Würzburg: khi một hầu tước giám mục ngự triều

“Phong cảnh không bị tàn phá. Như thể có một tấm thảm lụa trải rộng khắp thung lũng – sườn đồi trồng nho, rừng và những cánh đồng cây ăn quả đan kết với nhau xanh trong xanh và dãy nước màu xanh quanh co, cạnh bờ của nó đã là Würzburg, một đài kỷ niệm thời thống trị của Quốc Xã”.

Trong quyển tiểu thuyết “Những tông đồ của Giê-xu” năm 1947, nhà văn người Würzburg Leonhard Frank đã ta thán như vậy về lần tàn phá thành phố quê hương của ông ở miền nam của nước Đức qua cơn mưa bom của Anh chỉ kéo dài 17 phút vào ngày 16 tháng 3 năm 1945.

Mặt nam Dinh Würzburg. Ảnh: Flickr

Mặt nam Dinh Würzburg. Ảnh: Flickr

Đó là câu chuyện buồn thảm nhất mà người gác đêm thuật lại, người mang y phục cổ truyền cầm đèn và cây kích đi trong các ngõ hẻm được chiếu sáng của Würzburg. Người ta có thể tháp tùng ông để biết được nhà điêu khắc thiên tài Tilman Riemenschneider (1460-1531) sống ở đâu, nhà xây dựng Balthasar Neumann (1687-1753)  đã ngắm cảnhWürzburg từ trên ban công nhà của ông ở đâu. Người gác đêm sẽ kể về cây Cầu Main Cũ với 12 vị thiên thần, về khu phố Main Cũ với nhà thờ Thánh Burkard theo phong cách Roman và ngôi nhà của Chúa theo phong cách Gothic của Dòng tu Hiệp sĩ Đức. Năm 1945 tất cả những cái đó đã không còn nữa, ngôi Nhà thờ lớn Thánh Kilian theo phong cách Roman cũng vậy.

Mặt tiền của Dinh Würzburg. Ảnh: Fotocommunity

Mặt tiền của Dinh Würzburg. Ảnh: Fotocommunity

Nhưng người gác đêm cũng có một mẩu chuyện để an ủi: Chuyện của Johann Lucas von Hildebrandt (1668-1745), vị kiến trúc sư thiên tài thời Trung cổ đã tham gia phác thảo phần lớn Dinh Würzburg. Ông đã thề rằng, sẽ “tự lo liệu” để treo cổ ngay giữa trần của lồng cầu thang trong dinh thự, nếu như cấu trúc vòm táo bạo của người cạnh tranh với ông, Balthasar Neumann, đứng vững được. Trần vòm vẫn đứng vững nhưng Hildebrandt đã không giữ lời: Kiến trúc không có cột đỡ của Neumann còn chịu được cả những quả bom cháy của Đệ nhị thế chiến. Trong khi nhà thờ cuối thời Baroque trong dinh thự phải được xây lại và gian phòng gương lộng lẫy được tái kiến thiết theo những tấm ảnh màu còn lại sau khi bị phá hủy hoàn toàn thì thế giới vẫn không suy suyển.

Thế giới?

Vâng, cả thế giới đang tỏ lòng thần phục vị giám mục hầu tước Carl Philipp von Greiffenclau (1690-1754) của Würzburg, ít nhất là trên tấm bích họa khổng lồ trang trí cho trần vòm vững chắc của Neumann hoàn tất năm 1753, với diện tích 677 m2 là mô tả phúng dụ Trời và Đất lớn nhất. Từ năm 2006, sau khi được phục hồi, bức bích họa lại tươi sáng rực rỡ, trả lại cho lồng cầu thang 5 gian sự lộng lẫy của ngày xưa.

Lồng cầu thang trong Dinh Würzburg. Ảnh: Staatliche Schlösser- und Seenverwaltung

Lồng cầu thang trong Dinh Würzburg. Ảnh: Staatliche Schlösser- und Seenverwaltung

Những gì Giovanni Battista Tiepolo (1696-1770) đến từ Venice sáng tạo thật sự là có một không hai. Kiến trúc, điêu khắc trang trí và hội họa dường như đã hòa nhập làm một. 4 châu lục được biết đến vào thời bấy giờ là khung viền cho bầu trời của Chúa với thần Apollo. Asia đang cưỡi voi và cho các nhà hiền triết từ phương Đông – Toán, Giả kim, Thiên văn và Y học – mang chữ viết và lửa đến. America xuất hiện như một người phụ nữ da đỏ chân trần và ngực trần hoang dã trên một con cá sấu hung dữ. Africa cưỡi lạc đà đến chợ và Europa đang tận hưởng hào nhoáng của nghệ thuật và kiến trúc, ngự trị như một nữ hoàng với cây quyền trượng và quả Địa cầu trong khi Fama đang thổi kèn loan báo vinh quang của nữ hoàng đi khắp nơi thế giới.Và bên cạnh đó, trong một huy chương là vị giám mục hầu tước đầy hãnh diện – tuy chỉ cai trị một phần của vùng Franken sông Main. Nhưng ông đã bất tử với dinh thự theo phong cách Baroque do Baltasar Neumann xây dựng. Dinh Würzburg được xem là tác phẩm kiến trúc chính của Baroque Đức, một trong số các lâu đài nổi tiếng nhất của châu Âu.  Từ năm 1981 dinh thự là di sản thế giới của UNESCO.Tiepolo cũng còn vẽ gian Sảnh Hoàng đế thật lộng lẫy, xứng đáng với số tiền thù lao hậu hĩnh 22.000 đồng Gulden. Cảnh Würburg từ lịch sử Thánh chế La Mã triều Staufer – lễ cưới của Hoàng đế Friedrich Barbarossa và Beatrix của Borgogne năm 1156 tại Würzburg. Gian phòng này cũng là một tác phẩm nghệ thuật tổng thể, rực rỡ với những huy hiệu bằng vàng khổng lồ và cột lộng lẫy. Phía trên gian phòng 8 cạnh 16 x 26 m là một mái vòm hình ôvan. Những bức tranh có khung mạ vàng trên cửa và phúng dụ 4 bốn mùa ở các góc phòng sẽ làm lóa cả mắt người khách tham quan.

Qua tất cả những hào nhoáng đó du khách không nên quên đến thăm ngôi nhà thờ của dinh thự. Bích họa trên trần là tác phẩm của Johann Rudolf Byss. Tranh Đức Mẹ thăng thiên và Chiến tranh Thiên Đàng ở mặt bên của bệ thờ là do Tieplo vẽ.

Phan Ba

4 thoughts on “Würzburg: khi một hầu tước giám mục ngự triều

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 12-01-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 12-01-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam điểm tin thứ Bảy, 12-01-2013 | bahaidao

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 12-1-2013 « Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này