Rothenburg ob der Taube: thơ mộng Trung cổ khổ nhỏ

Năm 1826 khi nhà họa sĩ Ludwig Richter (1803-1884) đến thành phố “Rothenburg trên sông Tauber” nhỏ bé ở miền Nam của nước Đức, ông đã ca ngợi rằng: “Nhà với mái đầu hồi cao nhọn, tầng trên luôn đẹp hơn tầng dưới, bảng hiệu và biểu tượng phường hội xưa cổ, nhà thờ và nhà nguyện Gothic, nhưng hiếm có vài người trong các ngõ hẻm, tất cả đều yên tịnh vào lúc bình minh.” Nhưng thời đó còn chưa có 2,5 triệu du khách hằng năm chen lấn nhau trong các ngõ hẻm lót đá tảng của thành phố chỉ có khoảng 11.000 dân này.

Thành phố Rothenburg. Ảnh: Phan Ba

Thành phố Rothenburg. Ảnh: Phan Ba

Vì sự êm đềm thơ mộng của một thời Trung cổ nguyên thủy đã được những bức tranh của Ludwig Richter và Carl Spitzweg mang đi thật xa, gợi lên lòng hoài cổ ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều sử gia nghệ thuật cũng không hề tiếc lời khen ngợi. Wilhelm Heinrich Riehl trong một tiểu luận xuất bản năm 1865 đã ca ngợi Rothenburg là một đài kỷ niệm văn hóa nghệ thuật hạng nhất và Georg Dehio đã gọi thành phố này là một tác phẩm nghệ thuật tổng thể. Ngày nay Rothenburg là một điểm du lịch nổi tiếng thế giới, một trong những điểm chính của tuyến du lịch “Đường Lãng mạn” trong nước Đức, do có khu phố phần lớn vẫn còn nguyên vẹn như thời Trung cổ.

Có một vài điều mà người ta hay không thuật lại cho khách du lịch, thường kể cả việc 1/3 thành phố đã bị phá hủy trong Đệ nhị thế chiến. May mắn là lần không kích này chỉ phá hủy phần phía đông của khu phố cổ, khu phố giữa Weißer Turm tức Tháp Trắng và Rödertor (Cổng Röder), nên các di tích văn hóa lịch sử quan trọng nhất vẫn còn tồn tại nguyên thủy cho đến ngày nay.

Câu chuyện truyền thuyết về người thị trưởng Nusch thời xưa lôi cuốn hơn nhiều. Vào năm 1631, giữa thời cuộc Chiến tranh 30 năm (1618-1648) tàn khốc, Rothenburg phải đầu hàng trước đạo quân hùng mạnh của hoàng đế. Được dâng mời rượu vang, vị tướng quân Tilly bảo sẽ không san bằng thành phố, nếu như có người uống một hơi cạn được cả một vại to chứa hơn ba lít rượu vang. Thị trưởng Nusch đã uống cạn cả vại rượu và nhờ vào hành động anh hùng này mà cứu được thành phố. Câu chuyện đã được một người con của Rothenburg, Adam Hörber, thuật lại trong tác phẩm sân khấu “Der Meistertrunk” (“Lần uống rượu bậc thầy”) năm 1881 và được chính Rainer Maria Rilke viết thành thơ. Từ hơn 100 năm nay, ngày nào cái đồng hồ trên đầu hồi của quán rượu gần tòa thị chính (xây năm 1446) cũng lập lại lần uống rượu ngoạn mục này.

Tòa đô chính Rothenburg. Ảnh: Phan Ba

Tòa đô chính Rothenburg. Ảnh: Phan Ba

Nhưng Rothenburg cũng trưng bày một khía cạnh đáng sợ của thời Trung cổ, một khía cạnh mà các nhà thơ và nhà văn thường hay bỏ qua. Ở đây có Viện bảo tàng Hình sự Trung cổ, bảo tàng luật học nổi tiếng nhất của Đức. Trong căn nhà xây năm 1396 là một tổng quan về luật lệ và hình phạt của 1000 năm qua trong vùng nói tiếng Đức. Bên cạnh đó là gông đeo cổ, mặt nạ sắt và nhiều công cụ dùng để hành hạ tra tấn khác mang những tên kỳ dị như “Giầy ủng Tây Ban Nha”, “Trinh nữ sắt” hay “Nôi Do Thái”.

Cuối cùng cũng chỉ là một lần lạnh sống lưng thôi. Chậm nhất là khi đứng trên chiếc tháp cao 60 m của tòa thị chính nhìn xuống cả một biển những mái nhà có đầu hồi luôn luôn quay ra đường chính thì người ta sẽ quên đi những quái thai của sự đồi bại của con người. Ngôi nhà thị chính với nhiều phần từ thời Gothic và Phục Hưng, cửa sổ lồi, tháp có cầu thang và hành lang mái vòm phía trước thật sự là một trong những nhà thị chính đẹp nhất của Nam Đức.

Cổng thành thời Trung cổ. Ảnh: Phan Ba

Cổng thành thời Trung cổ. Ảnh: Phan Ba

Được chụp hình nhiều nhất là ngã rẽ thơ mộng tại Plönlein, ở cuối đường có tên là Untere Schmiedgasse trước Tháp Sieber. Con đường đi dọc theo bức tường thành bao bọc khắp cả thành phố có những thành lũy phòng sự kiên cố và tháp cao chót vót cũng rất đẹp.

Và nhất định phải tham quan bệ thờ 12 tông đồ được tạo tác từ Ulm năm 1466 tại bệ thờ phía đông của St.-Jakobs-Kirche tức Nhà thờ Thánh Giacôbê và bệ thờ máu thánh của Tilman Riemenschneider tại bệ thờ phía tây (khoảng 1500).

Cũng đáng công đến thăm là Nhà bảo tàng thành phố (Reichsstadtmuseum), trong đó, ngoài những hiện vật trưng bày khác là bộ tranh rất có giá trị về những nỗi khổ hình của Chúa Giêsu, được gọi là Rothenburger Passion (1494). Viện bảo tàng nguyên là tu viện của các nữ tu sĩ dòng Đa Minh, được thành lập năm 1258. Các nữ tu sĩ mất chi nhánh này sau khi thành phố theo đạo Tin Lành năm 1554.

Thời toàn cầu hóa nên chẳng có gì là lạ khi ngành công nghiệp du lịch phát đạt thường đặt hàng ở Viễn Đông và người du khách Trung Quốc lại mang về nhà vật kỷ niệm Rothenburg được sản xuất ngay tại quê hương của họ. Muốn mua hàng sản xuất tại địa phương phải vào “Làng Giáng Sinh” nổi tiếng thế giới của Käthe Wohlfahrt trên đường có tên là Herrengasse. Ở đây có thể thưởng thức không khí Giáng Sinh thơ mộng quanh năm suốt tháng trong bảo tàng chuyên về đề tài Giáng Sinh và mua quà Giáng Sinh trong cửa hiệu kế cận.

Vào lúc trời sẫm tối, khi thành phố chìm vào trong một ánh sáng huyền ảo và các đoàn xe buýt du lịch đã rời khỏi Rothenburg, có thể tháp tùng theo người gác đêm, đi lang thang trong các ngõ hẻm. Lúc đấy không khí yên tịnh và lãng mạn mới trở về với Rothenburg.

Bài và ảnh: Phan Ba

Xem thêm hình ảnh trên Facebook : Thơ mộng Trung cổ khổ nhỏ

 

7 thoughts on “Rothenburg ob der Taube: thơ mộng Trung cổ khổ nhỏ

  1. Pingback: Tin thứ Sáu, 16-11-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Sáu, 16-11-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 16-11-2012 | bahaidao2

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 16-11-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  5. Em thấy anh Ba hay có những entries về những thành phố thời trung cổ, còn em thì rất quan tâm đến châu Âu trung cổ, tủ sách của em có cuốn “Cuộc sống thời trung cổ”, em đọc đi đọc lại mấy lần, và trong lòng hay mong muốn một cuộc sống lặng lẽ như vậy. Cứ xem những bức ảnh về châu Âu trung cổ là em cảm thấy một sự u hoài, mang mác buồn trong lòng mình. Cái cảm giác này có lẽ bắt nguồn từ cuộc sống thời thơ ấu của em những năm 1980, hồi nhỏ em sống với ông bà nội ở một vùng quê ngoại thành Hải Phòng, vùng đó là thiên chúa giáo toàn tòng, có một nhà thờ do người Pháp xây từ những năm 1950 ở giữa làng, to và kiến trúc như một nhà thờ châu Âu trung cổ, cứ sáng sớm, trưa, chiều là chuông nhà thờ ngân vang, nghe tiếng chuông là ở nhà ông bà bảo em dọn cơm (tất nhiên trừ sáng sớm), ăn rồi còn đi lễ ở nhà thờ. Làng thì cây xanh ngát, tre reo rì rào theo gió, ao hồ, sông nước trong văn vắt. Chim chóc sao mà nhiều vô kể, cứ sáng sớm, mặt trời lên là đầu nhà có mấy con chào mào trên cây me lại hót đinh tai. Cảnh làng quê này có lẽ giống làng quê châu Âu trung cổ. Giờ thì làng quê không còn cái thần tiên đó nữa, nếp sống công nghiệp đã lan đến tận từng ngõ xóm rồi, và lòng mình cũng đã khác xưa. Đấy có lẽ là nguyên nhân em yêu thích thời trung cổ của châu Âu.

  6. Pingback: -Rothenburg ob der Taube: thơ mộng Trung cổ khổ nhỏ « ttxcc6

Bình luận về bài viết này