Cuộc Chiến tranh lạnh kế tiếp: Biển Đông yên lặng dối lừa …

Khách cao cấp từ lục địa Trung Quốc cách đó trên 600 kilômét đã bay đến để dự lễ. Họ đến với một chiếc Boeing 737 mà đường băng trên hòn đảo nhỏ 13 kilômét vuông chỉ vừa đủ cho nó.

Lý do của chuyến viếng thăm: một ngôi làng nhỏ có tên là Tam Sa được nâng cấp lên thành một huyện Trung Quốc. Ở đó có một bệnh viện, một thư viện, một bưu điện, hai chi nhánh ngân hàng, nhưng cũng có một cảng cho tàu 5000 tấn và một phi trường.

Tại sao lại có những sự ồn ào này quanh một thành phố nhỏ trên một hòn đảo nhỏ cách xa bờ biển Trung Quốc? Tam Sa là một biểu tượng. Tam Sa nằm trên đảo Phú Lâm, cái lại thuộc về quần đảo Hoàng Sa. Và quần đảo Hoàng Sa nằm ngay giữa biển Đông.

HoangSa

Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và con tàu HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại giữa biển khơi trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa

 

Ở ví dụ của Tam Sa, người Trung Quốc muốn phô diễn: Hoàng Sa là của chúng tôi, vâng, thật ra là toàn bộ biển Đông. Vì vậy mà họ mở rộng Tam Sa. Dự định ở đó sẽ thành hình một thiên đường thuế và du lịch và một sòng bạc, nhưng quân đội cũng cần đóng quân ở đó.

Cả một thời gian dài, biển Đông là một biển yên bình. Hay có xung đột nhỏ giữa các quốc gia nằm gần đó, nhưng thường thì những ngọn sóng của sự phẫn nộ lại nhanh chóng dịu xuống.

Nhưng từ một vài năm nay sóng đã dâng cao hơn và chúng cũng không dịu xuống. Biển Đông đã trở thành một vùng căng thẳng có nguy cơ dễ bùng nổ mà trong đó Hoa Kỳ và hầu như tất cả các thế lực châu Á đều tham gia.

Những cuộc tranh cãi xoay quanh trước hết là ba vùng: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như bãi cạn Scarborough. Các bên tham dự trong những xung đột là khác nhau, nhưng Trung Quốc luôn luôn có mặt.

Bãi cạn Scarborough: Ở đây, Trung Quốc và Philippines cãi nhau. Người Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ với một tấm bản đồ từ năm 1279, người Philippines phản công với một tấm bản đồ từ thế kỷ 18. Chính phủ Manila bây giờ muốn mang Trung Quốc ra một tòa án Liên Hiệp Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Hoa: Tây Sa): Người Trung Quốc chiếm tất cả các đảo của nhóm này. Họ cũng đóng quân ở đó, cứ điểm lớn nhất là trên đảo Phú Lâm với một đường băng cất cánh và hạ cánh. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp nhau về những hòn đảo này. Chúng nằm rất gần Việt Nam. Ví dụ như Lý Sơn cách bờ biển 30 kilômét.

Quần đảo Trường Sa (Nam Sa quần đảo): Chúng bao gồm tròn 750 hòn đảo và rạn san hô. Chúng cách Việt Nam 475 km và cách Trung Quốc 1000 km. Chúng được đặt theo tên người đánh cá voi Richard Spratly, người đã thăm dò vùng này năm 1840. Ở đây, tình hình phức tạp hơn tại quần đảo Hoàng Sa rất nhiều. Nhiều quốc gia đã chiếm giữ đảo và rạn san hô ở đó. Hoạt động tích cực nhất là Việt Nam, xem các hòn đảo này là tỉnh của Việt Nam từ năm 1973. Việt Nam chiếm 29 đảo và rạn san hô. Có tròn 600 quân nhân đóng ở đó. Bên cạnh người Việt còn có người Philippines (10 đảo), Trung Quốc (9), Malaysia (7) và Đài Loan (1).

Những hòn đảo nhỏ này được ham muốn đến như vậy vì trong vùng biển quanh chúng có những nguồn lương thực và năng lượng mà con người cần để sống và sống còn.

Biển Đông – cũng như toàn bộ Tây Thái Bình Dương – được cho là một vùng rất giàu cá. Một phần mười cá được chào bán trên khắp thế giới là xuất phát từ vùng này, theo thông tin của United Nations Environment Programme (UNEP). Cá đối với người dân của hầu hết các quốc gia nằm cạnh là nguồn thực phẩm quan trọng nhất. Tròn 700 triệu người sống trong vùng này nhờ vào cá. Tròn 1,9 triệu tàu đánh cá đi lại trong vùng này hàng ngày vì họ.

Nhưng đặc biệt là vì dầu và khí đốt. Tất cả các quốc gia nằm quanh biển Đông đều thèm muốn dầu và khí đốt này, vì tất cả họ – ngoại trừ Brunei nhỏ bé – phải nhập khẩu một phần lớn năng lượng của họ. Nhưng điều điên rồ ở tình hình này lại là: tất cả đều nói về những trữ lượng khổng lồ, nhưng không ai biết thật sự có bao nhiêu dầu và khí đốt nằm ở dưới những độ sâu của biển Đông.

Ước tính trữ lượng khác nhau rất xa. Các ước tính mới nhất của Hoa Kỳ là 15,6 tỉ thùng. Người Trung Quốc ngược lại lạc quan hơn rất nhiều và ước lượng chúng từ 105 tới 213 tỉ thùng. Vì vậy mà họ gọi vùng trước cửa nhà này của họ là “vịnh Ba Tư thứ nhì”.

Việc các ước tính khác biệt nhau xa như thế có một lý do thật đơn giản. Cho tới nay chưa có quốc gia nào khoan tìm dầu ở biển Đông. Vì người ta phải khoan thật sâu mới tới được với dầu và khí đốt. Điều đó đòi hỏi cao về công nghệ và cũng đắt tiền tương ứng.

Nhưng bây giờ thì người Trung Quốc đã bắt đầu. Trong mùa Hè 2012, tập đoàn dầu nhà nước Cnooc đã thiết lập dàn khoan 981 ở phía Nam của Hồng Kông. Nó có thể khoan sâu cho tới 10.000 mét và được cho là có thể chống cự lại được với những cơn bão nguy hiểm nhất, thường hay ầm ào quét qua vùng này. Đối với giới chuyên môn thì lần sử dụng dàn 981 là một sự ngạc nhiên, vì không ai nghĩ rằng các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã có khả năng về công nghệ cho tới mức đó. “Đó là một dấu hiệu, rằng Trung Quốc bắt đầu thu ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp dẫn đầu trong khoan dầu ở biển sâu”, Eugene Y. Lee, giáo sư kinh tế tại University of Maryland nói.

Nếu như 981 thành công thì chắc chắn là sẽ có những lần khoan khác của Trung Quốc trên biển Đông. Câu hỏi chỉ là: ở đâu? Lần khoan hiện nay còn diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc và vì vậy mà đã không gây phê phán từ các quốc gia láng giềng.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như Trung Quốc bắt đầu khoan trong vùng biển tranh chấp? Thế thì sẽ dẫn tới xung đột.

Các xung đột đầu tiên đã bắt đầu rồi.

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh