Trung Quốc trong tương lai sẽ ra sao? Ba kịch bản

Kịch bản lạc quan: Đất nước này trở thành một nền dân chủ ổn định. Vì giới trung lưu tăng lên, ngày càng có nhiều nông dân bỏ nông thôn đi vào thành thị. Chẳng bao lâu nữa mỗi một người Trung Quốc sẽ thu nhập trên 6000 dollar một năm. Con số của các phong trào tự phát tư nhân và những nhóm quyền lợi có tổ chức độc lập (những cái được gọi là tổ chức phi chính phủ) tăng lên, vì không có họ thì chính phủ không còn có thể giải quyết hết tất cả các vấn đề xã hội đa dạng. Một ngày nào đó ĐCS sẽ không còn có khả năng che dấu sự bất đồng trong nội bộ của họ dưới sự lãnh đạo tập thể được nữa. Phe phái hình thành như thế – và cuối cùng là đảng.

Đường vào Cấm Thành: tỉnh của Trung Quốc có nhiều dân như cả nhiều quốc gia trên các lục địa khác. Ảnh: Der Spiegel

Kịch bản đen tối: người nghèo càng nghèo hơn, người giàu giàu hơn. Ngày càng có nhiều người cảm nhận họ là những người thua cuộc trong những cải cách. ĐCS không còn kiểm soát tham những được nữa, cái càng làm cho người dân thêm tức giận. Thêm vào đó, chính phủ không có khả năng giải quyết nạn thất nghiệp đang tăng lên. Trong một tương lai không quá xa, tròn 955 triệu người sẽ ở trong độ tuổi lao động (năm 1995 là 732 triệu), tất cả họ đều hy vọng có được một công việc làm tốt. Các vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng thêm. Hàng triệu người, bị xua đuổi đi bởi hạn hán và ngập lụt, kéo nhau đi khắp nước tìm nước sạch, không khí sạch và lương thực thực phẩm sạch. Giới lãnh đạo của ĐCS, cán bộ của cái được gọi là thế hệ thứ sáu, không có đủ khả năng. Hỗn loạn xẩy ra, những cuộc nổi dậy làm rung chuyển đất nước, tỉnh ly khai, một dòng người tỵ nạn chảy qua châu Á.

Kịch bản trung hòa: tất cả sẽ cứ như hiện nay. Trung Quốc vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi một nhóm tinh hoa, những người thành công trong việc nhanh chóng phản ứng với những tình huống mới – nếu cần thì với sức mạnh của những nòng súng. Không có một lựa chọn khác với ĐCS. Giới trung lưu không quan tâm đến tam quyền phân lập mà quan tâm đến việc giữ nguyên tình trạng hiện nay, cho tới chừng nào mà họ vẫn còn có cơ hội gửi con cái họ đi học trường tốt, đi nghỉ mát mỗi năm một lần, mua cho mình một căn hộ. Họ tiếp tục thỏa hiệp với giai cấp chính khách đang thống trị để chống lại những yêu cầu và mong muốn của người dân nghèo chiếm đa số, muốn có một phần lớn hơn nữa trong chiếc bánh của sự thịnh vượng. Họ muốn ngăn chận không cho Trung Quốc lại rơi vào những hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa, hay lại còn bị điều khiển bởi công nhân và nông dân như ngày xưa dưới thời Mao Trạch Đông.

Trở lại hiện tại: nhân danh “ổn định” và “xã hội hài hòa”, ĐCS đang đi trên một con đường nhiều rủi ro: họ trấn áp những tranh luận quan trọng và trấn áp quan niệm của người dân về tương lai của đất nước họ. Tại những cuộc xung đột sắc tộc, họ đỗ lỗi cho nước ngoài về những vấn đề mà thật sự là do trong nước gây ra.

Ví dụ Tây Tạng và Tân Cương: những người lãnh đạo ĐCS không cho phép người dân sống ở đấy tranh luận công khai về những khó khăn của họ, về cuộc đi tìm sự nhận dạng của họ và những tưởng tượng của họ về cuộc sống của họ trong xã hội Trung Quốc. Trong bầu không khí đấy, những vấn đề bình thường trở thành hết sức là chính trị. Phê phán chính sách giáo dục cho các sắc tộc thiểu số, một chính sách giáo dục bị tranh cãi, là không thể. Ai mặc dù vậy vẫn mở miệng đều bị nguy hiểm sẽ vào tù như người có chủ trương ly khai hay còn là kẻ khủng bố nữa. Qua đó, chính trị gia Trung Quốc đã gieo mầm cho những cuộc nổi loạn mới, có lẽ còn dữ dội hơn nữa.

Công thức ảo thuật 70/30

Trung Quốc đang phải chịu đựng một chỗ yếu khác – cách xử sự với quá khứ. Người đàn ông mà chân dung của ông ấy được treo từ nhiều thập niên nay ở cổng Thiên An Môn và nhiều tấn bi kịch đã diễn ra nhân danh ông ấy vẫn còn được tôn sùng xưa cũng như nay: Mao Trạch Đông. Lý thuyết của ông ấy có tầm cỡ hiến pháp, chân dung của ông ấy đập vào mắt trên tất cả các tờ tiền giấy từ một nhân dân tệ cho tới 100 nhân dân tệ.

Từ những năm 50, hàng triệu người trong nước Cộng hòa Nhân dân đã trở thành nạn nhân của những cuộc đấu tranh ý thức hệ và của những dự án điên rồ. Chịu trách nhiệm cho việc đấy là đảng mà ngày nay đang dẫn dắt vận mệnh của đất nước này. Chỉ 30 phần trăm các việc làm của Mao là sai, Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau cái chết của Mao năm 1976 – phần còn lại được xem là o.k. Ai hoài nghi sự phán xét này, nói quá to về diễn biến của thời đấy, nghiên cứu quá tỉ mỉ về các nguyên nhân, hỏi xoáy quá sâu vào trách nhiệm, người đấy đặt dấu hỏi về quyền lực của ĐCS và trong trường hợp xấu nhất thì làm nguy hại đến tự do của mình.

Nhưng một xã hội có thể tiến bước vào tương lai khi nó nhắm mắt hoàn toàn trước những đoạn đen tối trong lịch sử của nó hay không? Tôi cho là không. Một ngày nào đó nó sẽ bị những con ma của quá khứ bắt kịp.

Sau lần nhìn vào nội bộ bây giờ chúng ta hãy quan sát xem Trung Quốc đối xử với thế giới bên ngoài ra sao. Trung Quốc tác động ra bên ngoài như thế nào – nhẹ nhàng hay hung hăn? Nó muốn đạt đến những gì, ngăn chận những gì? Chắc chắn một điều: từ 2009 Trung Quốc xuất hiện ngày càng tự tin hơn – và đôi khi đã làm cho láng giềng gần xa lo sợ. Chương kế tiếp bàn về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.

4 thoughts on “Trung Quốc trong tương lai sẽ ra sao? Ba kịch bản

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 08-12-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 8-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 08-12-2012 | bahaidao

  4. Pingback: Tin thứ Bảy, 08-12-2012 | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này