thời gian của các kế hoạch này không trùng khớp với thời gian nhậm chức của những người cai trị. Một nước cờ khéo léo. Khi bộ đôi lãnh đạo mới, Tập và Lý, chính thức bắt đầu trong mùa Xuân 2013 thì họ bị trói buộc bởi kế hoạch đang được tiến hành và các mục tiêu của nó. Ngay khi muốn thì họ cũng không thay đổi được đường lối. Kế hoạch đó chiếm ưu thế và tạo một sự liên tục trong đường lối chính sách của Trung Quốc.

Người Trung Quốc suy nghĩ trước hàng chục năm. Họ là những người suy nghĩ (trước) trong những khoảng thời gian dài. Tính dài hạn này là một lợi thế, đặc biệt là tại những vấn đề nghiệm trọng, dài hạn như biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy mà hiện nay đang có một cuộc thảo luận thú vị trong giới nghiên cứu về khí hậu. Họ nhìn thấy những vấn đề toàn cầu khổng lồ đang đến với loài người trong các thập niên tới đây. Và đồng thời họ cũng nhìn thấy sự chậm chạp của các nền dân chủ, những nền dân chủ mà không thể và/hay không muốn đưa ra những quyết định cần thiết, vì họ không muốn đặt gánh nặng lên thế hệ ngày nay để cất đi gánh nặng cho các thế hệ trong tương lai. James Hansen của NASA Goddard Institute for Space Studies vì vậy mà hoài nghi rằng các nền dân chủ có thể ngăn chận được sự ấm nóng lên của khí hậu.

Ngược lại, ở Trung Quốc thì cuộc sống bền vững có thể đơn giản là được quy định. Những điều tương tự như thế cũng có ở trong một báo cáo thẩm định của Hội đồng Khoa học Cố vấn cho Chính phủ Liên bang [Đức] về các Biến đổi Môi trường trên Toàn cầu dưới sự lãnh đạo của nhà nghiên cứu khí hậu Hans Joachim Schellnhuber. Và trong báo cáo mới nhất của Club of Rome trong tháng Năm 2012 có viết: “Trung Quốc sẽ là một câu chuyện thành công, vì nó có khả năng hành động.”

Trong đó, có một trong số các tác giả ủng hộ cho một ý kiến hết sức đặc biệt: Jørgen Randers, giáo sư về chiến lược khí hậu ở Trường Quản lý Na Uy. Ông nói, chỉ có “một nhà độc tài có ý tốt” mới có thể ngăn chận được thảm họa khí hậu hay ít nhất là làm giảm thiểu nó đi. Đối với ông, Đảng Cộng sản Trung Quốc là một người như vậy. Vì họ có thể đưa ra được những quyết định cần thiết nhưng khó chịu; họ không phải để mắt tới tiếng nói của cử tri. Và cũng không phải dự tính trước với sự phản đối từ người dân hay càu nhàu dọc theo những con đường sắt hay đường dẫn điện. “Cầm quyền ở Trung Quốc đơn giản là hiệu quả hơn”, Randers nói.

Đó tất nhiên là một cuộc thảo luận khó khăn, khi người dân chủ ca ngợi nhà độc tài. Nhưng nó là một cuộc thảo luận cần thiết. Câu hỏi không phải là liệu tất cả các nền dân chủ Phương Tây có nên đột biến trở thành những thể chế độc tài có ý tốt hay không. Không một nhà dân chủ nào có thể yêu cầu điều đó một cách nghiêm túc được. Nhưng khi một đất nước như Trung Quốc có những lợi thế về hiệu quả thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có phải cải tạo những nền dân chủ của chúng ta cho có hiệu quả hơn hay không. Nhưng nói chung là điều đó có thể hay không?

Heribert Prantl hoài nghi. “Dân chủ không phải là một thể chế có tốc độ”, nhà bình luận hùng biện của tờ Nhật báo Nam Đức đã viết bài xã luận. Một nền dân chủ hoạt động được thì phải có quốc hội và tòa án, tức là những cái phanh mà lúc nào cũng có trong hệ thống.

Chuyên gia kinh tế người Pháp Jean-François có ý kiến khác. Ông phác họa một bức tranh tối tăm trong quyển sách Trung Quốc – Hoa Kỳ – Cuộc chiến tranh được lập trình trước của ông. Ông nói về nền độc tài của sự hiệu quả, cái mà cả thế giới bị ép buộc bởi hệ thống Trung Quốc. Lần trỗi dậy trở thành cường quốc có thể dẫn tới một sự suy yếu khắp thế giới, còn có thể là cả sự hủy diệt nền dân chủ nữa – vì chúng thiếu hiệu quả.

Trong thực tế, không nơi nào phản ánh cuộc thảo luận trên lý thuyết này tốt hơn là trong sự so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

(Còn tiếp)

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh

3 thoughts on “Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Nền độc tài của sự hiệu quả

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 24-02-2014 | doithoaionline

  2. Pingback: Thứ Hai, 24-02-2014 – Cẩn thận với mã độc từ Việt Nam: Chúng được gửi dưới vỏ bọc rất cá nhân – Tòa xử Trương Duy Nhất, các “bị hại” sẽ lủi đi đâu? | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 24-2-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này