Sau 30/4, không chỉ ở Đài tôi mà ở bất kỳ đơn vị nào, cán bộ tập kết là dân Nam Bộ đều xin về quê sạch hết. Chỉ có cán bộ là dân miền trung và khu 5 thì đa phần là ở lại. Và lúc này, Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên, biên tập viên, người thì xin về Nam, người thì sang các bộ phận khác của Đài. Tôi được phân về chương trình phát thanh “Trên miền Bắc XHCN”, một chương trình phát thanh “nối tiếp” các chương trình phát thanh vào Nam của Ban miền Nam trước đây, nhằm giới thiệu các “thành tựu” xây dựng CHXH ở miền Bắc cho đồng bào miền Nam mới được giải phóng(!)
Đề tài thật là rộng lớn, đủ mọi lãnh vực. Các phóng viên của chương trình thỏa sức vẫy vùng. Mới ngoài 30, đang sức lực trẻ, tôi hăm hở đi mọi nơi, mọi vùng trên miền Bắc, từ vùng than Quảng Ninh đến miền núi, miền xuôi. Ngoài viết cho Đài tôi còn viết cho báo Nhân Dân mục “Nông thôn mới”, do nhà báo Trần Minh Tân ở Ban nông nghiệp báo phụ trách. Rồi còn viết cho mục “Đó đây cuộc sống con người” của báo Văn Nghệ Hội Nhà văn do nhà văn Trần Hoài Dương phụ trách. Tôi còn viết cho cả báo QĐND do các anh Thụy Vũ, Trịnh Tường của báo đặt bài. Được các đồng nghiệp ở báo Nhân Dân động viên là người “đi đâu viết đó, viết đâu ra đó”, tôi càng hăng say có mặt “trên từng cây số”. Bây giờ, “những chiều gió tím mây xanh” rảnh rỗi ngồi đọc những bài báo còn giữ được, nhớ lại những nơi mình đã đi, đã đến, tiếp xúc với bà con cô bác để lấy tin, viết bài… sao tôi nhớ những ngày ấy quá. Những ngày đó tôi vô tư, tin tưởng vào hy vọng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Qua lao động say sưa và lăn lộn với cuộc sống nên tay nghề của tôi được nâng lên rõ rệt. Các bậc đàn anh cho tôi nhiều kinh nghiệm làm báo. Có lần, tôi đưa một bản thảo viết tay dập xóa nhiều lần cho trung tá Thụy Vũ ở báo QĐND với băn khoăn là bản thảo của mình dập xóa nhiều quá (tôi không biết đánh máy). Anh Thụy Vũ cười nói: mình lại thích những bản thảo viết tay dập xóa như thế. Nhìn vào, mình sẽ biết cậu đã nghĩ gì, rồi nghĩ lại mà xóa đi. Biết được dòng chảy tư duy của cậu. Nhìn một bản thảo đánh máy sạch sẽ, không thấy được điều đó. Cái thời ấy, các anh lớn tuổi ở các tòa báo làm việc đầy trách nhiệm như thế, nâng niu cộng tác viên như thế. Tôi đã theo nhà báo đàn anh Trần Minh Tân trên mọi nẻo đường vất vả. Theo anh từ lúc đi lấy tài liệu, cách hỏi han đối tượng khai thác tin tức, rồi đọc bản thào anh viết, đọc bài của anh khi đã đăng trên báo … và rút ra được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, tôi học tập được ở các nhà báo thế hệ đó đạo đức nghề nghiệp. Có lần, tôi đi với bác Minh Tân đến vùng trồng rau xanh của huyện Thanh Trì, vành đai cung cấp rau quả cho thủ đô Hà Nội. Trời rét như cắt ruột mà phải lội bộ hàng cây số ngoài đê sông Hồng. Đến trưa đói thắt ruột mà bí thư huyện ủy chỉ đưa cho bác Minh Tân vài các bánh quy rắn như đá. Vậy mà bác vừa đi vừa ăn trong gió rét. Đến chiều, chiếc xe com-măng-ca ọc ạch của báo Nhân Dân đưa bác về thẳng tòa soạn để bác làm việc ngay. Thế là sáng hôm sau tôi đã được đọc bài của bác trên báo. Bài viết nói về những vấn đề đặt ra cho vành đai rau xanh của Hà Nội, bài viết “đâu ra đó”!
Tiếp tục đọc →