Những Ngày Thịnh Nộ – Chương 10

NGƯỜI HỒI GIÁO KẾT CUỘC

LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG?

Không có gì bền vững hơn là sự biến đổi, nhà viết bi kịch người Ai Cập có lẽ là nổi tiếng nhất Tawfik al–Hakim (1898 – 1987) cũng biết điều đó. Cuộc Cách mạng Ả Rập không chỉ làm biến đổi chính trị và xã hội. Nó cũng có ảnh hưởng mang tính quyết định đến mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, đạo Hồi và cai trị. Cũng như mối quan hệ đến tín ngưỡng. Sự cá nhân hóa trong các thành phố lớn Ả Rập diễn tiến càng nhiều, sự “công dân hóa” thay thế các cấu trúc và khuôn mẫu suy nghĩ càng nhiều, thì sự cộng hưởng với các cách đọc phi mê tín kinh Koran càng lớn, các lối sống càng tự do hơn. Quá trình này đã được thể hiện ở ví dụ của những nhà giảng đạo trên truyền hình và các ứng xử có định hướng life–style của thế hệ Facebook với đạo Hồi. Có một điều mà cuộc Cách mạng Ả Rập chắc chắn không là: một cuộc nổi dậy mang tính tôn giáo, một cuộc nổi loạn Hồi giáo. Hầu như không nhìn thấy hay đọc được những câu khẩu hiệu của người Hồi giáo. Các câu khẩu hiệu thường gặp nhất, “Kifaya!” (“Đủ rồi!”) hay “Irhal!” (“Cút đi!”) rõ ràng là phi tôn giáo. Những người anh hùng của cuộc cách mạng không phải là Hassan al–Banna, người thành lập Huynh Đệ Hồi giáo, hay người kế tục ông ấy Sayyid Qutb, nói chi đến Osama bin Laden. Các tấm gương cũng được chọn lựa một cách tự phát hơn, trong số đó là nhà điều hành Google người Ai Cập Wael Ghonim, người đã tường thuật lại trên Facebook về cái chết của một người dùng Internet trẻ tuổi trong tay của cảnh sát Alexandria và vì thế mà tí nữa thì đã bị cảnh sát mật của Mubarak tra tấn cho tới chết. Thời của những hệ tư tưởng lớn, có là Chủ nghĩa Dân tộc hay Chủ nghĩa Hồi giáo đi nữa, đã chấm dứt. Đồng thời, đạo Hồi chính trị cũng tự biến đổi mình, tách rời khỏi một đạo luật Hồi giáo Sharia được hiểu theo cách giáo điều và biểu lộ sự sẵn sàng đón tiếp các ý tưởng và liên minh mới.

Không ai có thể tiên đoán trước diễn tiến tiếp tục của cuộc Cách mạng Ả Rập. Nó sẽ bám rễ trong một vài nước, bị nghiền nát trong những nước khác hay phải đi đến những thỏa hiệp đau đớn với giới Anciens Régimes [chính quyền cũ]. Nhưng có một cái đã biến đổi không thể đảo ngược lại được nữa: nhận thức. Người Ả Rập đã trải nghiệm được rằng họ có thể làm thay đổi diễn tiến của lịch sử. Trong quá khứ, cá nhân bao giờ cũng phải phục tùng người cai trị mình. Phê phán là đồng nghĩa với bất tuân lệnh hay còn là báng bổ nữa và bị đàn áp không thương xót. Với cuộc cách mạng, xã hội và mỗi một cá nhân lần đầu tiên đã thắng được những kẻ cầm quyền trong các đòi hỏi quan trọng về tự do và công bằng. Người là thần dân đã tự giải phóng mình. Ông ấy trở thành người công dân. Thời của những con người già cả đứng đầu các cỗ máy quyền lực được điều khiển bởi mật vụ đã bắt đầu đổi thay. “Allah, Muammar, Libya – chúng tôi không muốn nhiều hơn!”, những người theo Ghaddafi gọi to. “Với máu của chúng tôi, với linh hồn của chúng tôi – chúng tôi hy sinh cho Người, Saddam!” Hay là cho một lãnh tụ nào khác. Những câu khẩu hiệu được đạo diễn từ trên xuống như thế ngày càng ít phù hợp hơn với thời kỳ này.

Một sự thật không chứng minh được

Sự biến đổi từ một xã hội phong kiến sang một xã hội công nghiệp dịch vụ hiện đại diễn ra rộng lớn chừng nào thì những sự nhận diện tập thể mất đi nhiều chừng đó. Hiện đại hóa lúc nào cũng có nghĩa là cá nhân hóa. Các mẫu mực và truyền thống gia trưởng được nhìn với một con mắt khác đi. Ảnh hưởng của tôn giáo giảm xuống. Nó đánh mất lực tạo chuẩn mực của nó. Life–style thay thế ý thức hệ. Chủ nghĩa khoái lạc không thể đi cùng với Dshihad. Ngay một cái nhìn hời hợt đến lịch sử châu Âu cũng cho thấy rằng cả ngôi nhà giảng dạy và bộ khung tín ngưỡng của Kitô giáo lẫn thể chế nhà thờ cũng chưa từng bao giờ là những độ lớn bất động. Chúng luôn luôn là một phần của những hoàn cảnh xã hội và chính trị bao xung quanh nó, đã đặt dấu ấn lên chúng và cũng bị chúng đặt dấu ấn lên mình giống như thế.

Chính vì thế mà quan điểm thống trị trong Phương Tây, rằng đạo Hồi đấu tranh cho một sự thật tuyệt đối, không dân chủ và không có khả năng thích hợp với hiện đại, hơn thế nữa, đàn áp và bạo lực, có tinh thần độc đoán và hướng đến sự thống trị thế giới, hết sức là vô lý. Các hình ảnh và định kiến ở đây [châu Âu/Đức] đặt sự tồn tại của một Homo Islamicus ra làm tiên đề mà sự nhận dạng đồng nhất của nó chỉ được quyết định bởi tín ngưỡng mà thôi. Đạo Hồi như là giáo điều vĩnh cữu, bất biến từ ngọn lửa và thanh kiếm. Kinh Koran theo đó không gì nhiều hơn là một tập hợp của những bài viết ca ngợi bạo lực, không thể hòa hợp với Hiến Pháp và những giá trị của Phương Tây được. Nhà mỵ dân cánh hữu người Hà Lan Geert Wilders, và không chỉ ông ấy, cứ đơn giản đặt kinh Koran ngang hàng với “Mein Kampf” của Hitler. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hans–Peter Friedrich thuộc đảng CSU suýt tí nữa thì đã làm nổ tung Hội nghị Hồi giáo ở Đức, vì trong đề tài đạo Hồi và hòa nhập, ông ấy không biết nói gì hơn là về “cộng tác an ninh” và phòng chống khủng bố. Chưa được một ngày trong chức vụ mới, ông ấy đã cúi mình thật thấp trước những người đi theo các luận đề thô thiển của Thilo Sarrazin: “Nhưng việc đạo Hồi thuộc về nước Đức là một sự việc không thể chứng minh được ở bất cứ nơi nào từ trong lịch sử.”

Lời nói đấy thay đổi hướng ở giữa câu. Lúc đầu, nó thuộc vào trong đó, đạo Hồi, như sau đó thì nó lại bị bình luận đuổi ra ngoài theo cửa sau của lịch sử. Friedrich thuộc trong cộng đồng tín ngưỡng đầy quyền lực đó, cái tin chắc vào sự tồn tại của một “Phương Tây Kitô giáo”, hay “Phương Tây Kitô–Do Thái giáo”. Một Phương Tây tự hiểu mình chính là sự phân định giới hạn với những vực sâu của Hồi giáo, với sự cuồng tín, phi lý và cổ hủ. Lịch sử của Phương Tây từ cách nhìn này rõ ràng là một dãy liên tục của những hành động nhân đạo cao cả mà trong đó con người, hòa hợp như anh em với nhau, bước nhanh từ lần khai sáng này đền lần khai sáng khác, đưa ra hết hiến pháp này đến hiến pháp khác, luôn luôn có các đức cha Công giáo, nhà thờ tháp tùng, những người không còn có thể chờ đợi được phép có phần trong lần ban phúc của cuộc Cải cách Kháng cách và Cách mạng Pháp được nữa.

Tòa án dị giáo? Chính tranh tín ngưỡng? Tiêu diệt thổ dân Mỹ? Chủ nghĩa Thuộc địa? Auschwitz?

Ít ra thì ngày nay người ta chủ yếu là nói về “Kitô–Do thái giáo” hay “Phương Tây Kitô–Do Thái giáo”, một ám chỉ đến lịch sử Đức mới đây. Trong ngữ cảnh của những cuộc thảo luận Phương Tây, có thể chứng minh được tính từ “Do Thái” từ những năm 1960. Trước đó, những ẩn dụ đầy huyền thoại được dành riêng cho Kitô giáo, loại trừ Do Thái giáo và đạo Hồi. Mặc dù đạo Hồi có lẽ đã góp phần cơ bản nhất vào trong lịch sử văn hóa và tri thức của châu Âu: trong tác động qua lại với Vương quốc Byzantine, người Hồi giáo đồng thời vẫn giữ cho Thời Cổ đại Hy Lạp tiếp tục sống động. Thông qua con đường vòng của những học giả Hồi giáo, nhờ vào những bản dịch từ tiếng Hy lạp sang tiếng Ả Rập và rồi cuối cùng sang tiếng La tinh mà kiến thức đã mất đi của người Hy Lạp lại tìm được con đường đi vào nền văn hóa Phương Tây – và góp phần xây dựng thế giới hiện đại. Khái niệm “Phương Tây” không thể được giới hạn một cách rõ ràng cả về mặt lịch sử lẫn địa lý lẫn nội dung. Ai tuy vậy vẫn sử dụng nó thì thật ra phải nói một cách đúng đắn về một “Phương Tây Độc Thần giáo” hay một “Phương Tây Do Thái giáo– Hồi giáo – Kitô giáo” (theo thứ tự chữ cái). Tất cả ba tôn giáo đó, cùng nhau và chống lại nhau, đã đặt dấu ấn lên châu Âu, tốt cũng như xấu.

Huynh đệ Hồi giáo trên con đường trở về nguồn

Niềm tin cơ bản của sự sợ hãi đạo Hồi, Hồi giáo thật ra là nguyên nhân của mọi vấn đề, từ hòa hợp cho tới khủng bố, vẫn tiếp tục tồn tại trong đánh giá về cuộc Cách mạng Ả Rập. Sẽ như thế nào, nếu nó kết cuộc rồi sẽ giúp cho những người theo đạo Hồi cực đoan nắm lấy quyền lực? Nhưng ngay cả khi các Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập hay những người anh em của họ ở Tunesia, Đảng Nahda, trở thành lực lượng mạnh nhất qua các cuộc bầu cử tự do, họ cũng sẽ không thành lập một nhà nước thần quyền. Họ thiếu nền tảng xã hội để làm việc đó. Dưới những điều kiện dân chủ, các đảng Hồi giáo có hai sự lựa chọn. Hoặc là họ ôn hòa và rồi có sức thu hút cho đông đảo những người đi bầu, tương tự như Đảng AK–Partisi của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc là họ tu dưỡng một ý thức hệ cực đoan và trở thành một giáo phái.

Chúng ta hãy nhìn sự phát triển này ở ví dụ của các Huynh Đệ Hồi giáo. Đầu tiên là phải phân biệt giữa các Huynh Đệ Hồi giáo trước và sau cuộc Cách mạng. Trước Cách mạng, họ là một phong trào đánh thức đức tin quốc gia, sẵn sàng dùng bạo lực trong những thập niên đầu tiên sau khi thành hình. Trong diễn tiến lịch sử của mình, họ đã tự cải mới nhiều lần và qua đó đã trở thành một đảng thích hợp với hệ thống. Dưới thời Nasser, các Huynh Đệ Hồi giáo thành lập năm 1928 bị cấm hoạt động, Sadat cho phép họ tổ chức mới, nhưng không như là một đảng phái. Ông ấy xem họ như là một nhóm trợ giúp, để đẩy lùi những người của phe cánh tả và những người theo Nasser ra khỏi các trường đại học và công đoàn. Nhờ vào gian lận bầu cử, Mubarak lo liệu sao cho các Huynh Đệ Hồi giáo, xuất hiện như một phái độc lập, luân phiên bị gạt ra khỏi Quốc Hội hay được phép có một con số đại biểu có giới hạn. Bệnh tâm thần phân liệt của các Huynh Đệ Hồi giáo luôn luôn là việc họ có được một hậu thuẫn lớn ở các trường đại học và trong các hội nghề nghiệp, trong số người dân ở nông thôn và người nghèo, nhưng chính thức thì lại không hề tồn tại – mặc dù họ là nhóm đối lập mạnh nhất. Ngay từ dưới thời của Sadat, họ đã từ bỏ ý tưởng của một trật tự Hồi giáo, một “nhà nước thần quyền”. Đấy là tiền đề để họ được khoan dung.

Khái niệm “nhà nước thần quyền” được chúng ta hay sử dụng xuất phát từ Khomeini và là một điều mới trong thần học Hồi giáo cũng như trong lịch sử. Ở Phương Tây, nó thường được xem một cách sai lầm là cái tinh túy của Chủ nghĩ Hồi giáo và Đạo Hồi. Thay vì vậy, các lý thuyết gia Hồi giáo và học giả chính thống giáo nói về một “trật tự Hồi giáo”. Các suy nghĩ của họ xoay quanh câu hỏi, cái cũng đã được những con người đơn giàn từ thời Mohammed quan tâm đến: Làm sao vượt qua được vực sâu to lớn giữa lý tưởng tôn giáo và những yêu cầu của cuộc sống, những cái tầm thường của cuộc sống hàng ngày? Khoảng cách giữa sự toàn năng của Thượng Đế và sự yếu đuối, kém cỏi, cám dỗ của con người?

Chỉ cho các tín đồ “con đường về nguồn”, Luật Hồi giáo “Sharia” phục vụ cho điều đó – bên cạnh “Jihad” là khái niệm thách thức lớn nhất của Hồi giáo trong sự cảm nhận của Phương Tây. Sharia không chỉ đưa ra những quy định cho các vấn đề luật pháp cụ thể, như luật hôn nhân, luật gia đình và luật thừa kế, mà, giống như trên bình diện mẫu mực lý tưởng, cả các cư xử của con người trong quan hệ với Thượng Đế và với những người khác bên cạnh mình. Vì thế là Luật Hồi giáo cũng có cả những quy định thờ cúng, tiêu chuẩn đạo đức, quy định cho vệ sinh, cho những câu hỏi về danh hiệu xã hội và những thứ giống như thế. Sharia theo đuổi dự án không tưởng của một trật tự xã hội và chính trị công bằng, cái cần phải được thực hiện nhờ vào sự giúp đỡ của những quy tắc tiêu chuẩn luật lệ tương ứng. Ngược với sự tưởng tượng ở Phương Tây, Sharia không phải là một giáo điều vĩnh cửu bất biến, mà cho phép nhiều diễn giải. Những hình thức trừng phạt tàn bạo như chặt chân tay hay ném đá những người phụ nữ ngoại tình (cũng được thực hành trong Kitô giáo qua nhiều thế kỷ) xuất phát từ thời đầu của Hồi giáo: người du cư không biết đến nhà tù. Ngày nay chúng vẫn còn – hiếm – được tuyên xử trong Ả Rập Saudi, Iran, Afghanistan và Somalia, việc do Hồi giáo thì ít mà nhiều hơn là từ các hoàn cảnh chính trị đang thống trị ở đó. Đại đa số các luật gia Hồi giáo từ chối việc áp dụng những hình phạt như thế. Họ lý luận: chỉ khi thế giới toàn hảo được tạo thành, Thiên Đàng trên trần thế, thì những hình phạt thân thể nặng nề như thế mới được phép. Tức là không bao giờ, nói một cách khác đi.

Làm việc tốt như thế nào?

Sự căng thẳng giữa Sharia lý tưởng và hiện thực có thể trải nghiệm qua là một trong những vấn đề chính của lịch sử Hồi giáo. Tổng cộng có bốn trường phái luật pháp đã thành hình dưới những người Sunni, những cái có sự tưởng tượng riêng của họ về “con đường” về nguồn đúng đắn. Hệ thống các quy định phức tạp của Sharia có thể được dẫn về những ý tưởng đơn giản cũng như đáng kính trọng: làm việc tốt và tránh việc xấu. Để chắc chắn, rằng con người bao giờ cũng có thể mắc sai phạm không phạm tội với Thượng Đế, các trường phái luật đã tạo ra những bộ quy định phức tạp. Các học giả về luật, Ulama, thường ủng hộ quan điểm rằng Hồi giáo là tôn giáo và nhà nước, din wa dawla. Ý ở đây không phải nhà nước thần quyền của Khomeni, mà là một trật tự chính trị công bằng trên cơ sở Sharia với một nhà cai trị tôn sùng Thượng Đế đứng đầu. Điều đấy nghe có vẻ tốt, thành hình từ đó trong thực tế không có gì nhiều hơn là vương quốc của ông vua Hồi – một nơi chốn cho các âm mưu bè đảng.

Một chỗ yếu lớn của Sharia, của Chính thống giáo Sunni, nằm trong tính sẵn sàng phục tùng ý muốn và sự chuyên quyền của người cầm quyền, và tuân theo những yêu cầu của người đó. Giáo sĩ phủ nhận người cai trị là hiếm có trong lịch sử Hồi giáo. Thật ra thì họ cũng có thể chống lại những nhà cai trị bất công hay độc tài, vì vua Hồi có nhiệm vụ phải hành xử theo các nguyên tắc của luật sunna, cung cách sống thực tiễn của nhà tiên tri, và theo Sharia. Vua Hồi trong bất cứ lúc nào cũng không phải là một người có thẩm quyền xét xử, mà chỉ là một người phục vụ cho luật Thượng Đế được các Ulama quản lý. Nhưng thay vì vậy, những người này lại thường hay để cho quyền lực mua chuộc và để cho hối lộ bằng những đặc quyền hay ít nhất thì cũng chấp nhận những hoàn cảnh đang tồn tại. Như Đại giáo sĩ Hồi giáo Ali Gomaa, học giả luật có cấp bậc cao nhất Ai Cập, đã cực lực lên án cuộc Cách mạng khi nó mới bắt đầu. Điều đấy không có gì đáng để ngạc nhiên, vì ông ấy có được chức vụ của ông ấy là nhờ vào Mubarak. Trên trang mạng của mình, ông ấy bào chữa cho viêc tại sao mình lại đứng vào bên sai lầm của lịch sử: “Đó là một thời gian của sự lộn xộn trần trụi, tương lai xuất hiện một cách đen tối, con số nạn nhân không có kết thúc. Imam Ali (anh em họ và là con rễ của nhà tiên tri, người theo đạo đầu tiên) cũng sẽ không bao giờ tán thưởng việc đó. Thuộc vào trong các nguyên tắc cơ bản của đạo Hồi là kính trọng sự thiêng liêng của cuộc sống con người. Người ta nói rằng Mohammed đã từng nói rằng: ‘Đối với Thượng Đế, máu của một người Hồi giáo còn thiêng liên hơn cả Kaaba.'” (Kaaba là vật thiêng liêng nhất của đạo Hồi: một ngôi nhà bằng gạch là trung tâm điểm của ngồi nhà thờ Hồi giáo to lớn ở Mecca.)

Rằng không phải người biểu tình bắn vào những người theo Mubarak mà là ngược lại, chính quyền dựa trên bạo lực, việc đó thì rõ ràng là ông ấy đã tránh né. Cả nhà truyền giáo truyền hình nổi tiếng nhất bên cạnh Amr Khaled, Yussuf al–Qaradawi, đứng gần những người Salafi, những người Hồi giáo cực kỳ bảo thủ, cũng liên tục lên án cuộc Cách mạng, hoàn toàn theo ý của những người thầy Saudi của mình và ca ngợi “yên ổn và trật tự” như là những gì cao cả nhất.

Sự phục tùng những người cầm quyền của Chính thống giáo và chủ nghĩa bảo thủ qua nhiều thế kỷ đã biến Sharia trở thành một công cụ của sự trật tự hóa, cái đặt nghi vấn và trừng phạt những gì khác với mẫu mực đang có hiệu lực, dù đó là cung cách sống cá nhân hay những câu hỏi với cái nhìn đến tình hình chính trị đang tồn tại. Sự khát khao không tưởng đến Thiên Đàng, sự hợp nhất giữa Thượng Đế và con người, cô đọng lại ngày một nhiều hơn trong diễn tiến của lịch sử thành ý thức hệ. Ngay cả khi không có một Sharia chính thức, nó là tổng số của những diễn giải nó thì đúng hơn, thì đã từ lâu nó cũng không còn có thể trở thành một động cơ cho sự phát triển của xã hội nữa.

Trong vòng 100 năm vừa qua, trong phần lớn các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, ngoại trừ Luật Hôn nhân, Gia đình và Thừa kế, Sharia đã bị đẩy lùi bởi Luật Dân sự (Qanun) có định hướng phi tôn giáo. Trong đó người ta có định hướng mạnh đến châu Âu. Đặc biệt các quy định pháp luật từ Pháp và Thụy Sĩ được tiếp nhận nhiều trong các bộ luật Ả Rập. Ranh giới giữa Sharia và Qanun chính xác là ở đâu, về việc này thì người ta tranh cãi một phần thật gay gắt. Nói chung: các nhà thần học Chính thống giáo hay đạo Hồi chính trị bảo thủ càng nhiều và có ảnh hưởng càng nhiều thì họ càng cố mở rộng ảnh hưởng của Sharia ra xã hội. Nơi mà Sharia được diễn giải theo truyền thống thì nó không thể hòa hợp với những mẫu mực của một nhà nước pháp quyền, với dân chủ, tự do ngôn luận và nhân quyền được. Điều hợp lý nhất là nên dọn dẹp Sharia một cách có hệ thống và làm cho nó thích hợp với những yêu cầu của thời hiện đại, nhất là phải củng cố cho các khoảng không gian tự do của cá nhân đối với nhà nước và xã hội. Ngoại từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Sharia bị bãi bỏ năm 1926, và Maroc, nơi nó trên thực tế là không còn có hiệu lực nữa từ năm 2004, vẫn còn chưa có đất nước Hồi giáo nào đi theo con đường này – từ nỗi lo sợ phải đối đầu với những lực lượng cực bảo thủ. Có thể bạo gan mà đưa ra tiên đoán, rằng trong diễn tiến của cuộc Cách mạng Ả Rập, cả Sharia cũng sẽ bị xét lại.

Vẫn còn trên đường đi: Huynh Đệ Hồi giáo khám phá thế giới

Những người theo Trào lưu Chín thống Hồi giáo, bắt đầu từ Hassan al–Banna, đi theo một hình ảnh đơn giản. Họ tin rằng người Hồi giáo không còn dẫn đầu trên thế giới, vì họ đã đi sai lạc “con đường về nguồn”. Một con đường mà theo quan điểm của họ trước hết bao gồm việc giữ đúng các nhiệm vụ và những lời khuyên răn tôn giáo. Một khi sự tẩy uế về đạo đức của cá nhân cũng như của xã hội được thực hiện thì Thượng Đế sẽ tha tội cho người Hồi giáo và đưa trở lại cho họ tầm vóc to lớn và tính quan trọng. Theo đó, như al–Banna, cần phải thành lập một “trật tự Hồi giáo” trên nền tảng của Sharia.

Nhưng điều đó cụ thể là gì? Điều đáng ngạc nhiên là các tác phẩm thời đầu của Huynh Đệ Hồi giáo không đưa ra thông tin gì cho việc này. Al–Banna và người kế nghiệp ông ấy Qutb rõ ràng là khó có thể xác định được bản chất của một trật tự Hồi giáo trong thế kỷ 20 trên nền tảng của những quy định luật lệ từ thế kỷ thứ bảy. Việc tập trung tiêu điểm vào “thời kỳ vàng son trước đây” của đạo Hồi là một hiện tượng không chỉ giới hạn ở những người Hồi giáo. Phần lớn những nhà thần học chính thống giáo đều có tinh thần hương về quá khứ. Quẳng những gánh nặng lịch sử đi hay diễn giải các tác phẩm thần thánh theo thời gian là việc họ không muốn làm.

Như đã nói, trong thời gian trước cuộc Cách mạng, các Huynh Đệ Hồi giáo đã thỏa hiệp với những người cầm quyền. Sadat và Mubarak sử dụng họ về mặt đối nội như một công cụ chính trị, về mặt đối ngoại như một hậu cảnh để đe dọa, đặc biệt là Mubarak: tôi hay là người Hồi giáo. Các Huynh Đệ Hồi giáo bước vào cuộc chơi đấy vì nói chung, người Hồi giáo thích nhất là đóng vai trò đối lập. Phải gánh vác trách nhiệm, họ nhanh chóng đánh mất uy tín của họ. Vực sâu giữa lòng tin mê đắm vào Sharia và “thời kỳ vàng son trước đây” của họ về một mặt và những tầm thường của chính trị hiện thực ở mặt kia là quá lớn. Điều đấy cũng đúng cho cả các Huynh Đệ Hồi giáo lâu nay từ chối không đưa ra các mục tiêu của họ một cách rõ ràng. Họ bắt đầu như những nhà cách mạng xã hội và tuyên truyền chống thực dân, tự cải mới mình sau các xung đột đẫm máu với quyền lực nhà nước dưới thời Nasser và cuối cùng biến đổi mình trở thành một hội huynh đệ gia trưởng. Được bổ sung bởi một mạng lưới dịch vụ xã hội khắp nước, cái có tầm quan trọng sống còn đối với người nghèo. Cuối cùng, các Huynh Đệ Hồi giáo đã không biết rõ qua nhiều thập niên liền, rằng họ muốn là một phong trào tôn giáo hay là một phong trào chính trị. Song song với việc đó, giới lãnh tụ đã già đi, giới mà giữa cuộc Chiến tranh Sáu ngày 1967 và con cừu Dolly được nhân bản năm 2003 hầu như không có được một thay đổi nhân sự nào cả.

Sau 2000 đã xảy ra xung đột rõ rệt trong giới Huynh Đệ giữa trẻ và già, giữa những nhà tư tưởng hệ và những người thực dụng. Người giữa chức vụ “lãnh tụ tối cao” từ 2004 đến 2010, Mohammed Akif, đã mở rộng phong trào nhiều hơn nữa cho các lực lượng trẻ và ôn hòa, và mở đường cho họ đi đến các chức vụ lãnh đạo. Năm 2004, nhà tư tưởng quan trọng nhất của phe cải cách và là phát ngôn viên của hội Huynh Đệ, Issam al–Irjani, đã công bố quyển sách “Phong trào Hồi giáo và thời quá độ dân chủ”. Trong đó, ông ấy phác thảo những nét cơ bản của một hình thức chính phủ Hồi giáo hiện đại theo những nguyên tắc sau đây: quyền tự do cá nhân không giới hạn, đa nguyên chính trị trên cơ sở Sharia, cái phải được diễn giải để cho cả người Copt Kitô giáo cũng có thể chấp nhận được, và sự bình đẳng trước pháp luật cũng như về chính trị giữa nam và nữ,

Tuy ông cũng viết rằng “sinh con và dạy dỗ chúng là nhiệm vụ chính của phụ nữ” (điều mà rất nhiều nếu như không phải hầu hết những người bảo thủ ở châu Âu sẽ đồng tình), nhưng bây giờ ngày càng có nhiều “chị em Hồi giáo” gia nhập hội Huynh Đệ. Al–Irjani tự thừa nhận một cách phê phán, rằng con đường cho tới nay, thỏa hiệp hầu như bằng mọi giá với những người cầm quyền, đã dẫn đến một ngõ cụt. Các đánh giá của ông ấy đúng cho tới đâu, điều đấy đã được thể hiện ngay trong năm 2005, khi Mubarak loại trừ Huynh Đệ Hồi giáo ra khỏi những cuộc bầu cử vào quốc hội. Phe cải cách, phần nhiều đèu trẻ tuổi và không sợ va chạm, tìm cách tiếp xúc với những nhóm đối lập phi tôn giáo khác như “Kifaya” hay “Ghad”. Cánh này, mà những đại diện nổi tiếng nhất là Mohammed Akif, Issam al–Irjani và Abdel Moneim Abdel, một thành viên lâu năm trong hội đồng lãnh đạo, hướng đến một sự “cải tổ” Huynh Đệ Hồi giáo theo gương mẫu của Đảng Thổ Nhĩ Kỳ AK–Partisi. Đối thủ của họ, Bộ Chính trị mà tụ họp trong đó phần lớn là những người già, ủng hộ đường lối “cứ tiếp tục như thế”. Người phát ngôn của họ trước hết là Mahammed al–Badija, người mà năm 2010 đã thay thế Akif trở thành “Lãnh tụ Tối cao”.

Mãi đến ngày 28 tháng 1, tức là ba ngày sau khi bắt đầu, Al–Badija mới phát biểu về cuộc nổi dậy trong chính đất nước của mình và yêu cầu Mubarak hãy tiến hành những cải cách cơ bản và chấm dứt bạo lực. Điều đấy là quá ít và quá muộn, nhóm lãnh đạo cũ tự biểu lộ rằng họ không có khả năng phản ứng lại sự việc gây chấn động lịch sử đấy với những gì khác hơn là các khuôn mẫu thông thường. Dưới sự phản đối kịch liệt của những người cải cách, cánh bảo thủ tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mubarak thay vì cũng yêu cầu ông ấy từ chức.

Từ hơn mười năm nay, những thay đổi lớn trong xã hội Ai cập bao giờ cũng được phản ánh trong giới Huynh Đệ Hồi giáo. Khả năng, rằng sau cuộc Cách mạng họ sẽ tan rã ra thành nhiều đảng phái hay nhóm, là lớn. Giới già hẳn sẽ không có một tương lai chính trị. Những người cải cách, ngay khi họ cũng không phải là một phong trào đồng nhất, cũng như giới đối lập phi tôn giáo, yêu cầu tự do hóa nền kinh tế và một nền kinh tế thị trường rời bỏ kinh tế bổng lộc và kinh tế bảo trợ móc ngoặc được nhà nước hỗ trợ, như chúng được giới quân đội và tầng lớp thượng lưu truyền thống tiến hành.

Khác với những người đứng đầu già cả, các nhà cải cách hồi giáo ngay từ đầu đã tham gia trên Quảng trường Tahrir. Qua đó, tình bạn và liên minh mới đã thành hình. Trong đám đông người đó người ta không hỏi: bạn là ai, bạn có tín ngưỡng hay thuộc đảng phái nào? Tất cả họ đều là người Ai Cập ba tuần liền, đã cùng nhau biểu tình, giúp đỡ lẫn nhau. Những người phụ nữ Hồi giáo đã ngủ qua đêm ngay giữa hàng ngàn người – trước cuộc Cách mạng thì không thể tưởng tượng được. Những trải nghiệm như thế để lại dấu vết, chúng làm thay đổi con người và cách suy nghĩ của họ. Người cải cách tiếp tục đến gần giới đối lập phi tôn giáo và ngược lại. Các tổ chức nhân quyền khác nhau, thường không quan tâm đến số phận của các huynh đệ Hồi giáo bị bắt giam, vì nghi ngại ý thức hệ của họ, cũng đã yêu cầu trả tự do cho họ ngay nhiều tháng trước cuộc Cách mạng rồi.

Huynh đệ Hồi giáo mạnh cho tới đâu, điều này sẽ được thể hiện qua các cuộc bầu cử Quốc Hội. Tại những cuộc bầu cử các ủy ban sinh viên trong tháng 3 năm 2011, những cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong Ai Cập nói chung, họ nhận được 18 phần trăm.

Huynh Đệ Hồi giáo không phải là những nhà hoạt động chính trị duy nhất trong môi trường Hồi giáo. Bên cạnh họ, những người Salafi và Sufi, những nhà tôn giáo huyền bí, cũng đóng một vai trò. Người Salafi đứng gần Thuyết Wahhab và được tài trợ chủ yếu từ Ả Rập Saudi. Dưới thời Mubarak, 90000 nhà thờ Hồi giáo Ai Cập có đăng ký chính thức đứng dưới sự giám sát của nhà nước. Người Salafi cố gắng sử dụng khoảng chân không thành hình khi nhà nước sụp đổ cho những người truyền đạo của họ. Với thành công có giới hạn, nhưng tuy vậy họ vẫn nguy hiểm. Trong hàng ngũ của họ có những nhà tuyên truyền cuồng tín, không hề e ngại sử dụng bạo lực chống lại người Copt và Sufi. Sau nhiều cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo của họ, phát ngôn viên của những người Sufi, mà thật ra là phi chính trị và hòa bình, đe dọa họ sẽ dùng vũ khí chống lại những người Salafi nếu như cần thiết. Những người này bây giờ tự gọi mình là “Ansar as–Sunna”, có nghĩa như “những người theo học thuyết thật”.

Michael Lüders

Nhà xuất bản C. H. Beck

Phan Ba dịch

Đọc các những chương trước ở trang Những Ngày Thịnh Nộ

2 thoughts on “Những Ngày Thịnh Nộ – Chương 10

  1. Pingback: ***TIN NGÀY 31/3/2013 -Chủ Nhật « ttxcc6

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 31-03-2013 | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này