Vịnh Hạ Long (khoảng năm 1920)

Georg Wegener

Phan Ba trích dịch từ “Der Zaubermantel. Erinnerungen eines Weltreisenden” [“Chiếc áo choàng kỳ diệu. Hồi tưởng của một kẻ chu du thế giới”]

Tôi khởi hành từ sáng sớm ở Hải Phòng. Chiếc thuyền nhỏ của tôi phải mất tới năm tiếng đồng hồ mới đi qua được mạng lưới chằng chịt của những con kênh vùng châu thổ. Rồi chúng tôi ra tới biển và hướng tới đảo Cát Bà. Chúng tôi tiến tới càng gần thì nó vươn lên càng cao một cách hùng vĩ và tối tăm, nhìn giống như gắn liền với xung quanh; toàn bộ bức tường núi đá ở phía trước chúng tôi trông giống như một khối xanh đen khổng lồ duy nhất. Những khối mây nặng nề nằm chồng chất lên bề mặt của nó; những phần cao hơn biến mất đi bên trong chúng. Lúc tiến lại gần, chúng tôi nhìn thấy bức tường đá này nhô lên từ biển, gần như hay hoàn toàn thẳng đứng, cao gần hai trăm bộ. Tới bây giờ nó trông cũng còn có vẻ khép kín và cứng rắn, không để lộ ra một lối đi nào; giống như con thuyền của chúng tôi muốn đâm đầu xuyên qua bức tường đó. Mãi đến lúc chúng tôi tiến sát tới, kết cấu đó mới bắt đầu phân ra thành nhiều phần; giống như những cây cột cao của một cái cổng, các tảng núi đá tách ra ở cuối phía Tây của đảo Các Bà và tạo không gian cho một vài đường nước chật chội, giống như vịnh hẹp. Chúng tôi chìm vào một trong những con đường quanh co đó, và chẳng bao lâu sau, những bức tường ở phía sau chúng tôi đã đóng kín lại; chúng tôi lướt đi trên làn nước tối tăm yên lặng giữa những bức tường cao câm lặng, những cái chẳng bao lâu sau đó đã tiến tới gần sát nhau, cho tới mức người ta có thể  nghĩ rằng con thuyền nhỏ phải chạm vào chúng ở hai bên, nhưng lại nhanh chóng lùi ra ở bên trái và bên phải, và tạo thành những khúc uốn và góc cạnh giống như một cái vịnh nhỏ hay những cái ao có núi đá bọc xung quanh. Đá của những bức tường này là đá vôi màu xám bạc mà những tầng lớp đều đặn, thường nghiên khoảng bốn mươi lăm độ của nó lộ rõ ra ngoài. Thỉnh thoảng cũng có những lớp thẳng đứng, và rồi bị nước mưa, thấm vào giữa chúng từ trên xuống, phân tách và phong hóa một cách kỳ lạ, giống như một bức tường cũ đã đổ sập xuống. Bụi cây nhiệt đới thấp bám vào núi đá ở bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt là một loại cây yucca có lá hẹp. Ở khắp nơi, chân của những bức tường này, nơi chúng vừa nhô lên khỏi mặt nước, để lộ một đường lõm vào đều đặn, do nước xói mòn. Lúc triều lên, biển đạt tới cạnh trên của nó; rồi đường lõm đó biến mất. Lúc triều xuống, cạnh này nằm trên mực nước từ hai tới ba mét, và rồi tảng núi đá có hình dạng mặt tiền của một ngôi nhà thời Trung cổ mà tầng trên nhô ra khỏi tầng dưới. Ở những hình dạng nhỏ, đứng riêng một mình, thì có vẻ hết sức kỳ dị; chúng nhô lên cao với một cái chân gầy giống như một cái cuống nhỏ trên biển. Những đường lõm này có độ sâu khác nhau; có những nơi chúng tiếp tục rộng ra vào bên trong, như người ta có thể nhìn thấy được. Ở bên trên, các tảng núi đá này đã bị sự phong hóa ăn mòn thành những đường rãnh hết sức sắc bén và hoang dại mà ngay từ phía dưới người ta đã nhìn thấy rằng một chuyến đi dạo ở trên bề mặt của chúng chắc chắn phải là điều không thể.

Quần đảo Cát Bà. Hình: Wikipedia

Quần đảo Cát Bà. Hình: Wikipedia

Trong chuyến đi xuyên qua, tất cả dường như đều sống động một cách đầy bí ẩn, vì những hình dạng và phong cảnh liên tục dịch chuyển và biến đổi; không phong cảnh nào giống phong cảnh nào, khe hở và đường đi mở ra với nền xanh mờ ảo và rồi lại đóng lại, mũi đá nhọn đẩy mình ra phía trước hay lui lại phía sau, để tạo chỗ trống cho những hình dạng mới. Chúng tôi hay gặp những chiếc thuyền đánh cá nhỏ, trông kỳ lạ của người dân bản xứ, chèo lướt đi theo những bức tường thẳng đứng, xuất hiện hay lại biến mất sau những ngóc ngách. Có lúc, một thế giới núi đá hoang dại chồng chất lên trên những độ cao của các bức tường, biến mất vào trong những đám mây tối tăm; có lúc, vào cuối những hành lang dài, lướt nhanh qua giữa hậu cảnh núi non màu xanh và trở nên xanh, xuất hiện một cảnh mê hồn trận của núi đá trên những mặt nước rộng lớn có màu xanh ánh sáng, có những vách đá riêng lẻ với đường viền rõ nét nhô lên cao. Điều kỳ lạ nhất là không đâu có những tảng đá vụn rơi xuống bọc xung quanh chân của những bức tường thẳng đứng, như người ta phải nghĩ tới tại công việc làm của sự phong hóa cổ xưa, khi chúng tạo ra mê hồn trận này; phẳng phiu và trong sạch, các tảng núi đá nhô lên cao khỏi mặt nước ở khắp nơi giống như những bức tường của các dinh thự Venice, tựa như toàn bộ mê cung kỳ diệu này, trong hình dạng hiện nay, được thiên nhiên đặt xuống một lần là xong. Viên thuyền trưởng cũng không hề lo ngại có vách đá nằm dưới nước; ở đây không có những cái đó, mà khắp nơi có một lớp bùn mềm mại, đều đặn, tạo thành đáy của những con đường nước và mặt nước thường sâu chỉ vài mét. Cũng như biển mài mòn những đường lõm dài ở chân núi đá chỉ qua cách hòa tan hóa học đá vôi, dường như nó cũng làm tan tất cả các hòn đá đã rơi xuống.

Trong mê cung chen chúc nhau từ núi đá và đường nước, mắt nhìn của chúng tôi còn xa mới có thể nhận rõ được những đường nét chính trong sự sắp xếp của chúng, khi chúng bất chợt tách ra, và chúng tôi đi ra tới một diện tích nước rộng lớn trống trải. Đã xuyên qua vành đai đảo ở phía ngoài, nằm kế tiếp đảo Các Bà; nằm trước chúng tôi là Baie d’Along [Vịnh Hạ Long]. Một biển xanh đẹp tuyệt diệu, rộng khoảng mười kilômét, được giới hạn ở phía Bắc bởi những ngọn núi có hình dáng mềm mại của đất liền, tất cả các mặt còn lại được bao bọc bởi không biết bao nhiêu là nhóm đảo giống như những hòn đảo mà chúng tôi vừa mới bỏ lại ở phía sau. Trong sắc màu không khí ở phía xa xa, chúng lóng lánh trong màu xanh đậm và trông thật kỳ bí. Chúng cho thấy rằng mê cung núi đá mà chúng tôi vừa mới xuyên qua chỉ là một phần hết sức nhỏ, một sự bắt đầu khiêm nhường của thế giới kỳ diệu đang trải rộng ra ở đây.

Vịnh Hạ Long. Hình: Wikipedia

Vịnh Hạ Long. Hình: Wikipedia

Nó thật sự là một thế giới của thiên nhiên kỳ diệu. Trong ngày này và còn trọn hai ngày nữa, tôi đi ngang dọc qua nó trên chiếc du thuyền của tôi theo nhiều hướng khác nhau dưới sự dẫn dắt thông thạo và không biết mệt mỏi của viên thuyền trưởng của tôi, thả neo ở nơi ông khuyên tôi hay ở nơi mà sự kỳ lạ quyến rũ bản thân tôi, tìm tòi khắp những tảng núi đá của các hòn đảo, leo lên bề mặt của nó trên những con đường kỳ lạ nhất, chui qua hang động của chúng hay để cho những chiếc thuyền từ những hình dạng kỳ diệu đó lướt đi yên lặng trên nước trong sáng ngang qua tôi. “Đảo Kỳ diệu” hoàn toàn xứng đáng với tên của nó, vì nó che dấu trong lòng của nó một trong những hang động thạch nhũ tuyệt diệu nhất và đẹp nhất mà tôi đã từng nhìn thấy. Lối vào bị cây mọc che khuất nằm ở phía sau của một dãy đá tảng nhỏ hình bán nguyệt, ở độ khoảng một phần ba chiều cao của bức tường núi đá trên mặt nước biển, hầu như không thể nhận ra được từ xa. Nhưng bên trong nó vòm thành một ngôi nhà thờ tuyệt diệu bằng đá tinh khiết, xanh trắng mà trần của nó tựa như được chống đỡ bởi những cột nhũ thạch mảnh dẻ, thật to. Ánh sáng yên lặng màu xanh xanh bao trùm lên tất cả như một làn nước mát lạnh, nhúng nó vào trong một ánh chập chờn như trong truyện cổ tích. Ánh sáng đó thật kỳ diệu, khi người ta trở về từ những vực sâu tiếp vào trong lòng ngọn núi tối tăm hàng trăm mét nữa, những vực sâu mà chúng tôi đã cầm đuốc leo cho tới tận cùng của chúng. Ở bên trong hang động cao, sạch và khô này, trong ánh sáng đuốc, nhũ thạch hoang sơ, có một màu trắng kem được pha một ít sắc đỏ, phủ khắp lên trên các bức tường dưới dạng một thác nước đã đông lại hay thả xuống như những búi tóc phụ nữ đã hóa đá.

“Đảo Bất ngờ” cũng hoàn toàn có quyền mang tên của nó. Ở đây, sau một lối vào khó nhìn thấy tương tự và được bụi cây che phủ, cái mà chỉ có những người thông thạo mới tìm thấy, cũng có một cái hang động tương tự như vậy. Thế nhưng nó không mở rộng ra một lần một cho người khách tham quan mà người này đầu tiên là bước vào một gian ngoài nhỏ, tương đối không quan trọng. Nhưng rồi qua một khe hở tối tăm ở phía sau, chật hẹp và thấp cho tới mức hầu như không thể lọt qua được. Bất thình lình nó lại rộng ra, và bây giờ chúng tôi đứng trong một mái vòm thật sự khổng lồ, cái có lẽ không cao như gian ngoài của “Grotte des Merveilles”, nhưng rộng hơn rất nhiều. Ngày nay có một cây cột nhũ thạch đồ sộ duy nhất, thật to, giúp chống đỡ mái vòm. Nó rộng và phẳng một cách thật táo bạo, cho tới mức người ta hầu như không thể hiểu được là tại sao nó lại có thể đứng vững trước khi cây cột đó được tạo thành. Ánh sáng ban ngày cũng tràn ngập vào đây qua một lỗ trống, và tạo cho hang động này có một ánh lấp lánh màu xanh kỳ diệu. Ở đây, nó cũng tiếp tục kéo dài vào bên trong núi qua những kẽ hở. Tôi đi theo một kẽ hở như vậy vào trong sự tối tăm một lúc, cho tới khi có một ánh sáng lờ mờ ở xa báo hiệu một lối ra thứ nhì. Khe hở dẫn nghiên nghiên lên phía trên. Phải trèo lên cao trên những đoạn đường hết sức khó khăn, giống như ống khói. Cuối cùng, nó mở ra ở trên đầu tôi. Tôi leo ra ngoài và bây giờ lại ở trên mặt đất của hòn đảo. Hay chính xác hơn là ở trong một vòng đá núi giống như một cái phễu mà đáy của nó được tạo thành từ những đường rãnh sắc như dao và cứng như thép. Lòng chảo đầy bụi cây và dây leo mọc um tùm, vồng lên ở phía trên của nó là cái chuông xanh của bầu trời; một thế giới đơn độc kỳ lạ, yên lặng, tuyệt diệu.

George Wegener (1865-1939), nhà địa lý học và giáo sư tại trường Đại học Thương mại ở Berlin, Đức, hay tạm ngưng công việc giảng dạy của ông để khởi hành đi tới những thế giới xa lạ.  

Đọc những bài khác về Việt Nam ở trang Quê hương Việt Nam

3 thoughts on “Vịnh Hạ Long (khoảng năm 1920)

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 25-01-2014 | doithoaionline

  2. Pingback: Thứ Bảy, 25-01-2014 – Đất Hà Tĩnh mắn đẻ Tổng bí thư – Dùng tù trị tù, dùng tù xử tù | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 25-1-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này