Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Trung Quốc và Nga – hai đối tác không tương xứng

Trung Quốc chi phối vùng Viễn Đông của Nga – ít nhất là về kinh tế. Cho tới nay, nước Nga vẫn không có khả năng phát triển phương Đông xa xôi của họ và qua đó hưởng lợi từ châu Á đang bùng nổ về kinh tế. Tuy đã có nhiều cố gắng và có cả một chương trình của chính phủ ở Moscow, nhưng chúng ít nhiều đều thất bại. Sau lần tái đắc cử năm 2012, thủ tướng Dmitri Medvedev khởi động thêm một cố gắng nữa và còn lập cả một bộ để phát triển Viễn Đông. Liệu có được gì không?

Nga-Trung Quốc tập trận chung trên biển

Nga-Trung Quốc tập trận chung trên biển

Trung Quốc đã tạo quá nhiều cơ sở. Và các con số cũng quá rõ ràng: Ở tỉnh cực Bắc của Trung Quốc, Hắc Long Giang giáp biên giới với Nga, có 38 triệu người sinh sống, trong Oblast Amur láng giềng bên phía Nga chỉ có 830.000. Đối diện ưu thế này thường hay có xung đột xảy ra. Thủ tướng Medvedev nói về một “sự bành trướng quá mức của các quốc gia láng giềng” và qua đó có ý muốn nói trước hết là tới Trung Quốc.

Không, đó không buộc phải là tình hữu nghị, cái hàn chặt hai quốc gia láng giềng to lớn lại với nhau. Mà nhiều hơn là sự thiếu thốn thiện cảm mà cả hai quốc gia này trải qua ở những nơi khác. Trung Quốc không có bạn bè, Nga cũng không. Moscow hy vọng vào một đối tác với Phương Tây, nhưng bị thất vọng. Vì Phương Tây – và là cả EU lẫn USA – có khó khăn trong việc bước vào một quan hệ gần gũi hơn nữa với Moscow không được hoàn hảo về dân chủ, nên nước Nga buộc phải tìm kiếm đối tác khác.

“Việc EU cứ khăng khăng giữ lấy một chính sách ngoại giao có định hướng tới các giá trị [dân chủ] đối với Nga đã khiến cho nước Nga xa rời châu Âu”, chuyên gia Nga Alexander Rahr đánh giá, “ngày nay, dường như nước Nga đã đặt cược tất cả vào lá bài Trung Quốc.”

Dường như là cả hai nhà bị xua đuổi của chính trường thế giới đã tìm đến với nhau trong một liên minh có mục đích. Ít ra thì chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã dẫn tới Moscow, nhưng thật sự thân thiện thì cả hai đều không. Dmitri Trenin, giám đốc của Carnegie Moscow Center, nói: “Vẫn còn một lỗ hổng của niềm tin ở giữa hai bên, và không ai trong cả hai bên thật sự muốn có một liên minh.”

Đó là một quan hệ đối tác không tương xứng mà trong đó hai bên không ngang tầm với nhau. Vì tiềm năng kinh tế mà Trung Quốc rõ ràng là đối tác mạnh hơn. Nga chỉ là đối tác đàn em, phải đóng vai người cung cấp năng lượng và vũ khí. Và trên các lĩnh vực đó thì đối tác này cũng hoạt động tương đối tốt, vì cả hai bên đều hưởng lợi.

Trung Quốc, nước thèm khát năng lượng triền miên, cần khí đốt và dầu của Nga. Và nước Nga vui mừng là có một khách hàng ở phương Đông và qua đó mà có thể làm giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Phương Tây. Đường lối đã được công bố của tổng thống Putin là đa dạng hóa cơ cấu khách hàng dầu và khí đốt, để trong trường hợp cần thiết thì có thể dùng người này chống lại người kia, thể theo khẩu hiệu: nếu các anh không muốn trả cái giá này cho dầu và khí đốt của chúng tôi thì tôi vẫn còn người khác muốn mua.

Hiện nay, có cả đường ống dẫn dầu lẫn đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Từ ngày đầu năm mới 2011, dầu từ Skovorodino ở Đông Sibiria chảy về Đại Khánh, trung tâm dầu của Trung Quốc. Công cuộc xây dựng đường ống với cái tên East Siberian Pacific Ocean (ESPO) được chi trả hầu hết qua số tiền 25 tỉ do Trung Quốc cho vay. Khí đốt dự định sẽ bắt đầu chảy từ cuối 2015. 30 tỉ mét khối mỗi năm, 30 năm trời. Một hợp đồng tương ứng với Gazprom đã được ký kết.

Đường ống dẫn khí đốt ở Nga

Đường ống dẫn khí đốt ở Nga

Cũng có lợi cho đôi bên tương tự như vậy là các quan hệ trên lĩnh vực tăng cường vũ trang. Trung Quốc thích mua và mua nhiều từ các lò sản xuất vũ khí của Nga, vì Phương Tây từ lệnh cấm vận năm 1989 đã không còn là người cung cấp được nữa. Nước Nga ngược lại nhờ vào người khách hàng trung thành này mà có thể tận dụng tốt công suất của ngành công nghiệp vũ khí của họ và qua đó thì cuối cùng cũng là bảo đảm cho sự sống còn của nó. Vào lúc ban đầu, người Nga e dè hơn. Họ không muốn cung cấp cho người Trung Quốc công nghệ hiện đại nhất. Nhưng điều này hiện nay đã thay đổi. Người Trung Quốc nhận được thiết bị hiện đại nhất, ví dụ như máy bay phản lực công nghệ cao Su-35 và cả hệ thống tên lửa S-400 nữa.

Giới quân đội của hai nước cũng đã tiến đến gần với nhau hơn trong những năm vừa qua. Người ta tập trận chung, ví dụ như Peace Mission trong năm 2009 dọc theo biên giới Nga-Trung và ở biển Hoa Đông. Nhưng đó không phải là một liên minh.  Alexander Rahr nói: “Ở bề ngoài, Trung Quốc chưa từng bao giờ xuất hiện trước Phương Tây như là một đồng minh thực thụ của Nga.”

Vì vậy mà Trung Quốc cũng xem Shanghai Cooperation Organitation (SCO) dưới một ánh sáng khác với người Nga. Trong khi người Nga muốn nhìn tổ chức được thành lập năm 2001 này, mà bên cạnh Trung Quốc và Nga còn có các nước Trung Á thuộc vào trong đó, như là một đối trọng với NATO thì Trung Quốc xem nó như là một liên minh kinh tế nhiều hơn.

Người Trung Quốc đã khéo léo chiếm lấy một vị trí vững chắc trong các quốc gia Trung Á, tất cả đều nguyên là cộng hòa Xô viết lúc trước. Họ đặc biệt nhắm tới nguyên liệu của vùng này. Ở đây, Trung Quốc cũng hào phóng cho vay tiền cho các dự án hạ tầng cơ sở. Công ty nhà nước Trung Quốc xây đường ống dẫn dầu, tuyến đường xe lửa và đường sá, ví dụ như ở Kazakhstan là tuyến đường sắt giữa Almaty và Astana, thủ đô cũ và mới của đất nước này. Hay một đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan xa xôi về tới Trung Quốc.

Các quốc gia Trung Á vui mừng là có một đối trọng với nước Nga quá hùng mạnh. Cả ở đây, trong vùng ảnh hưởng ngày xưa của mình, Nga cũng là người thua cuộc thì nhiều hơn. Chuyên gia Nga Alexander Rahr nói: “Ảnh hưởng của Nga rõ ràng là đã giảm xuống. Trung Quốc mạnh tới mức các nước Trung Á phải trao đổi với họ.”

Nhưng vì vậy mà người ta cũng không thể gọi các quốc gia Trung Á là đồng minh được, nhiều lắm là các đối tác có thiện ý. Trung Quốc phải dựa vào chính mình. Vì vậy mà lại càng quan trọng hơn là việc các hàng ngũ ở nhà phải đồng lòng. Công cụ quan trọng nhất và được ưa thích nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc ở đây: một chủ nghĩa dân tộc được chăm sóc.

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh

4 thoughts on “Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Trung Quốc và Nga – hai đối tác không tương xứng

  1. Pingback: Tin thứ Sáu, 13-06-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: ***TIN NGÀY 13/6/2014 -Thứ Sáu. « PHẠM TÂY SƠN

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 13-06-2014 | doithoaionline

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 13-6-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này