“Người ta không tin chúng tôi”

“Người ta không tin chúng tôi”

Bà X., 57 tuổi, nhân viên trong một viện nghiên cứu, Bắc Kinh:

“Vào thời các chiến dịch chính trị trong ba mươi năm đầu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gia đình chúng tôi gặp phải nhiều vấn đề lớn, vì chúng tôi xuất thân từ gia cấp địa chủ. Tôi ra đời vào đầu những năm 1950. Nằm sâu trong ký ức của tôi là tiếng thì thào mà tôi nghe được vào mỗi tối, sau khi tôi được mang lên giường. Rồi người lớn bàn bạc về những vấn đề của họ. Ví dụ như họ phải đưa ra thông tin nào về cá nhân của họ trong các tờ khai báo và tự phê bình được yêu cầu. Vì bên cạnh lý lịch xấu còn có một vài con cừu đen thông qua kết hôn nữa, ví dụ như chồng của một người dì, người còn bị tệ hại hơn chúng tôi nữa, vì là con trai của một đại địa chủ. Tốt hơn là không nên nhắc tới những người họ hàng như vậy. Nhưng nếu như sau này mà người ta phát hiện ra được thì còn bị nặng gấp đôi. Bắt đầu từ thời gian đó, con người không còn trung thực nữa. Họ che giấu thông tin và xúc cảm vì sợ rằng tới một lúc nào đó chúng có thể gây hại cho họ. Thường họ còn không cười thật sự nữa, mà chỉ giả vờ vui vẻ. Tự phát bộc lộ cảm xúc cũng xa lạ đối với tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã phải học cách kiểm soát lấy bản thân mình. Ai làm lỗi hay khiến cho cấp trên tức giận thì sẽ có vấn đề. Ngày nay vẫn còn như vậy. Cấp trên có quyền hành rất lớn. Nhưng ngày nay thì họ không còn có thể quyết định tất cả và định đoạt về cuộc đời của anh như ngày trước nữa.

Dân khiếu kiện Trung Quốc bị giữ tại một trại giam trá hình ở Bắc Kinh REUTERS

Dân khiếu kiện Trung Quốc bị giữ tại một trại giam trá hình ở Bắc Kinh REUTERS

Trong thời của cuộc đấu tranh giai cấp nóng bỏng, tốt hơn là nên xuất phát từ một gia đình hết sức nghèo nàn. Rồi thì người ta sẽ nhận được các cơ hội học tập và làm việc tốt nhất. Rất đáng tiếc là người ta không thể lựa chọn gia đình mà người ta sinh ra ở trong đó được. Chị cả tôi vì lý lịch xấu mà không được phép đi học ở cả trường trung học lẫn đại học. Điều đó đã phá hủy toàn bộ kế hoạch cho cuộc đời của chị. Tất cả mọi hy vọng và mơ ước đều tan vỡ. Thay vì vậy, chị cả đời đã làm việc trong một nhà xưởng. Cuối cùng, chị được cho về hưu sớm và ngày nay hết sức cay đắng. Nhưng người ta đã không thể lấy đi ao ước muốn được học đại học của chị. Ngày nay, chị đi học trường đại học dành cho người già.

Tôi có nhiều may mắn hơn chị. Chỉ vì tôi ra đời muộn hơn mà tôi đã có thể học đại học, và mặc dù là phụ nữ thì tôi đã tới tuổi về hưu, nhưng tôi vẫn có thể tiếp tục làm việc như là một nhà khoa học, khiến cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Trước đây ba mươi năm, vì lý lịch của tôi xấu mà không thể nghĩ tới điều này được. Đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay thì xuất phát từ gia đình nào không còn đóng vai trò gì nữa. Cái chính là người ta có khả năng.

Cuối cùng thì mỗi người đều có được một cuộc sống riêng tư mà không ai để ý tới nó. Trước kia thì không có gì là riêng tư cả. Tất cả đều bị kiểm soát. Bây giờ không còn nữa. Người ta có yêu, kết hôn hay ly dị thì cũng chẳng có ai quan tâm tới. Trong viện của chúng tôi có hai nhân viên có quan hệ với nhau, mặc dù cả hai người đều đã kết hôn với người khác. Điều đó trước đây bị loại trừ hoàn toàn. Hai người đó lẽ ra đã bị đẩy ra các tỉnh ở xa từ lâu.

Chúng tôi đã vượt qua được chủ nghĩa Stalin và cả Chủ nghĩa Mao nữa, như cho tới dân chủ thì con đường còn xa. Giới trí thức chúng tôi ngày nay thật ra không còn có thể than phiền được nữa. Chúng tôi hưởng tự do nhiều hơn là trước đây rất nhiều. Chúng tôi có thể suy nghĩ, phát biểu và lựa chọn nghề nghiệp chúng tôi một cách tự do. Nhưng mặc dù vậy vẫn còn có một vấn đề: người ta không tin chúng tôi. Chúng tôi yêu đất nước của chúng tôi, nhưng giới lãnh đạo chính trị không tin tưởng chúng tôi. Tôi hy vọng là cả điều đó cũng sẽ thay đổi trong thời gian tới đây.”

“Đừng động tới chính trị”

Ông C., 50 tuổi, giám đốc khách sạn, Thượng Hải: “Thế hệ những người ngày nay năm mươi, sáu mươi tuổi của tôi có thể nói rằng mình đã may mắn trải qua được sự biến đổi trong Trung Quốc và đã có thể hưởng lợi được từ nó và còn có thể hưởng thụ hoàn toàn nó nữa. Chúng tôi biết ngày xưa như thế nào. Chúng tôi có thể so sánh, và chúng tôi nhìn thấy rằng tiến bộ vẫn tiếp tục có. Nhưng rất đáng tiếc là có nhiều người khác, những người đã không trải qua sự biến đổi này, vì họ đã chết rồi. Họ đã sống phần lớn cuộc đời của họ trong sự nghèo nàn. Hàng chục năm trời, hầu như không có gì thay đổi trong Trung Quốc cả. Tất cả mọi việc chỉ còn tồi tệ thêm nữa thôi. Nhưng rồi bất chợt có sự biến đổi này trong ba mươi năm vừa qua. Những thay đổi to lớn này. Thật là may mắn cho thế hệ của chúng tôi. Chúng tôi đã từng nghèo, chúng tôi chẳng có cái gì cả, và bây giờ thì chúng tôi khá giả. Chúng tôi biết cả hai: nghèo nàn và thịnh vượng. Hoàn toàn khác hẳn với thế hệ trẻ ngày nay, những người không biết cả thiếu thốn lẫn nghèo nàn, và cũng không thể tưởng tượng được là chúng tôi đã có lần sống ở dưới những điều kiện nào. Vâng, họ còn chẳng tin chúng tôi khi chúng tôi kể cho họ nghe về những thống khổ của thời gian vừa qua.

Nhưng tất cả những sự thịnh vượng về mặt vật chất đó, những cái mà chúng tôi vui mừng vì có chúng, không thể đánh lừa được rằng nhìn theo hướng văn hóa và chính trị thì chúng tôi đã đạt được rất ít. Tuy là có thay đổi, nhưng toàn bộ quá trình tiến triển quá chậm chạp. Các nhiệm vụ sắp tới đây được đẩy sang cho thế hệ tương lai. Điều đó là không đúng.

Tôi đang học một khóa tu nghiệp hai năm về quản lý khách sạn ở Đức khi những cuộc biểu tình diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng 5 năm 1989. Tôi đã có thể ở lại Đức. Tôi cũng đã có những lời chào mời cộng tác khá thú vị, cả từ Hoa Kỳ nữa. Nhưng tôi không muốn. Tôi muốn trở về. Chúng tôi có một câu thành ngữ: ‘Ở trong nước thì anh mắng chửi đất nước của anh, ở nước ngoài thì anh yêu nó.’ Tôi cũng như thế. Ở trong nước thì tôi chẳng hài lòng với một điều gì cả, có thể phàn nàn đủ thứ về tình hình chung, nhưng rồi khi tôi đi ra nước ngoài thì tôi nhớ nhà đến gần chết. Tôi muốn thực hiện ở Trung Quốc tất cả những gì mà tôi đã nhìn và học được ở nước Đức, muốn tạo ảnh hưởng và làm một cái gì đó cho đất nước của tôi. Tôi nghĩ rằng khi tất cả mọi người đều cố gắng và ai cũng làm hết sức mình thì rồi xã hội sẽ được tốt. Rồi chúng tôi sẽ có thể làm thay đổi được nhiều việc. Hiện giờ, tôi biết rằng đừng động tới chính trị thì tốt hơn. Cứ đứng ngoài. Anh chỉ là một con số nhỏ bé không quan trọng. Nếu như anh cùng xen vào thì anh chỉ gặp khó khăn mà thôi. Trừ phi anh có một hậu thuẫn mạnh dưới dạng bạn bè có nhiều ảnh hưởng hay họ hàng có chức vụ cao, những người bảo vệ anh khi có nguy hiểm. Như thế thì có thể là anh có khả năng thực hiện được một điều gì đó. Ngoài ra thì không. Thế nào đi chăng nữa thì lòng nhiệt tình của tôi cũng đã nhanh chóng chấm dứt. Mặc dù vậy, tôi đã không hối hận khi quay về. Bây giờ tôi đã năm mươi tuổi, có một công việc làm tốt và đã đạt được tất cả những gì trong vòng có thể. Tôi không thể lên cao hơn nữa. Còn ngược lại. Dần dần rồi tôi cũng phải nghĩ tới việc giao ra bớt nhiệm vụ, vì những người trẻ đang tiến lên. Đối với tôi thì thật là vô nghĩa, khi cứ khư khư bám chặt lấy vị trí của mình và vẫn còn muốn bước lên cao hơn nữa trên con đường sự nghiệp với tuổi trên năm mươi. Nếu thế thì tôi sẽ bị giới trẻ chê cười.”

“Tôi im miệng”

Ông M., 71 tuổi, giáo sư, Bắc Kinh. “Anh hỏi tôi về những vấn đề trong đất nước của chúng tôi ư?” Tức thời thì tôi không thể nói được điều gì cả, vì có nhiều vấn đề lắm. Nói thật, tôi cũng không suy nghĩ về việc đó. Trước sau gì thì người ta cũng không làm được gì. Đối với tôi thì chỉ còn gia đình của tôi thôi. Tôi giúp con trai tôi khi nó cần giúp đỡ trong công ty riêng của nó. Trước đây, khi tôi còn trẻ, tôi đã lo nghĩ về các vấn đề trong đất nước của chúng tôi và vì vậy chỉ bị rắc rối thôi. Tí nữa thì tôi đã mất đầu rồi. Bây giờ thì tôi im miệng. Tôi không thể bảo vệ được tôi và gia đình tôi một cách khác đi.

Tôi rất có tài, rất siêng năng và lúc mới hơn hai mươi đã là một nhà khoa học tài giỏi. Một vài quan chức cao cấp chú ý tới tôi và khuyến khích tôi trong các công việc nghiên cứu của tôi. Khi các quan chức cao cấp này bị thất thế thì tôi cũng bị tấn công. Cho tới chừng nào mà anh theo đúng đường lối thì anh không gặp phải vấn đề gì cả, nhưng khi chính trị thay đổi đường hướng của nó – điều mà nó thường hay làm – thì rồi anh cũng chẳng còn có thể cứu được mình với những lý lẽ lôgíc nữa. Ai có quyền lực thì bao giờ cũng đúng, trong luật lệ có ghi gì cũng mặc. Trong những năm 1960, tôi trích dẫn Marx trong một cuộc họp, tôi biết rõ các tác phẩm của ông ấy. Một người lãnh đạo Đảng cao cấp tấn công tôi ngay tức khắc và kết tội tôi là có tư tưởng phản cách mạng. Tí nữa thì tôi thật sự đã trở thành một tên phản cách mạng. May mắn là tôi có thể đưa ra đoạn mà có thể đọc lại những lời đó của Marx. Viên quan chức cao cấp đó thật sự là đã cho người kiểm tra, và người của ông ta đã tìm thấy đoạn đó. Vì thế mà tôi thoát được số phận của một tên phản cách mạng. Mặc dù vậy, tôi vẫn bị theo dõi ngay từ lúc đó.

Giới trẻ ngày nay hay to mồm lắm. Họ cảm thấy họ can đảm và lên án chúng tôi là hèn nhát, vì chúng tôi không còn cất tiếng nói của chúng tôi nữa. Chẳng có gì là lạ cả. Họ cũng còn chưa phải chịu đựng nhiều. Giới trí thức thế hệ chúng tôi thì rất cẩn thận. Chúng tôi đã sống qua được rất nhiều chiến dịch chính trị, kể cả cuộc Cách mạng Văn hóa, đó là một thành tích đáng hãnh diện rồi, khi người ta có một tinh thần phê phán.

Bất cứ ai đang nắm quyền hành thì cũng đều không thích bị phê phán, ngay khi là có lý do chính đáng đi nữa. Và khi người ta đã về hưu rồi thì chẳng còn ai nghe anh nói nữa. Ví dụ như tôi đã có lần cùng với một vài đồng nghiệp về hưu làm việc về một vụ gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi đã hết sức cực nhọc mới thu thập được các dữ liệu quan trọng, cảnh báo các mối nguy hiểm, soạn thảo ra các khả năng giải quyết và cuối cùng rồi đưa ra cho cơ quan địa phương. Họ cảm nhận công việc của chúng tôi như là một hoạt động phá rối. Họ còn cho rằng chúng tôi muốn phá hoại tinh thần phấn khởi của tăng trưởng kinh tế. Công trình của chúng tôi biến mất vào trong ngăn kéo của họ.

Người ta chỉ bị rắc rối khi lo nghĩ về các vấn đề của đất nước thôi. Sau nhiều trải nghiệm đau đớn, bây giờ cuối cùng rồi tôi cũng thấu hiểu. Vì vậy mà tôi đã từ giã xã hội. Tôi không còn có liên quan gì tới nó nữa. Tôi sống trong thế giới nhỏ bé của tôi với những quyển sách của tôi và viết những bài luận về các đề tài triết học và văn học để tiêu khiển. Tôi im miệng.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc

3 thoughts on ““Người ta không tin chúng tôi”

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 11-07-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: Tin thứ Năm, 11-07-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Tin thứ Năm, 11-07-2013 « BA SÀM

Bình luận về bài viết này