Bắc Triều Tiên: quả bom nguyên tử tiếp theo

Sau lần phóng tên lửa thành công, thế giới phải dự tính với những khiêu khích tiếp theo của nhà độc tài trẻ tuổi: người ta cho rằng có thể là một lần thử bom nguyên tử

Bầu không khí thật vui vẻ ở Bình Nhưỡng: nhà độc tài của Bắc Triều Tiên nói đùa với bà nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và nâng ly chúc mừng những mối quan hệ tốt hơn với bà ấy. Cả hai người đã nghĩ đến một chuyến thăm viếng trong tương lai gần của Tổng thống Mỹ, cuối cùng, người chủ nhà còn hỏi cả địa chỉ thư điện tử của bà ấy nữa.

Nhà độc tài Kim trong trung tâm kiểm soát. Ảnh: Der Spiegel

Nhà độc tài Kim trong trung tâm kiểm soát. Ảnh: Der Spiegel

Đó là trong tháng 10 năm 2000. Chuyến đến thăm nhà cai trị Kim Jong Il thời đấy của Madeleine Albright đã đánh thức dậy những niềm hy vọng, rằng vương quốc Stalin đói ăn đấy có thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Tất cả các chính phủ Hoa Kỳ sau đó đều luôn cố gắng dùng áp lực hay sự cô lập để ép Bình Nhưỡng đi đến sự từ bỏ.

Vào thứ tư vừa rồi, mười hai năm và hai tổng thống Mỹ sau đó, nhà độc tài mới Kim Jong Un đã trình diễn cho người Mỹ thấy, rằng cả chính sách âu yếm lẫn phong cách cứng rắn đều thất bại: người Triều Tiên phóng một tên lửa. Đúng như theo kế hoạch, chiếc “Unha–3” đã bỏ lại hai tầng đầu trên Hoàng Hà và biển Philippines. Rồi nó rõ ràng là đã đưa chiếc vệ tinh “Ngôi sao Sáng” vào một quỹ đạo trong vũ trụ.

Qua đó, cường quốc nguyên tử đã chứng minh rằng họ đã tiến một bước quan trọng trong việc phát triển tên lửa tầm xa – và thêm vào đó, chẳng bao lâu nữa họ có thể cho nổ một quả bom nguyên tử mới, thế nào đi chăng nữa thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Hàn Kim Kwan Jin cũng đã cảnh báo như vậy. Công việc chuẩn bị cho lần thử nghiệm đã được tiến hành từ lâu: “Tôi tin là khi điều đấy được quyết định về mặt chính trị thì nó có thể được tiến hành thật nhanh chóng.”

Tuần rồi, ông bộ trưởng không nói ông ấy biết điều này từ đâu. Các chuyên gia quốc phòng ở Washington, Tokio và Seoul liên tục tìm trên ảnh vệ tinh các dấu hiệu của việc nhà độc tài Kim cho đào một đường hầm để thử bom nguyên tử mới trong lòng đất. Một cuộc thử nghiệm có thể phục vụ cho các nhà chế tạo vũ khí của Kim để phát triển đầu đạn nhỏ vừa đủ cho tên lửa.

“Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không còn nhiều thời gian  nữa”, Moon Chung In cảnh báo. Chuyên gia Bắc Triều Tiên ở Seoul tuy cho rằng Kim và những người chế tạo tên lửa của ông ấy đã sao chép lại công nghệ cơ bản cho đầu đạn của họ từ các hệ thống của Trung Quốc và Nga. Nhưng điều quyết định là miền Bắc có khả năng thúc đẩy chiến lược nguyên tử nhiều tham vọng của họ.

Phải còn nhiều năm nữa Bình Nhưỡng mới có được đầu đạn nguyên tử cho tên lửa. Nhưng nếu thế thì rồi vẫn còn không biết được là nhà độc tài Kim với tên lửa của ông ấy cũng có với đến được bờ biển phía Tây của Mỹ hay không.

Đúng vào lúc kỷ niệm một năm ngày Kim Jong Il cha của ông ấy qua đời, người con – theo thông tin của một đầu bếp riêng người Nhật trước đây thì hẳn là 29 tuổi – cho thấy rằng cả ông ấy cũng đi theo nguyên tắc tự cung tự cấp của nhà nước Bắc Triều Tiên một cách nhất quán đến như thế nào, rằng cuối cùng rồi thì cả ông ấy cũng đáng sợ đến như thế nào.

Ngay từ cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, đất nước này đã cố vươn đến vũ khí nguyên tử, nhà sử học Mỹ Bernd Schäfer nói. “Vì từ quan điểm của Bắc Triều Tiên, Liên bang Xô viết đã rút lui trước Hoa Kỳ và đã phản bội Cuba.”

Bắc Triều Tiên không muốn đứng đấy mà không có khả năng bảo vệ. Từ khi các chế độ độc tài ở Iraq và Lybia sụp đổ, chính quyền Bình Nhưỡng rõ ràng là càng có ít nguyên cớ hơn để từ bỏ quả bom nguyên tử.

Và không ai có thể ép buộc Kim điều đó: với những nghi thức bất lực thông thường của sự phẫn nộ, người Mỹ, người Nhật và Nam Hàn đã thúc giục Hội đồng Bảo An hãy kêu gọi Bắc Triều Tiên nên có chừng mực. Vì với việc phóng tên lửa, Kim đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Thêm vào đó, lâu nay Washington, Tokio và Seoul đã bàn thảo về các khả năng ngăn các dòng chảy tiền tệ về Bắc Triều Tiên qua kiểm soát ngoại tệ chặt chẽ hơn. Thế nhưng không có Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của triều đại dòng họ Kim, thì họ không có khả năng: Bắc Triều Tiên gửi ngoại tệ của mình trước hết là tại các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Và Trung Quốc cũng không muốn người em nhỏ ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Cả Tập Cận Bình, sếp mới của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, cũng nhìn Bắc Triều Tiên như là vùng đệm chống lại miền Nam tư bản đồng minh với Washington.

Cuối cùng thì hẳn là Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải theo gương của các tiền nhiệm Bill Clinton và George W. Bush, những người trong nhiệm kỳ thứ nhì đã cố gắng khuyến dụ miền Bắc từ bỏ chương trình nguyên tử của họ qua các cuộc đối thoại song phương.

Cả trong miền Nam thù địch hiện giờ dần dần rồi nhận thức ấy cũng thắng thế, rằng các hình thức trừng phạt và áp lực về kinh tế chỉ kích thích miền Bắc phô diễn thêm những hành động đe dọa mà thôi. Park Geun Hye, nữ ứng cử viên nhiều triển vọng của đảng cầm quyền cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày thứ tư, muốn đối thoại với Bình Nhưỡng nếu như thắng cử. Moon Jae In, đối thủ của bà ấy, cũng có kế hoạch tương tự – nhất là bây giờ, sau lần phóng tên lửa thành công.

Wieland Wagner

Phan Ba dịch theo Der Spiegel 51/2012