Nghiên cứu cảnh báo khủng hoảng nước ở Ấn Độ và Trung Quốc

Markus Becker

Phan Ba dịch từ Spiegel Online

Phá hủy môi trường và bóc lột tài nguyên thiên  nhiên khiến cho giới chính trị gia và quân đội lo lắng. Một nghiên cứu, được trình bày tại Hội nghị An Ninh München, đã cảnh báo ngay từ bây giờ trước những xung đột tiềm năng do thiếu nước ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Một người phụ nữ ở Allahabad, Ấn Độ: ranh giới thiếu nước cùng cực đang tiến tới gần. Hình: Spiegel Online

Một người phụ nữ ở Allahabad, Ấn Độ: ranh giới thiếu nước cùng cực đang tiến tới gần. Hình: Spiegel Online

Những  nỗi lo lắng này có lý do chính đáng cho tới đâu, điều này thì đã rõ từ trước khi hội nghị được chính thức khai mạc. Tại một thảo luận mang tựa đề rắn rỏi “Tài nguyên giới hạn – rủi ro an ninh vô hạn”, cựu tổng thư ký NATO Javier Solana và đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh ngồi bên cạnh nhau và có lúc lo lắng ra mặt.

Một lý do: Tại cuộc thảo luận này, người ta giới thiệu Chỉ số An ninh Địa cầu mới được thành lập. Bản báo cáo cố gắng mang lại một mẫu số chung cho tình trạng về tài nguyên, tài chính và xã hội của nhiều nước khác nhau – và chỉ ra những phát triển mang nhiều lực nổ. Một trong số đó cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ, tổng cộng là hơn một phần ba dân số thế giới, chẳng bao lâu nữa sẽ gặp phải những vấn đề lớn về nước.

Nước ngầm bị nhiễm bẩn

Ở Trung Quốc, hơn nửa nước ngầm bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp và chăn nuôi. Qua ô nhiễm kim loại nặng, theo ước tính của bộ có thẩm quyền ở Trung Quốc, hàng năm có mười triệu tấn ngũ cốc bị phá hủy và mười hai triệu tấn bị ô nhiễm. “Thêm vào đó, Trung Quốc dự định tăng 75% lượng điện được sản xuất bằng than”, Alejandro Litovsky nói, sếp của Earth Security Initiative. “Và phần lớn các nhà máy điện đều dự định sẽ được xây ở những nơi mà nước cung cấp trước sau cũng đã bị ô nhiễm rồi.”

Tình hình ở Ấn Đọ còn mang tính đe dọa nhiều hơn nữa. “Thiếu nước cùng cực” có thể sẽ đe dọa việc cung cấp năng lượng và lương thực, theo báo cáo. Được trích dẫn trong bản báo cáo là tính toán của chương trình bảo vệ môi trường Unep của Liên Hiệp Quốc mà theo đó ngay từ năm 2025 Ấn Độ đã có thể bước qua ranh giới của “thiếu nước cùng cực”. Ngay từ bây giờ, một vài thành phố đã phải được cung cấp nước bằng xe bồn từ vùng phụ cận. Trung bình, Ấn Độ lấy ra 35% nước ngầm nhiều hơn là lượng vào trên con đường tự nhiên. Thêm vào đó, tưới nước và bón phân quá mức đã làm cho hàng triệu hecta đất trở nên vô dụng.

Cả Cận Đông và Bắc Phi trong tương lai tới đây cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề lớn: những nước như Ả Rập Saudi, Libya, Israel hay Jordan thỏa mãn phần lớn nhu cầu nước từ những nguồn nước ngầm hóa thạch đã được làm đầy trước đây hàng ngàn năm, khi khí hậu vùng này còn ẩm ướt hơn. Nước này không những bị ô nhiễm một phần bởi phóng xạ, mà còn có thể vơi dần ở một số nơi trong vài thập niên tới đây.

“Nhận thức về những xung đột đang đe dọa vì nước vẫn còn chưa thành hình rõ rệt, khác với tại các tài nguyên khác”, chính trị gia Đức Friedbert Pflüger nói, người hiện đang đứng đầu một viện về năng lượng và an ninh tài nguyên ở King’s College tại London. “Nhu cầu nước ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á tăng rất nhanh, điều có thể mang lại nhiều vấn đề an ninh lớn trong những năm và thập niên tới đây.”

Hai tỷ người sẽ thuộc tầng lớp trung lưu

Trong các thập niên tới đây, tình hình có thể càng thêm căng thẳng qua tăng trưởng dân số và kinh tế của các nước sắp trở thành nước công nghiệp. “Ngày nay có bảy tỷ người, 2050 sẽ là chín tỷ”, Solana trình bày tại cuộc thào luận. “Hai tỷ người trong số họ sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.” Điều có nghĩa là: họ sẽ ăn thịt, bay máy bay đi nghỉ mát, lái ô tô và sử dụng rất nhiều điện.

Trên nguyên tắc, việc tiêu chuẩn sống tăng lên trong những nước sắp trở thành nước công nghiệp là điều đáng để mong muốn, điều này thì không ai tranh cãi ở München cả – không một đại diện nào của các quốc gia công nghiệp và nhất là không có ai từ những nước sắp trở thành nước công nghiệp. “100 triệu người trung Quốc đang sống dưới mức nghèo 230 dollar một năm”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phó Oánh giải thích. “Giấc mơ Trung Quốc là một cuộc sống tử tế cho mỗi một người bình thường.”

Câu hỏi được đặt ra là: Các nước sắp trở thành nước công nghiệp có đạt tới mục tiêu của họ mà không lập lại các lỗi lầm về môi trường của các quốc gia công nghiệp và tàn phá hành tinh này hay không? Để làm được việc đó, sử dụng tài nguyên trên đầu người phải giảm xuống trong tương lai. Con số này hiện nay là quá cao: loài người sử dụng hiện nay nhiều gấp rưỡi lượng Trái Đất có thể cung cấp về lâu dài. Nếu sử dụng trên đầu người dừng lại ở mức hiện tại hay còn tăng lên nữa, thì loài người trong năm 2050 có thể sẽ cần tới ba Trái Đất.

Hậu quả sẽ không dễ chịu cho lắm trong nhiều nước – và vì toàn cầu hóa nên các xung đột đó không phải lúc nào cũng được giới hạn ở địa phương. “Năm 2010 có hạn hán và thất mùa ở Nga”, sếp Earth Security Initiative Litovsky nói. Hậu quả là giá ngũ cốc tăng cao trên thị trường thế giới và Nga ngưng xuất khẩu. Qua đó, giá lương thực thực phẩm ở Ai Cập đã đắt thêm lên rất nhiều. “Điều đó”, theo Litovsky, “là một yếu tố quan trọng cho Mùa Xuân Ả Rập.”

Nguồn: http://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/sicherheitskonferenz-studie-warnt-vor-wasserkrise-in-china-und-indien-a-950618.html

4 thoughts on “Nghiên cứu cảnh báo khủng hoảng nước ở Ấn Độ và Trung Quốc

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 04-02-2014 | doithoaionline

  2. Pingback: ***TIN NGÀY 4/2/2014 -Thứ Ba. « ttxcc6

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 4-2-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: ***TIN NGÀY 6/2/2014 -Thứ Năm. « ttxcc6

Bình luận về bài viết này