Nhật ký sau giải phóng (56)

Đàm phán tái thống nhất

12/11/1975

Hoạt động tung tin đồn của những người cho rằng họ biết rõ về một giải pháp riêng cho miền Nam, và qua đó hẳn là thố lộ những hy vọng mang tính chống cộng sản riêng của họ, đã bất ngờ thất bại hoàn toàn. Trên những dòng tít thật lớn trên báo Tin Sáng vào ngày 10 tháng 11: Hai miền Nam và Bắc bắt đầu những cuộc đàm phán hữu nghị về việc thống nhất đất nước. Vào cuối tuần đã có một hội nghị với các quan chức cao cấp thuộc các lực lượng giải phóng của miền Nam: 24 cán bộ của MTGP, 9 của liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình nổi tiếng, 9 từ Chính phủ Cách mạng Lâm thời, 2 từ ban cố vấn họ và 21 trí thức yêu nước. Từ những người này, họ đã chọn ra một nhóm 25 người, được giới thiệu trên báo chí với tên họ và hình ảnh, cũng như một nhóm cùng số lượng như vậy từ Bắc Việt Nam mà thành phần của nhóm này rõ ràng đã được quyết định trước.

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Nhóm người của Nam Việt Nam do Phạm Hùng dẫn đầu, người lâu nay đã được cho là đứng đầu phe muốn thống nhất ngay lập tức, nhưng hiếm khi xuất hiện công khai. Phạm Hùng là thành viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bí thư Đảng ở miền Nam và là đại biểu của Đảng trong MTGP. Nhóm người đại diện cho miền Nam được lựa chọn tương đối tốt. Trong đó cũng có các chức sắc yêu nước của nhà thờ, cả của đạo Hòa Hảo cũng như các đại diện khác như bà Bình, người mà ở đây được xem như là một đại diện rõ ràng cho một giải pháp riêng cho miền Nam. Các phái đoàn có nhiệm vụ trao đổi về bầu cử và thiết lập các bộ chung. Trên báo chí của ngày tiếp theo sau đó, ngày thứ ba, vẫn còn đầy những phản ứng trong miền Nam về ý muốn nhanh chóng thống nhất, về những cuộc gặp gỡ mà diễn tiến này được hân hoan chào mừng ở trong đó, và về ý kiến của những đại diện quan trọng trong giới công chúng như tổng giám mục Sài Gòn, ông Bình. Người này dường như cũng rất vui mừng về diễn tiến này.

Sáng sớm hôm nay, chúng tôi bất ngờ bị kẹt xe, vì các đường phố quanh dinh Độc Lập bị chận lại. Nhiều học sinh và phụ nữ đứng dọc theo con đường Cách Mạng ngày trước, bây giờ là đường Giải Phóng, với lá cờ nhỏ của miền Bắc và miền Nam và với băng rôn. Tôi không thể nhận biết là vì việc gì. Các tấm băng rôn chỉ biểu lộ sự chào mừng lần thống nhất. Rõ ràng là người ta chờ ai đó từ phi trường. Vào tối đó, BBC cũng không đưa tin gì cụ thể. Chỉ là có một phái đoàn từ miền Bắc đã vào để bàn về việc thống nhất. Cả bà nữ Bộ trưởng Bộ Xã hội từ Bắc Việt Nam cũng được cho là đã vào đây. Các chương trình làm việc mà người nữ Thứ trưởng trong miền Nam đã tiến hành cho tới nay được cho là đã bị ngưng lại. Tất cả những điều này là chỉ dấu tới một giải pháp sắp sửa có cho câu hỏi thống nhất như thế nào, và BBC thậm chí còn biết rằng nó sẽ được giải quyết vào đầu năm tới đây.

Trên những con đường phố được trang hoàng bằng cờ Nam và Bắc, người ta nhìn thấy rất nhiều quân nhân và cảnh sát ăn mặc khác thường trong những bộ quân phục trắng dành cho lễ hội với chiếc nón tròn, như đã nhìn thấy chúng ở Nga. Rõ ràng mệnh lệnh đã được ban hành, rằng hãy giương cao cờ cho tới ngày 25 tháng 11, cho tới ngày kết thúc thương lượng theo dự định. Lực lượng an ninh trông có vẻ hơi căng thẳng. Người ta hay bắn súng trong thành phố, đặc biệt là về ban đêm. Có lẽ là các lực lượng an ninh xuất phát từ miền Bắc và còn chưa quen với cuộc sống lộn xộn của Sài Gòn. Có thể là ngày mai báo chí sẽ tường thuật cụ thể hơn về những gì sẽ xảy ra và ai đã đến.

Đọc những bài khác ở trang Nhật ký sau giải phóng

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)

Bình luận về bài viết này