Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Nhà nước quay trở lại

Cái năm gở 2008 mang lại một điểm ngoặc. Bất thình lình, ngân hàng và công nghiệp trong Phương Tây cần phải được cứu thoát, để nhiều quốc gia không bị sụp đổ. Và từ ai? – Từ nhà nước. Chính phủ Mỹ buộc phải thu nhận General Motors, chính phủ Đức bước vào Commerzbank [Ngân hàng Thương mại] , chính phủ Anh thì Royal Bank of Scotland, để chỉ kể ra một vài ví dụ về sự giúp đỡ của nhà nước.

Cho tới lúc đó, ảnh hưởng của nhà nước bị coi thường. Bãi bỏ quy định, tự do hóa, tư nhân hóa là những từ ngữ mang tính khẩu hiệu của những năm 90 và những năm mang con số không. Nhà nước gọn nhẹ là lý tưởng mới, cái mà tất cả những người có trách nhiệm về chính trị trong Phương Tây đều coi như là đúng – cả các đảng xã hội-dân chủ. Nhưng những nhà hoạt động trong kinh tế đã lợi dụng một cách thái quá sự tự do mà chính trị đưa cho họ. Kết quả thì đã biết rồi: Một cuộc khủng hoảng tài chính mà nguồn gốc của nó – và cần phải nhấn mạnh một lần nữa một cách thật rõ ràng – nằm ở Phương Tây.

Tòa nhà Commerzbank ở Frankfurt

Tòa nhà Commerzbank ở Frankfurt

Kết cấu lý thuyết Tây Phương lung lay. Có hai nhận thức được phần lớn những người đang cầm quyền ở Phương Tây – ngoài những người thuộc phái Tự Do vẫn ngoan cố bám chặt lấy mô hình Laissez Faire của họ – rút ra từ cuộc khủng hoảng: Quá nhiều tự do hẳn không phải là việc đúng. Và nhà nước không có hại tới như thế cho hoạt động kinh tế. Và vì vậy mà thời gian sau này người ta hành quân đi theo hướng ngược lại. Tờ báo kinh tế Anh The Economist khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản nhà nước ngày càng trở thành xu hướng sắp tới.” Cả nhà tư vấn người Mỹ  Ian Bremmer, tác giả của quyển sách The End of the Free Market cũng nhìn chủ nghĩa tư bản nhà nước đang đi trên con đường chiến thắng.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước nói chung là gì? Ở trong nó có một nhà nước thống trị, can thiệp mang tính điều khiển vào trong hoạt động kinh tế. Nhà nước này tiến hành chính sách công nghiệp tích cực, bằng cách hỗ trợ nhiều cho các công nghệ hướng tới tương lai. Ví dụ như nhà nước tạo nên những nhà vô địch quốc gia, tức là những doanh nghiệp mạnh, thống trị trị trường trong nước, nhưng do có độ lớn mà có thể đứng vững trên các thị trường quốc tế. Cũng có công ty tư nhân, nhưng những ngành công nghiệp chiến lược như ngân hàng, năng lượng, viễn thông và giao thông đều thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra còn có những mối liên kết chặt chẽ giữa giai cấp chính khách thống trị và sếp của các công ty.

Trung Quốc là một hệ thống tư bản chủ nghĩa nhà nước đặc trưng. Đứng trước các thành công của mô hình tư bản chủ nghĩa nhà nước Trung Quốc, ngày càng có nhiều người đang hoài nghi trong Phương Tây tự hỏi rằng liệu luận điểm về nền kinh tế không có nhà nước có còn đứng vững nữa hay không. Chúng ta có thể đứng khoanh tay nhìn nhà nước Trung Quốc rót bạc tỉ vào những ngành công nghiệp mới như năng lượng tái sinh và di động sử dụng năng lượng điện, nhưng chúng ta thì lý luận theo kinh tế thị trường một cách chính đáng rằng một sự can thiệp như thế của nhà nước là không nên?

Chúng ta có sự lựa chọn: hoặc là chúng ta cứ tiếp tục đi khắp nơi với ngón tay giơ lên giảng dạy về luân lý và chết trong sự vô tội về ý thức hệ, hay là chúng ta cố ngang bằng với Trung Quốc, điều đồng nghĩa với một sự tham gia nhiều hơn nữa của nhà nước vào trong chính sách nghiên cứu và kinh tế.

Ít ra thì trong Phương Tây cũng có một thảo luận mới về chính sách công nghiệp. Nó sôi nổi hơn trong châu Âu, nơi theo truyền thống có khuynh hướng can thiệp nhiều hơn là ở Hoa Kỳ. Ở đó, từ Industrial Policy trước sau vẫn còn không được phép nói ra, Jeff Immelt, sếp tập đoàn General Electric, nói: “Ngày nay, chỉ cần anh thì thào cái từ chính sách công nghiệp ở Washington thôi thì anh có thể chắc chắn rằng anh sẽ bị ném đá cho tới chết trong vòng 24 giờ đồng hồ.”

Người Mỹ đã tự ban hành cho mình sự kiêng cử nhà nước. Rob Atkinson, sếp của The Information Technology & Innovation Foundation (ITIF), nói: “Khác biệt giữa Mỹ và những nhà cạnh tranh với nó là tất cả họ đều làm việc chung với chính phủ.” Ở Hoa Kỳ thì ngược lại, chính phủ và bộ máy của nó giống kẻ thù của người dân nhiều hơn – ít nhất thì người Cộng hòa nghĩ như vậy. Càng ít nhà nước thì càng tốt cho đất nước.

Có lẽ những người suy nghĩ như vậy nên lật lại sách Sử và giở ra ở đó những trang về các năm 1957 và 1958. Thời đó, Hoa Kỳ cũng đã ở trong một tình trạng khó khăn. Người Nga đã phóng vệ tinh Sputnik của họ vào vũ trụ trong tháng Mười 1957. Toàn nước Mỹ bị sốc: Người Xô viết làm sao mà có thể qua mặt chúng ta được?

Tổng thống lúc đó Dwight Eisenhower, một người Cộng hòa ôn hòa, phản ứng ngay lập tức. Trong tháng Hai 1958, ông thành lập Advanced Research Projects Agency (ARPA), một cơ quan thuộc Lầu Năm Góc có nhiệm vụ phối hợp các dự án nghiên cứu giữa kinh tế, khoa học và nhà nước.

Người ta không thể gọi công việc làm đó là không có thành công. Vì xuất phát từ ARPA là những phát minh như chuột máy tính, GPS, công nghệ tàng hình – và đặc biệt là Internet.

Chính sự phối hợp – hiện nay bị lãng quên ở Hoa Kỳ – giữa nhà nước và kinh tế này là cơ sở của mô hình Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh

3 thoughts on “Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Nhà nước quay trở lại

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 06-03-2014 | doithoaionline

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 6-3-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Vẫn không thôi “cười thuê khóc mướn”? – Bôxit Tây Nguyên: Đại hoạ dân tộc Việt kỳ 2 | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này