Năm mươi bang không phải lúc nào cũng thành một tổng thể (phần 1)

Khách sạn Summit Inn nằm trên một đỉnh núi ở Uniontown trong Pennylvania, ngay cạnh Route 40 lịch sử, con đường cao tốc đầu tiên xuyên qua nước Mỹ từ Đông sang Tây. Một chiếc Oldtimer đỗ trước lối vào nhắc nhở đến những ngày oanh liệt của ngôi nhà này: năm 1917 Henry Ford và Thomas Edison đã mời American Science Wizards đến đây để đua xe trên núi. Một hồi tưởng khác về những thời kỳ giàu sang đó là các kích cỡ. Các gian phòng đều rộng thênh thang, và trang bị nội thất quan trọng nhất không phải là một cái ghế ngồi bằng gỗ tếch Đan Mạch mà là một cái ghế bành mềm mại có băng gác chân khổ XXL, như người Mỹ yêu thích nó: ngay cả đàn ông trưởng thành cũng teo lại thành trẻ con ở trong đó.

Nếu như ngày nay người ta xây khách sạn cách trục lộ giao thông càng xa càng tốt thì thời đấy gần sát bên cạnh và tầm nhìn không bị che khuất đến đường cao tốc mới là nét hấp dẫn chính. Ngay cả từ những bể bơi ở ngoài trời, người ta cũng có thể nhìn thấy những chiếc Ford và Chrysler đang cố gắng leo lên núi. Những nhóm du khách ngày nay xuống đây đều đến thăm các ngôi nhà Falling Water và Kentucky Knob do Frank Lloyd Wright xây ở gần đó. Hay Flight 93 National Monument, nơi chiếc máy bay thứ tư bị cướp rơi xuống vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Thế nào đi chăng nữa thì họ cũng tìm thấy nét quyến rũ đặc biệt của tỉnh lẻ nước Mỹ: đường trống vắng với những hòm thư đã mục nát, những cánh rừng nhiều màu sắc, những ngôi làng mà trên thực tế chỉ bao gồm một trạm xăng và một siêu thị, vì nhà dân nằm rải rác trong vùng, ẩn mình sau cây cối, dính vào đường tỉnh lộ. Một trong những trái tim của Mỹ trông như thế đó. Bạn đừng để cho những dãy cửa hàng ăn nhanh và thị trấn (ngã tư, trạm xăng, siêu thị, motel) giống nhau ở khắp nơi đánh lừa mình: Hoa Kỳ là một đất nước của những tương phản rõ rệt. Sự đa dạng ngang qua châu lục Bắc Mỹ thật là khổng lồ. Thế nào đi chăng nữa thì cũng lớn hơn rất nhiều khi so với những gì mà người ta phỏng đoán qua cái nhìn đầu tiên khi đang ăn sáng trong khách sạn The Standard ở Sunset Boulevard tại Hollywood: trong nhà hàng của khách sạn được giới DJ, nghệ thuật và làm phim ưa thích đó có treo hai cái đồng hồ, ở dưới đó chỉ đơn giản là “Here” và “There”, có ý muốn nói giờ ở Los Angeles và New York. Đó là sự kiêu ngạo kèm theo một cái nheo mắt của giới tinh hoa sáng tạo, bay máy bay qua lại giữa hai bờ biển: nhiều người chỉ cảm nhận cái đất nước nằm ở giữa đấy từ trên cao trong máy bay, một terra incognita [đất nước chưa được biết đến] với những ý tưởng đạo đức kỳ lạ (“family values”) và cung cách bầu cử thật là khó hiểu.

Trong khi đó thì sự khác biệt giữa bờ biển Đông và bờ biển Tây thật là vô cùng to lớn. Rồi nếu bạn đi xuyên qua các bang miền Bắc và miền Nam và khảo sát vùng Trung Tây, bạn sẽ trải qua các văn hóa và tính người hoàn toàn khác nhau. Nhiều sự khác biệt đã phát triển trong vòng nhiều thập niên hay nhiều thế kỷ. Có những cái nào đó lại mới. Một cái nhìn vào thống kê dân cư mới đây cho thấy: công dân Hoa Kỳ kéo nhau về miền Nam, mỗi năm một nhiều hơn. Những nơi từng là trụ sở công nghiệp của miền Bắc, trước hết thảy là Detroit, không còn người nữa. Ai đi qua quê hương của Chrysler, Ford và General Motor, người đó chỉ nhìn thấy nhà máy đóng cửa và kho hàng xuống cấp. Hàng trăm ngàn việc làm được trả lương tốt trong ngành ô tô đã bị mất đi trong những năm vừa qua. Tuy nhà chọc chời lộng lẫy kiểu Art Deco vẫn còn minh chứng cho sự hào nhoáng của thời trước, và thành phố có một quá khứ âm nhạc bậc nhất: các studio của Motown Records đã tạo nên Suprements, Temptations, Marvin Gaye, Stevie Wonder và Jackson Five. Ngôi sao thế giới tạm thời cuối cùng từ Detroit là Eminem, và thế giới quan hư vô chủ nghĩa của rapper này dường như là một hình ảnh phản chiếu tình trạng hoang vắng của thành phố quê hương anh ấy. Thời trước, nó đã là một trong những trung tâm cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, ngày nay thất nghiệp và tỷ lệ phạm pháp cao tới mức “Forbes” đã tuyên bố nó là “thành phố khốn cùng nhất của Mỹ”.

Tương lai diễn ra ở nơi khác đã từ lâu – trước hết là ở những thành phố mới đang bùng nổ của miền Nam, ở Phoenix / Arizona hay ở Charlotte / North Carolina. Trước đây không lâu còn là một thành phố nhỏ hầu như không được biết tới, trong vòng vài năm, Charlotte đã tăng lên đến 1,5 triệu người dân kể cả những vùng ngoại ô; mỗi năm có trên 60.000 người dọn đến. Nhiều công ty Đức có chi nhánh Hoa Kỳ của mình ở đây, và ngân hàng lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, Bank of America, có trụ sở của họ không phải ở Wall Street mà là ở Charlotte. Các tập đoàn lớn khác đi theo. Trong những khu ngoại ô, biệt thự với những cổng vào có cột đầy ấn tượng viền dọc theo bên đường, gương mẫu cho phong cách kiến trúc: Tòa Nhà Trắng. Vào buổi tối và vào cuối tuần, giới thượng lưu có tiền của tỉnh lẻ gặp nhau trong Country Club phô trương, bao gồm cả hồ nước làm cảnh và sân golf gây ấn tượng – tất cả đều giống chính xác như những nơi ăn ở và chơi đùa của Upper Class cạnh bờ biển phía Đông. Với giá cả chỉ bằng một phần nhỏ: đôi lúc đã có thể mua những ngôi nhà lộng lẫy bị chế diễu là “McMansion” của Charlotte với giá 800.000 hay 900.000 – ở Manhattan với số tiền đấy chỉ có thể vừa đủ cho một căn hộ một phòng nhỏ ở nơi tốt trung bình. Về mặt tiền bạc thì người Mỹ vô cảm cực đoan: nếu như có lợi thì sẽ dọn đi, dù đấy là gia đình hay là cả một doanh nghiệp.

Kinh điển trong đất nước của những tiểu bang bị chia cắt này là sự tương phản giữa East Coast với West Coast. Hoa Kỳ được chinh phục bắt đầu từ miền Đông. Nếu như có một cái gì đó giống như tầng lớp quý tộc thì họ xuất phát từ Massachusetts, Connecticut, New Hampshire. Các cha đạo hành hương bước xuống đất liền ở Boston, nơi chốn nguyên thủy của Tân Thế Giới, và người ta cũng bắt đầu nền độc lập với nước Anh ở đây. Các trường đại học giàu truyền thống nằm ở đây, cái được gọi là Ivy League, và New York là trung tâm văn hóa và kinh tế truyền thống của đất nước này. Lẩn trỗi dậy của Bờ biển Tây bắt đầu rất lâu sau đó. Sự bao la của đất nước này phải được đo đạc và làm đường sắt đi xuyên qua đã. Khi người ta lái xe từ những ngọn núi của Nevada đến California, khi những hẻm núi khô cằn và những ngọn núi phủ tuyết được thay thế bằng đất ngày một xanh tươi nhanh hơn và chỉ còn đồi thoai thoải, thì cho đến này nay vẫn còn xuất hiện một cảm giác giống như là người ta vừa khám phá ra nước Mỹ lần thứ nhì. Đó là cơn sốt tìm vàng, cái đã lôi cuốn rất nhiều người đi về miền Tây, vào trong vùng đất màu mỡ giàu có này, cái có thể là một thiên đàng, nếu như không phải lúc nào động đất và thiếu nước cũng hiện diện ở khắp mọi nơi. Sau này, dân di cư người Do Thái kiến lập ở Hollywood sự thống trị thế giới của phim Mỹ. Và dân cựu hippy say mê kỹ thuật đã trở thành những nhà tiên phong của thông tin số.

Ngay cả lần crash nặng bạc tỉ của New Economy vào đầu thập niên này cũng không thể ngăn chận được các nhà phát triển và mơ mộng của Silicon tiếp tục mơ mộng và thành lập doanh nghiệp. Vì sau crash, người Mỹ biết điều đó, là đến boom. Nhìn qua lần đầu, Palo Alto giống như thành phố đại học chán nhất thế giới này. Nơi đó, nằm ở phía nam của San Francisco, không có một trung tâm thật sự, những khu dân cư phân tán ra trong những vùng lân cận, không có ô tô thì chẳng đi đâu xa được. Mặc dù vậy, nó là hiện thân cho tính lạc quan gần như vô tận của Mỹ: các công ty đầu tư mạo hiểm đã thành lập trụ sở ở ngay bên cạnh khu nhà của Đại học Stanford, họ đưa cho các sinh viên trẻ tuổi những số tiền bạc triệu cho ý tưởng kinh doanh có nhiều hứa hẹn tiếp theo sau đó. Và có lẽ là tập đoàn bạc tỉ kế tiếp đang thành hình cách đó không xa lắm. Ví dụ Youtube: trang mạng cho videoclips đó vừa mới được khởi động năm 2005 trong một văn phòng nhỏ trên một cái quán pizza, chỉ một năm rưỡi sau đó, nó đã được bán với giá 1,65 tỉ dollar cho Google. Sự đa dạng của đất nước này tạo nên sự giàu có của nó và đồng thời cũng là nguyên nhân cho các xung đột xã hội. Vài ngày trước lần bầu tuyển chọn ở Pennsylvania, Barack Obama đã nói chuyện trước một nhóm những người ủng hộ tài chính giàu có ở San Francisco. Ông ấy có thể hiểu được, rằng những người không có việc làm và không còn nhìn thấy cơ hội nào nữa sẽ bám chặt vào vũ khí của họ hay tín ngưỡng của họ và vào sự ác cảm của họ đối với tất cả những người khác với họ. “Các anh sợ một con thú dữ nhiều hơn hay là sợ Hillary Clinton nhiều hơn?”, người đổ dầu vào lửa của Steve Colbert Show hỏi khán giả trong những tuần đấy. Và thật sự là Clinton đã đổ cho câu nói lỡ lời đó, cái mà có những người nào đó cho rằng nó không được hay cho lắm, nhưng nhiều người thì lại cho rằng nó hé lộ điều gì đấy: Obama xa rời thực tế, kiêu ngạo và chẳng hiểu biết gì về các nhu cầu của con người bình thường cả, đường lối giải thích của bà ấy là như thế, cái mà bà ấy truyền tải đi không biết mệt. Thông tin, rằng vợ chồng Clinton đã thu nhập 108 triệu dollar trong vòng tám năm, một phần từ những doanh nghiệp hy vọng qua đó mà có được ảnh hưởng chính trị, đã bị đẩy lùi đi một cánh nhanh chóng; bất thình lình, Obama không còn là một nhà hòa giải mang sức lôi cuốn, mà là một kẻ bước lên giới thượng lưu không hiểu được “những người Mỹ thật sự”.

Không phải là điều ngạc nhiên, khi người ta dàn trận đánh đấy ra ở Pennsylvania. Đó là một trong những cái được gọi là “Swing States”, nơi không có một đa số đáng tin cậy cho những người Cộng Hòa hay Dân Chủ. Philadelphia trong miền Đông Nam tuy là một trong những thành phố lớn của Hoa Kỳ, nhưng Pennsylvania phần lớn đều có dân cư thưa thớt, rất sùng đạo và kiệt quệ về mặt kinh tế. Ở vài nơi có những người được gọi là Amish People sống, con cháu của những người di cư từ Tây Nam nước Đức hay Hà Lan, vẫn còn trong phong cách của thế kỷ 19. Bóng đèn tròn, ô tô, ti vi, điện thoại bị từ chối vì lý do tôn giáo. Trẻ em được chở đến trường trên xe ngựa, và tất cả đều được trồng và thu hoạch bằng tay. Nhưng cả những người dân thông hiểu của heartland cũng quan sát các mưu mẹo của giới tinh hoa thành thị với sự nghi ngờ. Khi hết nhà máy thép này đến nhà máy thép khác đóng cửa và giá xăng tăng lên, thì những cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính và bảo vệ môi trường đối với họ là suy đồi và khó chịu.

Adriano Sack

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Văn Hóa

4 thoughts on “Năm mươi bang không phải lúc nào cũng thành một tổng thể (phần 1)

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 4-5-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 4-5-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 4-5-2013 | doithoaionline

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 4-5-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này