Những Ngày Thịnh Nộ – Chương 9

VỀ NHỮNG NGƯỜI GIÀ NUA

Ả RẬP SAUDI GIẬT DÂY,

CẢ Ở JEMEN

Nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì Al Khalifa đã không thành công với cuộc phản cách mạng. Tầm quan trọng về địa chiến lược của Bahrain đã tạm thời bảo đảm cho sự sống còn về mặt chính trị của nó. Thủ đô Manama là căn cứ chính của Đệ ngũ hạm đội Hoa Kỳ trong vịnh Ba Tư. Ở Washington, người ta đã chuẩn bị tinh thần khi bị mất các đồng minh lâu năm ở Tunesia, Ai Cập và Jemen. Nhưng trong vùng Vịnh, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục dựa vào những nhà quân chủ có thể tin cậy được, ngay cả khi vì vậy mà phong trào dân chủ bị chận lại hay còn bị đập tan nữa.  Họ thúc giục cải cách ở hậu trường, nhưng không thúc giục thay đổi chế độ. Từ những năm 1970, trọng tâm của những mối quan tâm Phương Tây đã dịch chuyển ngày một nhiều hơn từ Cận Đông, Israel và các quốc gia lân cận, sang hướng Vịnh Ba Tư. Lý do về một mặt là các lợi ích kinh tế, trước hết là sự an toàn cho các mỏ dầu, và mặt khác là ảnh hưởng liên tục lớn mạnh của thế lực trong vùng, Iran, mà sự tự tin đang tăng lên của nó được Phương Tây, nhưng cũng cả các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, xem là một mối đe dọa.

Những gương mặt của cuộc phản cách mạng

Giới lãnh đạo ở Riad không để cho người khác cầu khẩn lâu rồi mới tiến quân vào Bahrain. Nếu như Al Khalifa bị lật đổ, thì việc đấy sẽ thúc giục người Shiite Saudi ở miền Đông của Ả Rập Saudi – ở đấy có trữ lượng dầu lớn nhất của đất nước này– cũng nổi dậy. Cho tới nay, phong trào dân chủ chỉ nhận được một ít hậu thuẫn trong Ả Rập Saudi. Tuy vậy, vua Abdallah đã siết chặt Luật Báo chí Saudi trong tháng 4 năm 2011. Ai quấy rối an ninh và trật tự công cộng, nghi ngờ Luật Hồi giáo Sharia, phê phán các học giả tôn giáo cũng như thành viên lãnh đạo của chính phủ có nguy cơ bị cấm hành nghề và bị phạt tiền cho tới 100.000 euro. Vị vua cũng đưa ra một củ rà rốt kèm theo cây gậy đấy: ông ấy cho thần dân của ông ấy một số tiền thưởng là 130 tỉ dollar, phần nhiều là thêm vào tiền lương. Điều đấy không làm cho người Shiite Saudi bớt bất mãn. Họ bị đàn áp một cách dã man và bị loại trừ ra trong mọi mối quan hệ. Thuyết Wahhab, học thuyết quốc gia Hồi giáo của Ả Rập Saudi, cho rằng người Shiite chỉ tốt hơn cặn bã của loài người một ít. Điều đấy chẳng có gì liên quan đến sự hợp lý cả – công cụ hóa nhóm người, tôn giáo và hệ thống bộ tộc của nhà nước phong kiến chính là vật cản lớn nhất trên con đường tiến đến dân chủ và hiện đại.

Đồng thời Riad nhìn những người Shiite của Bahrain cũng như những người Shiite của chính mình như là đạo quân thứ năm của Teheran, cái phải được chiến đấu chống lại. Thật sự thì giới lãnh đạo Iran cũng cố gắng huy động người Shiite của thế giới Ả Rập về cho họ, nếu như có một xung đột vũ trang giữa Iran và Hoa Kỳ hay Israel xảy ra. Nhưng ở phía dưới của bình diện đấy thì ít có điều gì cho thấy rằng Teheran đi tìm sự đối đầu với Ả Rập Saudi, ngay cả khi cả hai bên đều cố vươn đến quyền thống trị ở vùng Vịnh. Ngoại trừ lời nói thì người Shiite hoàn toàn không nhận được sự ủng hộ nào từ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Cũng không, vì giới lãnh đạo Iran không thống nhất trong đánh giá của họ về cuộc Cách mạng Ả Rập. Một phe, mà Tổng thống Ahmadinejad thuộc vào trong đó, đặt nó ngang với cuộc Cách mạng Iran năm 1979 bất chấp mọi bằng chứng. Phái kia, cũng không phải là say sưa với hiện thực, cho rằng nó là một phong trào do Phương Tây điều khiển với mục đích làm suy yếu đạo Hồi.

Cuộc phản cách mạng Ả Rập có ba gương mặt. Các thế lực có nhiều ảnh hưởng của Ancien Régime, như giới quân đội Ai Cập, cố gắng bảo tồn ảnh hưởng và các đặc quyền của họ ở hậu trường. Những nhà độc tài, thích phá hủy quê hương của họ hơn là từ chức, trước hết là Ghaddafi. Và cuối cùng là Ả Rập Saudi, nước cố gắng gây ảnh hưởng đến sự phát triển đặc biệt là trong Ai Cập qua những ngưởi Salafi, những người Hồi giáo cực đoan, can thiệp quân sự như ở Bahrain hay giật dây trong hậu trường như ở Jemen.

Đang gây ra tai họa ở đây là những kẻ già nua chính trị. Giới tinh hoa quyền lực của Ả Rập Saudi, các gia đình khác nhau trong triều đại Al Saud đang cai trị, không thể thống nhất với nhau ai sẽ là người kế tục vua Abdallah 88 tuổi. Người anh em cùng cha khác mẹ của ông ấy và là người làm phó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sultan, về phần mình cũng nắm cây gậy quyền trượng một cách khó nhọc với 86 tuổi. Người thứ ba trong thứ tự nối ngôi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Naif, 76 tuổi, được cho là người đàn ông quyền lực mới, ít nhất là cho thời kỳ quá độ. Ông ấy ủng hộ một đường lối cứng rắn trong cách đối xử với những lực lượng đối lập và ít có thiện cảm với một biến đổi thận trọng, cái mà vua Abdallah được kính trọng đã ban ra cho đất nước đó. Diễn tiến của lần tiến quân vào Bahrain hẳn đã làm cho ông ấy hoàn toàn hài lòng. Thế nhưng không thể chờ đợi ở chính khách loại này các câu trả lời thuyết phục cho những thách thức trong tương  lai, nhất là khi nhìn đến những chấn động của thế giới Ả Rập. Sự bất lực của dòng họ Al Saud trong thay đổi thế hệ sẽ trở thành một mối nguy hiểm nghiêm trọng không chỉ riêng cho Ả Rập Saudi.

Người Zaydiyyah và người Mácxít

Cánh tay dài của Riad vươn cho tới tận Jemen, đất nước Ả Rập nguyên thủy nhất và cổ xưa nhất, nếu như có những cực đại như vậy. Trong những ngôi làng hẻo lánh trên núi, cuộc sống ngày nay phần lớn hẳn vẫn còn diễn ra như vào thời của nhà tiên tri. Quá khứ và hiện tại rơi vào lẫn nhau, văn hóa bộ tộc vẫn còn được bảo toàn hầu như không đổi ở đây. Hơn 1000 năm, từ 896 đến 1962, thống trị ở Bắc Jemen là triều đại của người Zaydiyyah. Họ đồng thời cũng đưa ra các học giả tôn giáo của trường phái đạo Hồi cùng tên. Nói cho chính xác thì người Zaydiyyah là một nhóm bộ tộc trên núi trong vùng biên giới giữa Jemen và Ả Rập Saudi, những người được xem như là người Shiite, nhưng đứng rất gần Hồi giáo Sunni. Điều này nghe có vẻ phức tạp và nó cũng là như thế. Nói một cách đơn giàn, trong thời đầu của Hồi giáo có những phong trào di cư đặc biệt là từ Iraq sang hướng các quốc gia vùng Vịnh và Jemen. Nguyên nhân là khó khăn về kinh tế hay bị đàn áp về mặt chính trị. Để đừng bị những bộ tộc đã sinh sống lâu đời tại chỗ ám sát, người ta nên mang theo trong hành lý một thông điệp cứu thế, tự giới thiệu mình là những người hòa giải hay bậc thầy. Zaid Ibn Ali Zain al-Abidin cũng làm như thế, người từ Basra trong Iraq lưu lạc tới vùng dồi núi của Jemen, nơi ông ấy thành lập triều cai trị của người Zaydiyyah.

Người ta có cần phải biết những điều đó không? Người ta cần nên biết, bởi vì nguồn gốc nguyên thủy lịch sử của những cuộc khủng hoảng hiện nay nằm ở đây, đặc biệt là với cái nhìn đến cuộc nổi dậy của người Houthi mà sẽ còn nói về họ sau này.

Về mặt chính thức, Bắc Jemen từ thế kỷ thứ 16 thuộc Vương quốc Ottoman, nhưng thật sự thì người Zaydiyyah vẫn nắm giữ quyền lực. Địa hình của đất nước này, núi đồi hiểm trở, sa mạc không thể đi xuyên qua được, bảo vệ nó trước sự thống trị từ bên ngoài, nhưng cũng gây khó khăn cho sự thống nhất về mặt nhà nước, Năm 1962, triều Zaydiyyah bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự, dưới tác động tích cực của Tổng thống Nasser. Người Zaydiyyah lui về miền cực Bắc. Cho tới năm 1970, Ai Cập và Ả Rập Saudi tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, chấm dứt khi quân đội can thiệp của Ai cập rút quân.

Phần lớn thời gian trong lịch sử rất lâu đời của mình, Jemen bị chia cắt thành Bắc và Nam. Năm 1839, người Anh chiến cứ thành phố Aden và vùng đất xung quanh đó trong Nam Jemen. Họ cần một căn cứ tiếp tế dọc theo các tuyết đường hàng hải và buôn bán đến Ấn Độ – càng bị thúc đẩy sau khi kênh đào Suez khánh thành năm 1869. Sau đi London trao trả độc lập cho Nam Jemen năm 1967, các nhóm Mácxít ở đấy đã giành lấy quyền lực và thành lập “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Jemen”, cái sống hầu như chỉ nhờ vào tiền viện trợ từ Moscow. Đến cùng với sự kết thúc của Liên bang Xô viết cũng là lần kết thúc của nước Cộng hòa Nhân dân Jemen. Ngay trong năm 1990, Bắc và Nam Jemen đã thống nhất trở thành Cộng hòa Jemen.

Bộ tộc, dầu mỏ và phá sản quốc gia

Qua đó, nhiều vấn đề góp phần cơ bản dẫn đến cuộc nổi dậy của người dân năm 2011 đã bắt đầu. Cũng như đã thường hay xảy ra, đấy là những xung đột bộ tộc, bộc phát ra tại những câu hỏi về phân chia quyền lực và tài nguyên. Aki Abdallah Salih, Tổng thống Bắc Jemen từ 1978, bây giờ trở thành tổng thống của Jemen thống nhất. Salih có nguồn gốc từ thị tộc Ahmar, là thị tộc có tiếng nói quyết định trong liên minh các bộ tộc người Hashid lớn nhất Jemen. Vùng sinh sống của người Hashid nằm ở phía Bắc và Tây Bắc và chồng chéo lên vùng của người Houthi. Các vị trí quan trọn trong nhà nước, hành chính và đặc biệt là trong quân đội đều nằm trong tay của Ahmar/Hashid. Dưới tình hình đã thay đổi, cùng cấu trúc phong kiến của thiểu số đó bây giờ thống trị đa số, cái đã dẫn đến nổi dậy và bạo loạn ở khắp mọi nơi trong thế giới Ả Rập. Không quan tâm đến những đức tính tốt của bộ tộc, mà cao nhất trong số đó là tình hiếu khách, phần lớn các lãnh tụ bộ tộc đều hiểu sự thống trị không gì nhiều hơn là sự bá quyền của nhóm riêng của họ. Các bộ tộc kình địch hoặc là bị khuất phục bằng bạo lực hoặc là bị mua chuộc bằng tiền.

Lần hòa nhập Bắc và Nam Jemen không phải là một sự thống nhất của những người bình quyền mà nhiều hơn là một chuyến cướp bóc trước hết là của người Hashid mà miền Nam, giới tinh hoa bộ tộc ở đó và một lớp thật mỏng của giới trung lưu thành thị có học thức đã phải trả giá. Vì thế nên năm 1994 đã xảy ra nội chiến. Miền Nam cố gắng tái lập nền độc lập của mình, nhưng đã bại trận trước miền Bắc. Thời gian vừa qua, dầu được phát hiện trong miền Nam. Chính phủ trong thủ đô Sanaa, tức là Ahmar/Haschid, không muốn từ bỏ chúng trong bất cứ trường hợp nào. Đối với nhà cai trị lâu năm Ali Abdallah Salih, dầu mỏ là một món quà của Thượng Đế. Nó cho phép ông ấy mua chuộc sự trung thành của các bộ tộc trong quy mô lớn và qua đó ổn định sự thống trị của mình. Ít nhất là cho một khoảng thời gian tròn mười năm. Vì trữ lượng có hạn, khai thác đã giảm dần xuống từ nhiều năm nay. Dầu mỏ là nguồn thu nhập chủ yếu của Jemen, đất nước Ả Rập nghèo nhất. Tổng sản phẩm nội địa trên đầu người chỉ nằm ở 972 dollar – ở Katar, như đã nói, ở 69.000. Trong vòng một năm duy nhất, từ 2008 sang 2009, thu nhập của nhà nước Jemen vì dầu cạn kiệt mà đã giảm mất đến 75%.

Jemen, một đất nước mà người dân của nó trước đây một thế hệ vẫn còn sống trong thời Trung cổ, trên thực tế là đã phá sản. Chính phủ Salih cũng bị dồn đến chân tường tương ứng. Họ thiếu tiền để tiếp tục nắm được sự trung thành. Chính phủ trung ương Jemen lúc nào cũng đã yếu, nhưng ít khi nào yếu như hiện tại. Uy quyền của họ hầu như không vượt quá được thủ đô. Đất nước đang sắp sử phân rã ra thành những lãnh đạo của các trưởng bộ tộc, trở thành một Somalia thứ nhì – ai là tổng thống hay lập chính phủ đều cũng thế. Hai con đường xung đột mang tính quyết định trong lúc đó. Về một bên là cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi ở miền Bắc, về cơ bản là hiện thân của các bộ tộc Zaydiyyah thời trước, giới tinh hoa cai trị đã bị tước quyền lực năm 1962. Từ giữa những năm 2000, chính phủ đã hoài công cố gắng dùng quân đội đập tan cuộc nổi dậy. Đầu 2011, phiến quân Houthi chiếm được nhiều phần rộng lớn của Bắc Jemen và kiểm soát thành phố quan trọng nhất trong miền Bắc, Saada. Về mặt khác là phong trào độc lập tái trỗi dậy trong miền Nam, cái thường xuyên có những trận đánh đẫm máu với quân đội chính phủ trong tỉnh Abyan. Thêm vào đó, thiếu vắng quyền lực trung ương đã biến miền Nam Jemen trở thành nơi trốn tránh quan trọng nhất của Al–Qaida sau Afghanistan và Pakistan.

Nước uống, kat và cuộc cách mạng

Qua đó vẫn chưa hết khó khăn. Đất nước này có một trong các tỷ lệ sinh đẻ cao nhất thế giới, dân số đã tăng lên gấp đôi trong vòng 18 năm vừa qua và ngày nay ở khoảng 23 triệu. Phân nửa người Jemen mù chữ, ba phần tư sống nhờ vào nông nghiệp tự cung tự cấp. Tức là nhờ vào những gì mà họ trồng được. Đồng thời bắt đầu thiếu nước. Jemen, quê hương của con đập nước Marib, của công trình xây dựng kỹ thuật lớn nhất thời Cổ đại, ngày nay hoàn toàn không tiến hành trữ nước. Mặc dù thường hay có mưa, nước mưa không được giữ lại trong bể chứa nước hay đập nước, mà thấm xuống đất. Thay vào đó, nước ngầm cổ lại được bơm lên. Ở khắp nơi trong Sanaa, người ta nhìn thấy những cái máy bơm diesel được dựng tạm, bơm nước từ độ sâu hơn 100 mét lên – giữa những năm 1990, ba đến năm mét là đã đủ. Theo tất cả các dự đoán, chậm nhất là mười năm nữa thủ đô sẽ không có nước. Ngay ngày nay, 70 phần trăm hộ dân ở Sanaa được cung cấp nước qua xe bồn, việc mà không ai có khả năng chi trả về lâu dài và buộc những nhà máy công nghiệp ít ỏi ở đấy phải đầu hàng. Thêm vào đó, gần như toàn bộ dân cư nam giới đã qua tuổi dậy thì đều nghiện kat, một loại thuốc phiện phổ thông mà trồng nó hết sức tốn nước. Ngay sau giữa trưa, cuộc sống công cộng trên thực tế là đã ngưng lại, vì người Jemen, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia, tụ lại với nhau và nhai lá kat, cái đầu tiên có tác dụng kích thích, nhưng sau đó lại làm cho đờ đẫn. Kat là hàng hóa thương mại quan trọng nhất sau dầu mỏ. Nó tăng trưởng tốt nhất là ở trên những độ cao giữa 900 và 1500 mét. Cả ở đó cũng được tưới bằng nước ngầm cổ, tiếng kêu của động cơ Diesel là âm thanh thống trị trên cao nguyên. Để giữ giá rẻ cho chất ma túy phổ thông, nhiên liệu Diesel được trợ giá cho tới 80%. Năm 2005, khi chính phủ dự định cắt giảm trợ giá, trong nhiều thành phố đã xảy ra bạo loạn. Song song với đó, mực nước ngầm giảm xuống liên tục, vùng cao nguyên bị sa mạc hóa và thảo nguyên hóa. Theo thông tin của Hội Cộng tác Kỹ thuật Đức (GTZ), thành phố lớn thứ ba, Tais, trong vùng núi nằm giữa Sanaa và Aden, trong vài năm tới đây sẽ thiếu nước tới mức không sống ở đó được nữa. Các chuyên gia lo ngại những dòng người di cư có quy mô như trong Kinh Thánh.

Tình trạng chung không tốt đẹp, để không phải nói là mang tính thảm họa, cho tới mức cuộc cách mạng Jemen dường như là lần bật dậy cuối cùng để ngăn chận sự sụp đổ đang đe dọa. Nó bắt đầu trong tháng 1 năm 2011, song song với cuộc nổi dậy của người dân ở Ai Cập, và diễn ra một cách hòa bình vào lúc ban đầu. Nhưng rồi Tổng thống Ali Abdallah Salih đã dựa vào bạo lực, cũng như những người mà rõ ràng là ông ấy lấy làm gương ở Libya và trong Bahrain. Vào ngày 18 tháng 3, ông ấy đã tạo một biển máu trong số những người biểu tình ở Sanaa: 52 người bị bắn chết, hàng trăm người bị thương. Thế nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra và, cũng như trong tất cả các nước Ả Rập còn lại, bao gồm tất cả các tầng lớp xã hội, từ giảng sư đại học cho tới người làm công nhật. Ngoại trừ đảng cầm quyền “Đại hội Nhân dân Toàn quốc” còn gồm cả toàn bộ các đảng khác, người Xã hội và người theo Nasser cũng như đảng đối lập lớn nhất “Islah” (Cải Cách), một tụ điểm của những người Hồi giáo. Tuy vậy, thế hệ Facebook chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong Jemen, tương tự như ở Libya. Trong cả hai nước này, giới trẻ thành thị không phải là động cơ của sự biến đổi, mà là các bộ tộc bị loại trừ ra ngoài trong cuộc chia chác tài nguyên và qua đó bị thất lợi.

Sau vụ thảm sát, giới lãnh đạo tôn giáo và cả nhiều phần trong thị tộc của chính Ali Abdallah Salih cũng tách rời ra. Nhiều thống đốc và đại sứ từ chức. Anh em cùng cha khác mẹ của Salih, Ali Muhsin al–Ahmar, tướng hai sao và là người liên lạc với những nhóm Dshihad bạo lực, trong đó có Al–Qaida, tuyên bố từ bỏ người đứng đầu nhà nước và bước sang với phe đối lập cùng với các lực lượng quân đội của ông ấy. Sau 9/11, Sanaa bật đèn xanh cho Washington chống Al–Qaida trong Jemen, nhưng không muốn chính mình bị đứng vào trong tầm ngắm của mạng lưới khủng bố đó. Vì thế nên người ta cũng cố gắng có “quan hệ tốt” tương ứng ở hướng này.

Mặc cho tất cả các cố gắng dàn xếp, người bạo chúa vẫn giữ chặt lấy quyền lực cũa ông ấy. Cũng như Ghaddafi người đối xứng với ông ấy, ông biết rõ mọi mưu mẹo để xúi giục các bộ tộc chống lại lẫn nhau. Lúc đầu, Washington tin rằng không thể từ bỏ được Salih trong cuộc đấu tranh chống khủng bố. Cả Riad cũng không thể quyết định trong một thời gian dài, rằng người ta có nên bỏ rơi ông ấy hay là không.

Các bộ tộc ở Trung Ả Rập, Ả Rập Saudi ngày nay, đã có ảnh hưởng đến sự phát triển của Jemen từ tròn 200 năm nay. Đó phần lớn là những tranh cãi biên giới hay các cố gắng, 1803 và 1926, xâm chiếm những vùng đất màu mỡ ở ven Biển Đỏ của Jemen. Quan hệ của Saudi với Ali Abdallah Salih luôn luôn mâu thuẫn và ngược lại cũng thế. Ngay sau lần chiếm quyền lực năm 1978, Salih đã hoài công cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Saudi trong lực lượng  nòng cốt của quân đội. Raid đã rất bực tức khi ông ấy mua vũ khí có giá trị 600 triệu dollar từ Moscow, mặc dù Liên bang Xô viết cũng cung cấp cho kẻ thù của Bắc Jemen ở miền Nam. Đồng thời, ông ấy hoàn toàn không hề muốn để cho các bộ tộc trong miền Bắc phải trả giá để củng cố chính phủ trung ương. Ông để cho họ hầu như tự trị, việc khiến cho người Saudi vui mừng, những người có quan hệ chặt chẽ với họ theo truyền thống. Chính sách của Saudi đối với Jemen bao gồm trước hết là tạo thu nhập thêm cho càng nhiều chính trị gia, người trong quân đội, lãnh tụ tôn giáo và lãnh tụ bộ tộc càng tốt. Mua người theo mình, nói cách khác.

Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhì 1990/91 để giải phóng Kuwait, Ali Abdallah Salih đứng về phía của Saddam Hussein. Để trả thù, các quốc gia vùng Vịnh, trước hết là Ả Rập Saudi, đã trục xuất hơn một triệu công nhân người Jemen. Nền kinh tế Jemen, cái hết sức cần đến số tiền chuyển về nước của họ, đã không còn hồi phục sau cú đánh đấy. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, Salih đứng vào hàng ngũ của cuộc “chiến tranh chống khủng bố”. Do vậy mà chính phủ ở Sanaa nhận được sự giúp đỡ bạc triệu từ Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi để chống lại Al–Qaida – từ Ả Rập Saudi vì lật đổ dòng họ cầm quyền Saudi chính là mục đích được Osama bin Laden tuyên bố.

Năm 2009, đứng về phía của chính phủ Jemen, Riad can thiệp bằng quân sự vào trong những trận chiến chống phiến quân Houthi nhưng không thành công. Từ nỗi lo ngại, rằng người Zaydiyyah và người Ismali (một giáo phái Shiite khác mà người đứng đầu là Aga Khan) ở trong tỉnh Nadshran ở miền Tây Nam Saudi có thể liên kết với cuộc nổi dậy. Nhiều người trong số họ nguyên thủy xuất phát từ Jemen.

Về mặt chính thức, giới lãnh đạo Saudi cũng ít bình luận về lần nổi dậy của người dân trong Jemen cũng như về những cuộc nổi dậy khác trước đây trong thế giới Ả Rập. Nhưng sự thay đổi ý kiến về Salih hiện rõ nét một cách gián tiếp trong đài Al–Arabiya do Saudi tài trợ. Đài truyền hình vệ tinh này làm ngơ hoàn toàn trước cuộc nổi dậy ở Bahrain, nhưng tường thuật chi tiết về láng giềng ở phía Nam – dưới biểu trưng “Biến đổi trong Jemen”.

Sau một vụ mưu sát, Ali Abdallah Salih bị trọng thương phải bay sang Riad chữa trị vào ngày 5 tháng 6 năm 2011. Có ít điều ủng hộ cho việc người Saudi sẽ cho phép ông ấy trở về lại Jemen – ngay cả khi ông ấy cương quyết không từ chức tổng thống. Tình hình Jemen vì thế vẫn phức tạp và dễ bùng nổ. Hai trận tranh giành quyền lực chồng chất lên nhau: về một mặt là cuộc tranh giành giữa gia đình của tổng thống, kể cả lực lượng an ninh do họ thống trị, cũng như các lãnh tụ  Hashid và những phần ly khai của thị tộc Ahmar. Mặt khác là giữa chính phủ và người dân. Kết cuộc vẫn còn chưa rõ.

Michael Lüders

Nhà xuất bản C. H. Beck

Phan Ba dịch

Đọc các những chương trước ở trang Những Ngày Thịnh Nộ

5 thoughts on “Những Ngày Thịnh Nộ – Chương 9

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 28-03-2013 « THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ

  2. Pingback: Tin thứ Năm, 28-03-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 28-3-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: ***TIN NGÀY 31/3/2013 -Chủ Nhật « ttxcc6

  5. Pingback: Tin Chủ Nhật, 31-03-2013 | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này