Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Chủ nghĩa Dân tộc khi cần

Các sạp báo ở Trung Quốc chào mời một sự đa dạng nhiều màu sắc. Với hàng chục tờ báo về thể thao, thời trang và ô tô, những sạp báo nhỏ đó gần như đã bị dán kín. Nhưng ở giữa đó cũng có treo những tờ kỳ lạ như Weapon (8,4 nhân dân tệ) hay Naval Vessel Knowledge (10 nhân dân tệ). Đó là những tạp chí quân sự. Chúng đang bán chạy. Đặc biệt đàn ông trẻ tuổi hay với tới những tờ báo này với những tường thuật và hình ảnh về máy bay ném bom mới, tên lửa và tàu khu trục.

Tàu khu trục Trung Quốc

Tàu khu trục Trung Quốc

Nhiều người Trung Quốc trẻ rất say mê quân sự. Anthony Wong, chủ tịch International Military Association ở Macao, nói: “Con số của họ đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là từ khi Bắc Kinh bắt đầu hiện đại hóa quân đội trước đây hai thập niên.” Người đọc không phải là những người sống ở rìa xã hội mà phần lớn là nhân viên bình thường với việc làm toàn thời gian.

Những người công dân bình thường trẻ tuổi với sở thích về quân sự này cũng tạo thành một phần của Thanh niên Thịnh nộ. Những người quốc gia chủ nghĩa có tên như vậy trong Internet, một phần đưa ra những lời bình rất gay gắt. Họ suy nghĩ hành động như thế nào, điều này thì người ta có thể đọc được từ những lời bình luận của họ sau cơn sóng thần trong đất nước của kẻ thù không đội trời chung Nhật Bản. Nhiều hoan hỉ vì hoạn nạn của người khác đã được lan truyền trực tuyến ở đó. Trận động đất đó là “bị trời phạt”. Về Nhật Bản thì là: “Người ta không thể chờ đợi một con sói bất chợt biến thành một con chó được, chỉ vì nó đã không cắn 30 năm nay.”

Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc tuy cũng có tinh thần phê phán đối với đất nước của chính họ, nhưng họ cũng hãnh diện vì đất nước của họ, chính phủ của họ và về những gì đã đạt được của ba thập niên vừa qua. Đã có thể cảm nhận được một chủ nghĩa dân tộc nhất định ở đó, cái được chính phủ hài lòng khoan dung và thỉnh thoảng còn cổ vũ nữa. Vì thiếu một ý thức hệ khác nên một chủ nghĩa dân tộc trung hòa là một cái gì đó giống như một mẫu số chung giữa Đảng và nhân dân. Chủ nghĩa dân tộc được Đảng phát hiện và chăm sóc, đặc biệt là sau 1989, như là một hình thức mới cho tính chính danh chính trị.

Điều đó được thổ lộ ra trong những việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: General Administration of Press and Publication xua đuổi việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Anh và chữ viết tắt bằng mẫu tự La tinh ra khỏi giới truyền thông. Tức là không có phòng 2B hay dãy A nữa, và cũng xin là không có viết tắt NBA hay WTO. Các cơ quan cần phải mang tên theo bính âm Hán ngữ thay vì theo tiếng Anh, tức là Beijing Minzu University thay vì Central University for Nationalities.

Tất nhiên, đó là việc nhỏ, cũng như lần bài ngoại quá lố của Dương Duệ trong mùa Xuân 2012. Dương, ngôi sao của đài truyền hình nhà nước CCTV và nổi tiếng ở đó như là người chủ nhà thân thiện của chương trình Dialogue, bất thình lình chửi mắng những người nước ngoài sống ở Trung Quốc: “Những người không tìm thấy việc làm ở Hoa Kỳ và châu Âu tới Trung Quốc lấy cắp tiền của chúng ta, mua bán người và lan truyền đi những lời dối trá.”

Không thể hiểu được tất cả những bùng phát dân tộc chủ nghĩa đó nếu như không nhìn lại lịch sử Trung Quốc gần đây. Chính những người đang cầm quyền rất thích chỉ tới – và điều đó cũng không phải là không đúng – “thế kỷ bị sỉ nhục”, thời gian từ khi cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất bắt đầu năm 1839 cho tới khi chiến thắng được nước Nhật năm 1945. Trong hơn 100 năm này, Trung Quốc hầu như luôn là nạn nhân của xâm chiếm và đàn áp – lúc đầu là bởi nhiều thế lực Phương Tây và rồi sau đó bởi nước Nhật. Phương Tây rất thích đuổi đi những hành động xấu xa này, những cái mà họ đã gây ra cho dân tộc Trung Quốc. Nhưng Phương Tây cũng không nên đối xử một cách phi lịch sử như vậy, vì chỉ có thể giải thích được nhiều động thái của Trung Quốc ngày nay khi người ta biết được quá khứ này.

Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc năm 2012

Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc năm 2012

Cái gai của sự sỉ nhục này vẫn còn cắm sâu trong người dân Trung Quốc. Cảm giác này được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và ngày nay vẫn còn có mặt ở khắp nơi. Vật Vong Quốc Sỉ – Đừng quên sự sỉ nhục quốc gia – vẫn còn nằm trên nhiều tượng đài kỷ niệm và tòa  nhà. Và cũng để cho đừng quên, nhiều bảo tàng đã được thành lập trên khắp nước trong những năm vừa qua – từ Bảo tàng Chiến tranh Thuốc Phiện ở Quảng Châu cho tới Nanjing Massacre Memorial Hall ở Nam Kinh.

Đảng và chính phủ bảo tồn cảm giác là nạn nhân này. Cho tới ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn còn cảm thấy bị sỉ nhục và hỏi: Sao các anh chống chúng tôi? Tại sao truyền thông các anh lại viết xấu như thế về chúng tôi? Họ bực dọc – nhưng trong thời gian của Thế Vận Hội 2012 ở London – khi các nữ vận động viên bơi lội Trung Quốc, chỉ vì họ bỏ xa các đối thủ Phương Tây, bị cáo buộc doping, cứ như ở Phương Tây không có trường hợp doping nào. Lúc nào – lời lên án là như thế – Trung Quốc cũng là một mối đe dọa, và lúc nào Trung Quốc cũng là xấu.

Bất cứ lúc nào Phương Tây tấn công Trung Quốc bằng lời nói hay tấn công thật sự, Trung Quốc cũng đều rút lá bài dân tộc ra. Như trong vụ ném bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrad trong tháng Năm 1999; như trong vụ chiếc máy bay tuần tra EP3 của Mỹ thâm nhập vào không phận Trung Quốc trong tháng Tư 2001; cũng như tại những xung đột thường xuyên xảy ra với Nhật. Luôn có những chấn động dữ dội và ngắn trong người dân. Người dân trật tự kéo ngang qua sứ quán của các nước bị lên án, hô vang một vài câu khẩu hiệu giận dữ và ném chai nhựa. Và vào ngày kế tiếp, chậm nhất là vào ngày kế đó nữa – đạo diễn nhà nước muốn vậy – thì sự việc chấm dứt.

Nhưng sẽ như thế nào nếu như người dân không tuân lời đạo diễn nữa? Sẽ như thế nào nếu như chủ nghĩa dân tộc tiềm ẩn này trở nên độc lập? Điều gì sẽ xảy ra nếu như người dân không tuân theo lời của Đảng nữa mà tuân theo lời của một vài kẻ khiêu khích đang được khoan dung cho, những kẻ rõ ràng là đang hiện diện? Đó là tác giả của những quyển sách như Trung Quốc bất hạnh hay Trung Quốc hãy đứng dậy. Cả hai đều đứng ở hàng đầu trên danh sách bán chạy trong những năm vừa qua.

Tư tưởng nào đứng ở đằng sau đó, điều này thì người ta có thể trải nghiệm thực sự qua lời nói của Vương Hiểu Đông, người đã viết nhiều chương của quyển Trung Quốc bất hạnh. Khi một phóng viên BBC hỏi ông trong căn hộ đơn sơ của ông, rằng Trung Quốc có cần một quân đội hùng mạnh và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hay không, Vương trả lời: “Tất nhiên rồi. Một đất nước hùng cường như Trung Quốc tất nhiên là cũng cần một quân đội hùng mạnh, và là một quân đội có thể chiếm lĩnh được bất cứ góc nhỏ nào của thế giới này. Đó cần phải là viễn tưởng của chúng tôi”

Và nó đã bắt đầu trong không gian ảo rồi.

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh

4 thoughts on “Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Chủ nghĩa Dân tộc khi cần

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 15-06-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN CHỦ NHẬT 15-6-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: ***TIN NGÀY 15/6/2014 -Chủ Nhật. « PHẠM TÂY SƠN

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 15-06-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này