Đất nước này cần hệ thống nào? (phần 6)

“Chúng tôi sống trong một hệ thống không rõ ràng một cách kỳ lạ”

Ông S., 33 tuổi, nhà thông tin học, Bắc Kinh: “Người ta nói về Chủ nghĩa Xã hội, nhưng nhìn đâu thì cũng chỉ thấy Chủ nghĩa Tư bản thôi. Ở chúng tôi thì còn tư bản hơn cả ở Phương Tây tư bản nữa. Hoàn toàn chưa rõ là tất cả cần  phải phát triển theo hướng nào. Theo một nền kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc?  Thế tức là rồi chúng tôi cố hướng tới dân chủ? Hay là chúng tôi ở lại một nền độc tài? Nhiều người trẻ thích nhất là muốn áp dụng dân chủ ngay lập tức. Nhưng phần lớn trong độ tuổi của tôi, tức là những người trên ba mươi, không chia sẻ quan điểm đó. Một nền dân chủ chỉ có thể hoạt động khi nhà nước và xã hội có những cơ cấu vững chắc, và trước hết là phải xây dựng chúng đã. Cho tới ngày nay thì chỉ có lời nói của những người cầm quyền mới có giá trị thôi, và trong số họ thì hầu như chẳng có ai quan tâm tới các văn bản luật pháp. Nếu bây giờ chúng tôi áp dụng một hệ thống đa đảng thì tất cả chì tồi tệ hơn thôi. Ít nhất thì người ta không được phép quên rằng vẫn còn nhiều người  cả ngay nay cũng chỉ có thể ăn vừa đủ no mà thôi, và ngoài ra thì nghèo khổ vô cùng. Dưới những điều kiện đó thì một hệ thống độc đảng có thể làm được nhiều việc hơn, vì có thể phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với các phát triển nguy hiểm. Việc đóng cửa các nhà máy quốc doanh và tư nhân hóa nền kinh tế đã gây ra nhiều vấn đề lớn trong xã hội của chúng tôi. Hố sâu giữa nghèo và giàu tạo ra nhiều lực nổ. Tôi tin chắc rằng những lần bạo động ở Tây Tạng và ở Tân Cương thật ra là có nguồn gốc từ kinh tế. Người có nhiều kinh nghiệm từ những vùng đất đã phát triển ở cạnh bờ biển hay ở nội địa đi tới những vùng lạc hậu ở phía Tây và đầu tư kiến thức và tiền vốn của họ ở đó. Tất nhiên là qua đó họ có nhiều cơ hội tốt hơn là người dân bản xứ, đặc biệt là những người thuộc các dân tộc thiểu số mà phần lớn họ thường thiếu tiếp xúc và thiếu quan hệ trên khắp nước. Chính phủ trung ương đã nhận ra mối nguy hiểm. Họ phải phản ứng nhanh. Nhưng họ chỉ có thể làm như vậy trong một hệ thống độc đảng.

Thiên An Môn, 30 tháng 5: sinh viên khai mạc "Nữ thần Dân chủ", một bức tượng cao mưới mét. Đối với nhiều người hiện giờ đã kiệt sức thì đấy là một biểu tượng mới của hy vọng – thế nhưng đối với giới lãnh đạo nhà nước thì đấy là một sự khiêu khích ngay giữa Bắc Kinh. Ảnh: GEO Epoche.

Thiên An Môn, 30 tháng 5: sinh viên khai mạc “Nữ thần Dân chủ”, một bức tượng cao mưới mét. Đối với nhiều người hiện giờ đã kiệt sức thì đấy là một biểu tượng mới của hy vọng – thế nhưng đối với giới lãnh đạo nhà nước thì đấy là một sự khiêu khích ngay giữa Bắc Kinh. Ảnh: GEO Epoche.

Về những cái đầu củ cải Trung Quốc và về sự khó khăn của chuyển giao hệ thống chính trị

Ông C., 53 tuổi, nhà báo, Bắc Kinh: “Ngay Marx cũng đã nói rằng kinh tế kiểm soát chính trị. Các hệ thống chính trị thành hình và biến đổi với những đặc điểm về kinh tế của một nước. Theo như thế thì phương án và hệ thống cũng không thể được tiếp nhận. Quyết định bao giờ cũng là con người. Trung Quốc không thể cứ đơn giản sao chép lại nền dân chủ Phương Tây, vì xã hội và lối suy nghĩ trong Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn với Phương Tây. Chúng ta cứ đơn giản là so sánh hai cái bàn, mỗi cái có hai mươi người ngồi và ăn. Ở một bàn là người Đức và ở bàn kia là người Trung Quốc. Rồi điều gì xảy ra? Ở bàn Đức, người ta nói chuyện rì rầm, ở bàn Trung Quốc toàn tiếng hò hét vui vẻ, cho tới mức người Đức xem người Trung Quốc là không có văn minh và người Trung Quốc xem người Đức là khô cứng.

Nước nào cũng có lịch sử và truyền thống riêng của nó, vì vậy mà con người cũng phản ứng khác nhau dựa trên những trải nghiệm lịch sử của họ. Khi ví dụ như chính khách ở Phương Tây rút lui khỏi chức vụ của họ hay về hưu thì họ cũng từ giã quyền lực chính trị. Ở Trung Quốc thì không như vậy. Ở chỗ chúng tôi thì các lãnh tụ chính trị ngay cả sau khi về hưu rồi cũng còn nắm lấy quyền lực và ngồi ở những vị trí cao. Họ cũng không ngần ngại can thiệp vào trong công việc của người kế nhiệm. Quyền lực và đặc quyền là một cái gì đó mà ở Trung Quốc người ta không thích từ bỏ.

Một đạo luật được chúng tôi tiếp nhận từ Hoa Kỳ hay Đức không bắt buộc phải có hiệu lực như ở nước xuất xứ. Nó biến đổi khác đi ở chúng tôi. Có thể nói là nó bị Hán hóa. Người ta cũng có thể diễn tả khác đi: Chúng tôi là những cái đầu củ cải Trung Quốc, ở ngoài thì xanh và ở bên trong thì hồng. Chúng không mọc trên đất của Phương Tây. Cũng giống như người ta muốn mang một cây quýt cho trái ngọt ở Quảng Đông đi trồng ở Bắc Trung Quốc. Ở đó nó chỉ cho trái chua và có thể còn chết nữa.

Người Đức thường hay than phiền, rằng chúng tôi ở đây, trong đất nước này, không có dân chủ, nhưng nói chung là họ có biết sẽ xảy ra điều gì khi người ta áp dụng nền dân chủ Đức vào Trung Quốc hay không? Tôi biết, những hệ thống như vậy không thể được áp dụng một cách đơn giản được, nhưng cứ cho là nó thành công đi, thì rồi còn có yên bình ở nơi chúng tôi nữa hay không? Tôi hoài nghi việc này. Một ví dụ là Iraq. Saddam đã từng nói rằng khi ông chết, nước Iraq sẽ rơi vào hỗn loạn. Như ngày nay có thể thấy được, dường như là ông đã đúng. Saddam chết rồi. Và nước Iraq ngày nay trong tương lai tới đây có được bình định, có được một nền dân chủ như người Mỹ hy vọng hay không? Hay chúng ta hãy nhìn văn hóa mafia ở Ý. Những cấu trúc như thế cũng có ở Trung Quốc. Đặc biệt là ở tỉnh Phúc Kiến. Ở đó có những  hội bí mật và cái được gọi là Xã hội Đen ở khắp mọi nơi.

Đảng ngày nay đã yếu hơn ngày xưa. Ở nhiều nơi, họ đã mất quyền kiểm soát rồi. Bánh lái thường hay trượt ra khỏi tay của họ. Nhiều người không còn nghe họ nữa, trước hết là các ngân hàng. Chính phủ trung ương chỉ còn có thể cố đưa ra một phương hướng và hy vọng rằng những người khác đi theo nó. Nhưng điều này chưa đủ.

Tôi lo sợ là sẽ có một thảm họa, khi người Cộng sản thật sự mất quyền lực của họ. Không có một sự lãnh đạo cương quyết thì tất cả các vấn đề sẽ lộ diện, những cái mà bây giờ còn có thể cực nhọc giữ cho chúng nằm ở dưới bề mặt: những vấn đề với các dân tộc thiểu số nào đó, với những cộng đồng tín ngưỡng, với cái nghèo và sự không hài lòng, với nhiều sự thanh toán với quá khứ và nạn nhân của các phong trào chính trị vẫn còn có. Tất cả những điều đó đều rất nguy hiểm và dễ nổ.

Bây giờ thì tình hình còn tương đối yên ổn, vì người nông dân còn đất của họ. Khi người trong các nhà máy ở miền Nam Trung Quốc bị cho thôi việc vì thiếu đơn đặt hàng, nhiều người sẽ trở về làng quê của họ. Khi họ không còn có khả năng đó nữa, vì gia đình họ đã mất quyền sử dụng đất, thì họ làm gì? Ở thành phố họ không có thu nhập, ở nông thôn cũng không. Có phải là những cuộc nông dân nổi dậy – như thường xuyên có trong lịch sử Trung Quốc – đã được lập sẵn rồi hay không? Một người nông dân tìm việc làm trong thành phố vào lúc ban đầu cảm thấy bình thường, rằng người dân thành phố sống tốt hơn là người ở nông thôn. Nhưng khi ông ấy đã làm việc bốn năm ở thành phố rồi thì thái độ đó thay đổi. Rồi ông thấy như vậy là không công bằng.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc

4 thoughts on “Đất nước này cần hệ thống nào? (phần 6)

  1. Pingback: ***TIN NGÀY 9/8/2013 -Thứ Sáu « ttxcc6

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 9-8-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: ĐẤT NƯỚC NÀY CẦN HỆ THỐNG NÀO ? [Phần 5 & 6] (Yu-Chien Kuan – Phan Ba dịch) | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: Tin thứ Sáu, 09-08-2013 « BA SÀM

Bình luận về bài viết này