Tại sao tôi không bao giờ muốn rời bỏ nơi đây

Hầu như bất kỳ ai trong Hoa Kỳ cũng đều biết cội nguồn của mình ở đâu. Ví dụ như Terence Koh đã bắt đầu sự nghiệp của mình dưới tên Asian Punk Boy, nhưng tự nói về mình là “một phần là người Nhật, một phần là người Peru, và tôi tin rằng có một ít người Ireland”. Vì lịch sử ngắn ngủi của đất nước này mà phần lớn người dân của nó vẫn còn có thể hồi tưởng lại con đường đi đến đây của họ. Cũng vì dễ dàng trở thành người Mỹ và vẫn giữ được cá tính của mình. Gần như trong mỗi một thành phố, tất nhiên trước hết là ở cạnh bờ biển, đều có những khu phố được thống trị bởi một chủng tộc hay tôn giáo mà người Ý, người Ba Lan, người Hispanic, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người da đen, người Do Thái sống ở trong đấy. Việc này phần lớn không được cảm nhận như một vấn đề, đó là nhờ vào hai quan điểm cơ bản: Hoa Kỳ là một nước di dân và cũng biết điều đó. Và họ có được một tự nhận thức đúng đắn.

Và cũng chính niềm tin này, rằng được phép sống trong god’s own country phải là phúc lành lớn nhất cho mỗi một con người, cũng đã để cho họ đối xử căng thẳng với những người muốn nhập cư. Một cô bạn từ Đức, có công việc làm ổn định ở đây và muốn kết hôn với một người Mỹ, được một nữ nhân viên gốc Nga nhuộm tóc vàng của sở nhập cư đặt ra ba câu hỏi: “Cô có phải là một người khủng bố hay không? Cô có phải là một người cộng sản hay không? Cô có phải là một gái bán dâm hay không?” Chính người nhân viên đó lại trông có vẻ giống như bà ấy ít nhất thì cũng đã từng là một trong những khả năng ấy. Nhưng người ta chỉ cảm thấy điều đấy là buồn cười khi người ta đã ra ngoài với những giấy tờ muốn có.

Con đường đến Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những người bị ép buộc phải lên những chiếc tàu chở nô lệ mà đằng sau chúng bao giờ cũng có cá mập tụ tập, vì có hàng trăm người không sống qua được cuộc hành trình cực nhọc đấy. Ngày nay, những kẻ buôn người mang lậu khách hàng của mình từ Mexico qua, ít nhất là cho tới chừng nào mà cái hàng rào to lớn ấy còn chưa chia cắt Thế giới thứ nhất với Thế giới thứ hai (và thứ ba). Nhưng mặc kệ việc tổ tiên sang Mỹ vì những lý do về tôn giáo hay kinh tế, là nô lệ bị chở bằng tàu thủy sang đây hay bị Quốc Xã xua đuổi. Hay chính họ vừa mới đến đây trước một vài năm, lao động bất hợp pháp cho một đồng lương ít ỏi và hy vọng vào một điều kỳ diệu, để cho họ ở lại đây và có được một cuộc sống tốt hơn. Đối với gần như tất cả, đã và vẫn là: không có con đường trở về.

Tôi đến đây với một tư thế khác. Trong chuyến đi thăm New York đầu tiên, tôi đã yêu vô phương cứu chữa thành phố này. Khi tôi thức dậy rất sớm sau lần đến vào đêm khuya, tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi, đứng trần truồng trong căn hộ của mình và thủ dâm, rõ ràng là muốn người khác nhìn thấy mình. Và tôi nhìn thấy một người phụ nữ và một người đàn ông đang làm tình trên ban công của họ, rõ ràng là hoàn toàn thản nhiên trước câu hỏi liệu có ai có thể nhìn thấy mình hay không. Buồn cười ở chỗ là trong chính khoảng khắc đấy tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ dứt bỏ được New York. Đó là tình yêu của hai cái nhìn đầu tiên: tất nhiên là thành phố này thỉnh thoảng cũng ngủ, như lúc đó nó luôn luôn hé mở ít nhất là một con mắt. Trong những ngày kế tiếp theo sau đó tôi thường lặng đi không nói được vì tôi đã bị chinh phục bởi tính thi ca tàn bạo của kiến trúc ở đây, bởi những con người đủ màu da và bởi tiếng ồn ào tuyệt vời.

Một vài năm sau đấy, khi bạn tôi nhận được lời mời  làm thông tín viên kinh tế cho tờ “Spiegel”, tôi đã tự hành hạ mình với ý nghĩ: tôi từ bỏ những gì, tôi đi đâu, sẽ như thế nào khi tôi trở lại? Tôi sang Mỹ, nhưng với một quan điểm bài Mỹ sâu sắc. Tôi sẽ sống ở đây một vài năm, đầu tiên ở New York, rồi có lẽ ở bờ biển Tây. Tôi sẽ thưởng thức cái đẹp, niềm vui, sự điên khùng của đất nước này. Nhưng rồi tôi sẽ trở về Berlin, nơi mà lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác rằng có được một quê hương. Một nơi mà người ta yêu, ghét, khinh thường, tôn thờ và bảo đảm rằng không thể dứt bỏ nó được.

Là nhà báo thì cuộc sống ở Hoa Kỳ rất đơn giản. Chỉ trong vòng vài ngày là người ta có được thị thực cho năm năm (trên nguyên tắc có thể gia hạn đến vô tận), và ngoại trừ một vài câu hỏi kiểm tra lúc nhập cảnh thì người ta không gặp phải vấn đề gì. Tôi xin một Social Security Card (chỉ cần một địa chỉ cho việc này), mở một tài khoản (chỉ cần một cuộc sống trong số cộng) và tìm thấy bạn bè cho cuộc sống (cũng như ở khắp nơi trên thế giới, thật ra thì chẳng cần gì cho việc này cả). Các bước kế tiếp có thể phức tạp hơn. Ngay cả khi người ta đã có thẻ tín dụng từ nhiều thập niên ở Đức, với mức độ tín nhiệm để cho vay (credit history), có thể nói là người ta bắt đầu với con số không ở đây. Và anh người Mỹ cùng sử dụng văn phòng đã phải bảo đảm cho tôi tại hợp đồng thuê văn phòng đầu tiên của tôi. Trái ngược với hình ảnh của nó, bộ máy quan liêu ở Hoa Kỳ cực kỳ hiệu quả: đây là một đất nước mà tiền thuê nhà còn được trả bằng ngân phiếu và một sự hỗn loạn của thẩm quyền xuất hiện ngay lập tức khi có một cái gì đó khác với lệ thường. Ở đó, người ta tuyệt vọng bấm chuột qua các trang mạng của AT&T và Apple, vì đăng ký trực tuyến chiếc điện thoại di động không hoạt động, chờ được giúp đỡ tại một số điện thoại dịch vụ 1800, để rồi sau 20 phút biết rằng người ta phải trực tiếp ra cửa  hàng. Nơi mà người ta được nói rằng xin hãy gọi đường dây phục vụ. Tức là cũng có những tình thế làm cho tuyệt vọng. Sự biểu lộ những điều vô lý trong cuộc sống, những cái khiến cho tôi nhớ đến những chiếc máy tự động bán vé tàu điện và tàu điện ngầm ở Berlin, những cái mà đến người Đức còn không hiểu được huống hồ chi những người khác du lịch mà thành phố hãnh diện đến như thế vì họ. Nhưng sự so sánh rằng phàn nàn ở đâu thì đẹp hơn, chỉ mang lại sự hài lòng trong một thời gian ngắn. Tôi đã có ý tìm ở Hoa kỳ tất cả những điều bực mình và những cái đẹp mà tôi cần cho cuộc sống. Có người nhờ mang bánh mì đen từ Đức sang. Người ta còn kể cho tôi nghe về những quả trứng tươi được gói cẩn thận trong va ly, vì trứng ở đây được cho là không có mùi. Cái duy nhất mà tôi cho là được phép về phương diện này là khăn tay giấy hiệu Tempo, vì sản phẩm Mỹ không đối phó nỗi với những cơn viêm mũi dị ứng của tôi, cả về độ lớn lẫn về độ dai. Nhưng nói chung là: những gì mà người ta có thể phê bình trong đất nước này đều không hề hấn gì đến tôi cả, vì tôi xem cuộc sống của tôi ở đây như là một món quà tặng có hạn.

Khi tôi lái xe ra phi trường Newark để lại trở về Đức làm việc gì đấy trong một vài ngày quá ngắn ngủi, và tôi từ giã qua điện thoại những người bạn mà tôi lại không thể gặp mặt được trong những ngày cuối cùng, tôi tưởng tượng rằng sẽ ra sao khi tôi ngồi trong một của những chiếc ô tô của Lower East Side Car Service, khoang chứa hành lý đầy đồ đạc vì tôi dọn hẳn trở về Đức (trong trường hợp này, tôi nhấn mạnh đến thể giả định). Ý nghĩ đấy đối với tôi có nét quyến rũ chết chóc tương tự như suy nghĩ rằng bài hát nào cần phải được trình diễn trong đám tang của tôi. Khi gạt sang bên, rằng sự u sầu vội vã đi trước này là một tâm trạng hoàn toàn không Mỹ: thật ra thì điều gì trong đó lại tồi tệ đến như thế? Tôi sẽ cảm thấy nhớ nhất là cái gì?

Mùi thuốc khử trùng trong các bar ở Lower East Side; những con hải cẩu ở cửa Russian River; hàu tại B&G Oysters ở Boston; Nghĩa trang Calvary trên đường từ Cảng hàng không JFK về Manhattan mà sau đó có thể nhìn thấy những ngôi nhà chọc trời lần đầu tiên; những cuộc gọi điện tiếng Tây Ban Nha-Anh với bà ôsin Alta Gracia (và cái tên đẹp của bà ấy); gáy được cạo nhẵn của những người lính Mỹ; nước suối Poland Spring; những lần cầu kinh trong yết hầu của tài xế taxi; khách sạn Many Glaciers trong Montana được xây theo phong cách của một Grandhotel Thụy Sĩ, có món fondue phó mát là món khai vị; cuộc tra hỏi không kìm chế về nghề nghiệp của tôi, sự bồn chồn nhẹ nhàng khi tôi khởi đầu quá dông dài; những chiếc thuyền xem cá voi ở Cape Cod; sân hiên của khách sạn Raleigh ở Miami trong lúc có hội chợ nghệ thuật; giọng Brazil của anh bạn Marcelo của tôi; những người phụ nữ hết mình vì sự nghiệp chạy bộ vào buổi sáng sớm; hoàng hôn ở Malibu và hoàng hôn trên Houston Street, tuyết ở Salt Lake City; nghi thức rắc tiêu trong nhà hàng, tính tò mò, có lẽ còn cả giọng nói to của người ở đây; gương mặt của Paul Newman trên nước xốt và dầu giấm; câu hỏi “How are you?”; Bảo tàng Thành phố; tầm nhìn ra cái cầu thang phòng cháy của láng giềng tôi; lá màu vàng và đỏ trong Indian Summer cũng như cuộc tranh luận hàng ngày trong tờ “New York Times”, rằng sắc màu đấy còn là “curry” hay đã “cranberry” rồi; và nhân dịp nói về mùa thu bằng tiếng Anh mới: cảm giác khi lá rụng đông cứng kêu răn rắc ở phía dưới tôi vào lúc sáng sớm và một đàn ngỗng xám bay về miền Nam ở phía trên tôi; chiếc nón pillbox của Jackie trong John F. Kennedy Library; người thợ cắt tóc Socrates của tôi ở Clinton Street; Las Vegas lúc hoàng hôn từ ở trên cao; bà cụ láng giềng của tôi, người hầu như không còn có thể đi lại mà không chống gậy, nhưng mang váy da ngắn màu đỏ vào ngày mùa xuân thật sự đầu tiên; con đường cao tốc 12 làn xe từ Los Angeles đến San Diego vào ban đêm; và tất nhiên là cảm giác, đặt hành lý của tôi vào trong một khoang chứa hành lý khổng lồ và rồi được phép nói những từ mà đối với tôi đấy là thế giới: “To Manhattan. Please.”

Tôi sẽ cảm thấy thiếu một thế giới luôn khiến cho tôi ngạc nhiên và say mê hàng ngày, khiến tôi bực tức và làm cho tôi cười. Và tôi sẽ cảm thấy thiếu cái ảo tưởng tuyệt vời đấy, vẫn còn đang đứng ở đầu của cuộc đời tôi.

Adriano Sack

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Văn Hóa

 

5 thoughts on “Tại sao tôi không bao giờ muốn rời bỏ nơi đây

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 11-5-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: Anbasam Điểm Tin thứ Bảy, 11-5-2013 | doithoaionline

  3. Pingback: Tại sao tôi không bao giờ muốn rời bỏ nơi đây | Hãy dành thời gian

  4. Pingback: Tin thứ Bảy, 11-5-2013 | Dahanhkhach's Blog

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 11-5-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này