Đảo Rügen: huyền thoại của những tảng đá vôi

Phải đến vào lúc bình minh hay trước lúc hoàng hôn, đi trên con đường xuyên qua cánh rừng sồi đỏ, dọc theo những vách đá thẳng đứng cạnh biển, vì khi đấy rất yên lặng và chúng sáng rực trong màu hồng, vàng và trắng, những núi đá vôi trong Vườn quốc gia Jasmund của Đức. Đấy chính là bầu không khí đã quyến rũ người họa sĩ lãng mạn nổi tiếng nhất của Đức vào khoảng năm 1818, nhà họa sĩ đã mô tả thiên nhiên như tấm gương phản chiếu cảm nhận của con người.

Tác phẩm "Núi đá vôi trên đảo Rügen", Caspar David Friedrich, khoảng 1818

Tác phẩm “Núi đá vôi trên đảo Rügen”, Caspar David Friedrich, khoảng 1818

Người ta sẽ không tìm thấy chính xác nơi họa sĩ Caspar David Friedrich (1774-1840) đã vẽ bức tranh nổi tiếng, đó không phải là những tảng đá vôi Wissow đã bị phá hủy trong tháng 2 năm 2005 trong một lần núi lở và cũng không phải ngọn núi Königsstuhl cao 119 m. Nhưng chính vì thế mà người ta nhìn thấy những tảng đá vôi của họa sĩ Friedrich ở khắp mọi nơi, nhìn xuống vực thẳm bên tay mặt, nhìn ra biển cả dường như vô tận như nhà họa sĩ trẻ tuổi.

Chỉ chốc nữa thôi, khi xe buýt từ thành phố Sassnitz đến và hằng trăm người chen chúc nhau trên chỗ ngắm cảnh của ngọn Königsstuhl thì chẳng còn gì là lãng mạn nữa. Nửa triệu du khách hằng năm: Đến họa sĩ Friedrich chắc cũng sẽ kinh hãi mà chạy trốn.

Người lãng mạn có lẽ chỉ còn cách đi dạo đến điểm ngắm cảnh mang tên “Viktoria-Sicht” nhìn về núi Königsstuhl, đi dạo dọc theo bờ biển (có thể xuống dưới đó qua tròn 500 bậc thang) hay lang thang trong cánh rừng sồi đỏ ngắm màu sắc rực rỡ của hoa và bướm, hy vọng có thể bắt gặp vài con chim bói cá hiếm thấy cạnh suối. Từ núi Königsstuhl đến Hồ Hertha không xa lắm, cạnh đấy là lũy đất cao 10 m của pháo đài Hertha từ thời xa xưa của người Xlavơ vô thần với nhiều huyền thoại. Sử gia Tacitus (58-116) người La Mã đã thuật lại trong tác phẩm “Germania” (khoảng năm 98 sau Công Nguyên) rằng trên “một hòn đảo trên biển” (trong ngữ cảnh chắn hẳn là Biển Baltic với đảo Rügen) người dân đã làm lễ tế thần Nerthus (Hertha) của họ. Vì thế mà du khách đến đây sẽ được nghe kể về đá tế thần, chén máu và những thanh nam tú nữ bị nhấn chìm xuống biển.

Nhưng cũng có huyền thoại mang lại hậu quả tai hại. Người thanh niên nào leo được lên Königsstuhl từ phía sườn núi nhìn ra biển sẽ được bầu làm vua của hòn đảo, người dân Rügen vẫn kiên quyết thuật lại câu chuyện này cho đến ngày hôm nay. Đội lính cứu hỏa ở Sassnitz không hề thấy câu chuyện này thú vị đâu, vì họ thường phải mang toàn bộ trang bị cứu hộ trên núi để cứu những người leo núi theo huyền thoại rồi đang “tiến thoái lưỡng nan” trên vách núi đá vôi thẳng đứng, tiếp tục leo lên không được nữa mà lui xuống cũng không xong.

Người ta cũng thuật lại rằng cướp biển Klaus Störtebeker đã dấu kho báu của ông ta ở phía nam của vườn quốc gia. Nhưng công cuộc tìm kiếm cho đến nay vẫn không mang lại kết quả gì. (Có chăng chỉ là tăng doanh thu cho những người kinh doanh máy dò tìm kim loại.)

Tảng núi đá hẳn là nổi tiếng nhất của Rügen: Königsstuhl ("Ghế Vua"). Ảnh: Corbis

Tảng núi đá hẳn là nổi tiếng nhất của Rügen: Königsstuhl (“Ghế Vua”). Ảnh: Corbis

Thành phố Sassnitz là điểm khởi đầu lý tưởng cho những chuyến đi lang thang trong khu vườn quốc gia nhỏ nhất nước Đức này, và những ngôi biệt thự xinh đẹp vẫn còn là vật chứng cho thời mà nhà văn người Đức Theodor Fontane (1819-1898) viết trong tác phẩm “Effi Briest” rằng: “Đến Rügen có nghĩa là đến Sassnitz”.

Nhưng bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, thành phố Binz nằm về phía nam của Sassnitz đã vượt qua được Sassnitz để trở thành nơi tắm biển đẹp nhất của Rügen. Có thể đi tàu hỏa đến thăm lâu đài đi săn Granitz ở gần đó. Với trên 200.000 khách tham quan hằng năm đây là lâu đài có nhiều khách nhất của bang Mecklenburg-Vorpommern: Một lâu đài của thế kỷ 19 mang vẻ Trung cổ.

Khách du lịch muốn tìm yên tịnh nên đến Sellin cách đó vài km. Trong ánh nắng bình minh, mặt tiền của các biệt thự bằng gỗ có nhiều hoa văn trang trí rực rỡ màu đỏ hồng trên đường Wilhelm. Vào chiều tối, chiếc cầu tàu được tái xây dựng năm 1998 được chiếu sáng như cây thông Giáng Sinh trước biển xanh.

Người dân đảo Rügen kỷ niệm hải tặc Klaus Störtebeker trên sân khấu lộ thiên cả mùa hè ở làng Ralswiek, nơi đã có giao thương với người Ả Rập từ đầu thời Trung cổ. Và bởi vì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy kho báu huyền thoại của người cướp biển này nên người ta đóng rất nhiều rương “chiến lợi phẩm Störtebeker” cho khách du lịch mang về. Trong đó có xúc xích mang tên “Mũi đất Arkona” của đảo Rügen, trà của “người gác hải đăng” và rượu “Lửa Arkona” nồng độ cao. Nếu không mua thì sau này không được phép phàn nàn như một người đi tìm muối mỏ trên đảo Rügen năm 1584: Ông ta bảo rằng ở đây chẳng có gì ngoài đá vôi cả.

Phan Ba

4 thoughts on “Đảo Rügen: huyền thoại của những tảng đá vôi

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 02-12-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 02-12-2012 | bahaidao2

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN CHỦ NHẬT 9-12-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: Tin Chủ Nhật, 02-12-2012 | Dahanhkhach's Blog

Bình luận về bài viết này