Tư tưởng hệ: độc tài chống dân chủ

“Sớm hay muộn thì cuộc cạnh tranh toàn cầu này cũng sẽ dẫn tới một xung đột về các giá trị và quy tắc xã hội, và rồi đối với Phương Tây thì đó sẽ là về bản chất cốt lõi của nó.” Joschka Fischer, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức.

Sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất chất dứt, Phương Tây tin rằng đã thắng toàn diện. Quân sự, kinh tế và tư tưởng hệ. Sử gia người Mỹ Francis Fukuyama viết quyển sách bán chạy Kết cuộc của lịch sử. Dân chủ và kinh tế thị trường – anh em sinh đôi không thể tách rời khỏi nhau được của Phương Tây – sẽ thắng thế ở khắp mọi nơi. Lựa chọn khác cuối cùng – chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội – đã chìm xuống cùng với Liên bang Xô viết. Mãi bây giờ mới trở nên sự thật, những gì mà một sử gia người Mỹ khác, William McNeill, đã quả quyết ngay từ năm 1963 trong tác phẩm kinh điển The Rise of the West của ông, rằng chỉ có một con đường đi vào thời Hiện đại, và đó là con đường của Phương Tây.

Cả Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ đi theo con đường này. Vì một giới trung lưu ngày càng tăng sẽ yêu cầu có tự do về chính trị và cuối cùng sẽ dẫn tới – hòa bình hay đổ máu – một thay đổi hệ thống. Tuy là đúng. Giới trung lưu ở đó tăng lên liên tục, nhưng họ không yêu cầu thay đổi chế độ.

Điều gì diễn ra – theo cách nhìn của Phương Tây – không đúng? Tại sao giới trung lưu Trung Quốc không nổi loạn? Vì chính phủ biết cách khéo léo thỏa mãn nhu cầu vật chất của họ. Chính phủ ở Bắc Kinh biết rất chính xác, rằng tính chính danh duy nhất của họ là việc họ phải làm sao cho tất cả mọi người trong nước có một cuộc sống tốt hơn. Việc người này (người dân thành thị) nhanh chóng có được cuộc sống tốt hơn là những người khác (ở nông thôn), việc này thì họ tạm thời chấp nhận.

Cho tới nay, chính phủ đã thành công trong việc là phần lớn người Trung Quốc mỗi năm đều có nhiều tiền hơn trong ví của họ. Thêm vào đó, họ đã giải thoát họ ra khỏi bộ máy giám sát địa phương của đơn vị lao động [danwei – 单位] và cho phép họ tự do đi lại. Trung Quốc của ngày nay không phải là một nhà nước đàn áp thô thiển như Liên bang Xô viết lúc trước đã từng là, nơi người dân đứng xếp hàng vì chuối và quần jean. Ở Trung Quốc, từ hàng chục năm nay đã không còn có ai đứng xếp hàng hàng giờ liền vì những món hàng “từ nước ngoài” đó nữa. Ở đó, người tiêu thụ ngày nay chỉ còn suy nghĩ mình nên mua quần jean rẻ tiền ở H&M hay đắt tiền ở Levis’s nữa thôi.

Điều này đã trở nên có thể, vì Trung Quốc đã tạo ra một mô hình mới. Đó là một hình thức pha trộn: về chính trị là một sự thống trị độc đảng, nhưng về kinh tế phần lớn là tư bản. Họ sử dụng một phần những biện pháp kinh tế thị trường của chúng ta, nhưng tuy vậy vẫn không muốn trở thành như chúng ta. Điều này khiến cho nhiều người ở Phương Tây lúng túng.

Tức là mô hình tự do Phương Tây đã có một mô hình đối nghịch – mô hình Trung Quốc, dù người ta có muốn gọi nó như thế nào đi chăng nữa. Và là trong một thời kỳ mà nền dân chủ Phương Tây đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Vì tất cả ba khối dân chủ lớn của Phương Tây – Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản – hiện nay đang suy yếu từ những lý do khác nhau.

Ở Hoa Kỳ, tổng thống và quốc hội làm trở ngại lẫn nhau. Hậu quả của hệ thống rối loạn chức năng này là một sự trì trệ gây tê liệt. Trong EU, một cuộc tranh giành thẩm quyền đang bùng nổ dữ dội về việc những quyết định nào cần phải được đưa ra trên bình diện nào. Và ở Nhật, chính phủ và bộ trưởng thay đổi trong một vận tốc nghẹt thở, tới mức không có một sự liên tục nào thành hình trong đường lối chính sách của Nhật Bản. Trong tất cả ba vùng, cử tri tạo một khoảng cách xa rất nguy hiểm với những người cầm quyền được bầu lên. Từ ngữ hậu dân chủ đang được nói tới.

Cả một thời gian dài, chính khách cũng như giới trí thức ở Phương Tây đã không xem trọng mô hình đối nghịch Trung Quốc. Nhưng rồi dần dần họ mới thấy rằng ở đó đang thành hình một sự lựa chọn khác. Lần trỗi dậy của Trung Quốc “đối với Phương Tây cũng là một thách thức về tư tưởng hệ”, ví dụ như Hanns Günther Hilpert, chuyên gia châu Á ở thinktank Berlin Stiftung Wissenschaft und Politik (swp), đã nói. Charles Kupchan còn đi xa hơn và nhìn thấy “sự thống trị về tư tưởng hệ của Phương Tây đang bị đe dọa”.

Không buộc phải như vậy. Tuy là mô hình độc tài Trung Quốc có được một sức quyến rũ nhất định tại một vài nước đang phát triển và nước sắp trở thành nước công nghiệp, nhưng nó sẽ không chuyển hóa được một quốc gia công nghiệp Phương Tây nào sang phái Trung Quốc. Mặc dù vậy, hệ thống Phương Tây phải đối đầu với thách thức Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc về công khai vẫn còn tự gọi mình là cộng sản, nhưng trong cuộc cạnh tranh hệ thống mới, đó không phải là lần tái bản của lần đấu tay đôi giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Không, nó giống như một cuộc ganh đua giữa các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa tư bản nhiều hơn, giữa một chủ nghĩa tư bản tự do Tây Phương và một chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc sắc Trung Quốc.

Trong khi Phương Tây để cho bàn tay vô hình của thị trường dẫn dắt nhiều hơn thì Trung Quốc tin vào bàn tay hữu hình và điều khiển của chính phủ. Và qua đó cũng hoàn toàn không tệ trong những lĩnh vực nhất định. Ví dụ – như đã mô tả trong những chương vừa qua – trong chính sách về công nghiệp, nghiên cứu và nguyên liệu.

Và một chính phủ độc tài cũng có thể phản ứng và quyết định nhanh hơn một chính phủ dân chủ rất nhiều. Nó thường có hiệu quả hơn, suy nghĩ trong những khoảng thời gian kế hoạch khác và qua đó mà thích hợp hơn để bước đến và giải quyết các vấn đề trong tương lai.

Ở đây, ngay tờ Spiegel mang nhiều tính phê phán Trung Quốc cũng phải trầm tư và mạo hiểm bước vào một địa hình trơn trượt: “Có một câu hỏi lẫn khuất đâu đây, một câu hỏi đáng sợ: có thể nào, mà một chính phủ phi dân chủ lại là một chính phủ tốt hay không?”

(Còn tiếp)

Wolfgang Hirn

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Lạnh