Cánh cổng mở rộng

Christoph Hein/Udo Schmidt

Phan Ba trích dịch từ “Miến Điện/Myanmar – Con đường gian truân đi tới tự do”

Dân tìm kho báu chiếm lĩnh Rangoon

Cái nóng nực của ban ngày vẫn còn đè nặng nề lên trên thành phố. Mặt trời đang lặn để cho cái đỉnh tháp bằng vàng của ngôi chùa Shwedagon sáng rực. Ở đây, trên sân thượng, có một làn gió nhẹ thổi mát, con người nhún nhảy theo điệu nhạc từ những cái loa to màu đen. Ai ở đây, người đấy thuộc vào trong số những người thắng cuộc của Myanmar mới: doanh nhân và những người thừa hưởng gia tài, người làm trong ngành quảng cáo và chuyên gia máy tính, giám đốc và nhà ngoại giao, phụ nữ đẹp và đàn ông mặc sơ mi hở một khuy áo. Ánh sáng màu hồng của một quán hát karaoke buồn tẻ đang chập chờn trong ngôi nhà cao tầng đối diện. Những đôi mắt sáng lên trên sân thượng. “Bây giờ thì chúng tôi có được cơ hội mà chúng tôi cần”, U Moe Kyaw nói. “Nếu bây giờ mà Phương Tây không giúp đỡ chúng tôi thì rồi chúng tôi sẽ rơi vào tay của Trung Quốc nhiều thập niên. Nhưng thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng thắng cuộc.”

Chùa Shwedagon. Hình: GEO

Chùa Shwedagon. Hình: GEO

Buổi tiệc đã bắt đầu – không chỉ trên mái nhà của chiếc tháp văn phòng này mà U Mow Kyaw mướn ba tầng ở trong đó. Với tập đoàn nhỏ của ông, cái xuất bản quyển Trang Vàng đầu tiên nặng hàng kí lô của trung tâm kinh tế Rangoon, nhận quảng cáo, tiến hành nghiên cứu thị trường, ông đứng ở hàng đầu của lần bùng nổ. “Cho tới nay thì chính phủ đã sống nhờ vào ba chữ C: quan hệ [contact], kiểm soát [control], chỉ huy [command]. Bây giờ thì có thêm cái thứ tư nữa: quan tâm lo lắng”, người đàn ông bốn mươi bảy tuổi nói. “Và nó sẽ thay đổi tất cả.”

Vào đầu năm 2011, Myanmar đã cởi bỏ sự tồn tại của nó như là nền độc tài quân sự tồi tệ nhất của Đông Nam Á như cởi bỏ một bộ quân phục cũ. Các tướng lĩnh trở thành người dân thường, những người tự gọi mình là nhà dân chủ – nhưng họ vẫn tiếp tục có quyền quyết định trong chính phủ. Đường lối của Myanmar khiến cho người ta nghĩ đến việc lái ô tô trên một con đường cao tốc về đêm mà không có đèn xe: có một ý tưởng cho mục đích, nhưng con đường thì nằm trong bóng tối. Đổi hướng hay quay ngược lại là không thể. Hương thơm của tự do đã phủ lên đất nước này, lơ lững như một đám mây mềm mại trên các thành phố và trên những ngôi nhà ở nông thôn. Ai cũng hít thở nó. Hầu như vẫn còn chưa có ai biết mình cần phải làm gì với sự tự do này. Nhưng cần phải tiến lên. Với nhiều cơ hội hơn nữa. Nhiều tiền hơn. Và con cái sau này cần phải sống tốt hơn là cha mẹ của chúng.

Min Lyat Chan biết điều đấy có cảm giác như thế nào. Anh được gọi là Kenmin, có thân hình như một nhà thể thao chuyên nghiệp, nét thu hút của một người thành công và một nghề nghiệp mà ai cũng ganh tỵ với anh: anh dạy trong một trung tâm về an toàn cho công nhân dầu mỏ và thủy thủ. Nó được xây dựng bởi công ty Đức Uniteam Marine, một doanh nghiệp hạng vừa, cung cấp thủy thủ đoàn Miến Điện cho tàu đi biển. Bên cạnh đó, với Savoy, Uniteam cũng khánh thành một trong những khách sạn đẹp nhất thành phố. Con đường thăng tiến của Kenmin cũng bắt đầu ở đó: người chỉ huy trung tâm an toàn chú ý đến người bồi bàn. Ông nhận người đàn ông trẻ tuổi biết nói tiếng Anh tốt đó vào làm việc như là huấn luyện viên. Gửi anh đến trường đại học vào buổi tối để học thêm một ít về tâm lý học. Ngày nay, Kenmin hai mươi sáu tuổi huấn luyện cho công nhân dầu mỏ để họ sống sót được khi chiếc máy bay trực thăng của họ rơi ngoài biển khơi và cho thủy thủ, để họ tự cứu mình lúc đắm tàu. Từ số tiền năm trăm dollar mà anh ấy nhận được hàng tháng như là huyến luyện viên, anh gửi một nửa về nhà cho cha mẹ của anh. Hàng ngày, anh ấy lặn xuống bể huấn luyện lớn nhiều lần. Sếp của anh ấy, người Hà Lan Paul van Empel, xác nhận như một ông thần thời tiết: “Chúng tôi có thể tạo ra mưa và bão, sương mù và sóng ở đây”, van Empel nói. Rồi ông ấn vào một cái nút, thế là có một cơn bão nổi lên trong cái hồ bơi khổng lồ ở ngoại ô của Rangoon.

Nếu như cũng đơn giản như thế với tự do – ấn vào một cái nút và rồi tập luyện cách làm thế nào để sống sót qua được. “Bây giờ mọi việc tiến triển nhanh lắm”, Kenmin cũng nói. “Không phải ai cũng chuẩn bị trước cả. Tôi hy vọng là chúng tôi không bị người nước ngoài tràn ngập.” Anh có thể nắm bắt được lần bùng nổ bằng cả hai tay. “Trước đây hai năm, điện thoại di động còn có giá một ngàn dollar ở chỗ chúng tôi – bây giờ chúng tôi có chúng với hai trăm dollar.” Rồi anh nói: “Tôi có cơ hội để giàu lên.” Và anh nói điều đó giống như trẻ em đi học ở Đức kể về món quá Giáng Sinh đẹp nhất của các em.

Kenmin nhìn thấy rõ các mục đích của anh ở trước mắt. Nhưng đối với đất nước của an thì con đường còn dài. Myanmar – ở đây đã có những viên tướng không ngần ngại giết người, tra tấn, lấy cắp. Lính của họ truy đuổi các nhà sư trong chiếc áo cà sa màu đỏ của họ qua đường phố Rangoon, bắn chết phóng viên, hành hạ những người chống đối, bán rẻ nguyên liệu của đất nước. Cái bây giờ đang lột xác thành hình là một đất nước phụ thuộc vào Trung Quốc mà trong đó giới tinh hoa đang làm giàu quá đáng và xem người dân như là nô lệ lao động. Gỗ nhiệt đới và ngọc thạch, thuốc phiện và dầu mỏ, tất cả đều đi qua biên giới Trung Quốc, có những thứ nào đó sang Ấn Độ và Thái Lan. Năm 1862, Miến Điện là một trong những nước đầu tiên của Trái Đất xuất khẩu thùng dầu đầu tiên của mình. Vẫn còn dưới sự thống trị của Anh quốc, nó là nước giàu nhất Đông Nam Á, được ban phúc lành với khoáng sản và di tích văn hóa. Ai cai trị nó thì đã có quyền lực chỉ vì vị trí địa lý – một cái nêm nằm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, với một bờ biển dài đến Vịnh Bengal.

Chủ nghĩa Tư bản Bóc lột tiếp tục diễn ra dưới thời của các viên tướng. Nó dẫn đất nước đi đến chỗ phá sản nhà nước. Thống kê được làm giả, nợ không được trả – cho tới cuối 2012, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn chờ hơn bốn trăm chín mươi triệu dollar mà họ đã từng chuyển giao cho chính phủ. Trong khi các viên tướng đưa ra tỷ lệ tăng trưởng là mười lăm phần trăm thì các phái viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định một tốc độ tăng trưởng thật sự là hơn năm phần trăm. Không có hệ thống tài chính, không có hệ thống ngân hàng, không có máy rút tiền tự động, nhưng có ba tỷ giá hối đoái. Năm 2007, một nửa các đầu tư nước ngoài chảy vào khu vực dầu và khí đốt. Các viên tướng nhét một phần tư ngân sách vào trong vũ khí. Vẫn còn lâu mới có được một cân bằng với các dân tộc thiểu số. Không có một xã hội dân sự đang hoạt động, không có hệ thống tư pháp, không có bảo đảm cho đầu tư. Họ nhốt người nhận Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi trong nhà của bà ở cạnh hồ nước mười lăm năm trời. Sau khi được trả tự do, bà cảnh báo giới doanh nhân Phương Tây trước một sự lạc quan nhẹ dạ: “Cần nên có một sự hoài nghi đúng mực.” Nhưng người anh của bà, bất hòa với bà, thì được phép xây một biệt thự khổng lồ ở cạnh bờ của con sông Irrawaddy, trong Bagan thiêng liêng. Củ cải và cây gậy, lọ mật ong và cây súng máy, đó là chiến lược của “Men in Green”.

Ngôi nhà nơi bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia. Hình: telegraph.co.uk

Ngôi nhà nơi bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia. Hình: telegraph.co.uk

Cơn bão Nargis năm 2008 đã chiến thắng giới quân sự. “Lúc đấy, các viên tướng đã nhận ra rằng người Miến Điện chúng tôi không nản lòng, đoàn kết với nhau”, Zaw Oo nói. Ông đã thành lập nhóm hoạt động Loka Ahlinn, tạo nên nhiều thứ trong bí mật. “Rồi sau Nargis, mùa Xuân Ả Rập đã giúp chúng tôi. Mãi đến lúc đấy các viên tướng mới sợ thật sự.” Đã từ lâu, Zaw Oo không còn tin vào cái tốt trong nhà độc tài nữa. “Không có cánh cửa nào mở ra cả. Các viên tướng đã đứng ở cạnh bờ vực sâu. Họ đã làm cho đất nước này suy tàn. Người dân đứng đối lập với họ. Các viên tướng phải đến với họ. Hay là nhảy qua.” Thế giới ghi nhận các thay đổi đó, khi người Miến Điện bất thình lình mở lời với Trung Quốc, thế lực bảo vệ họ, rằng họ sẽ không cho xây một con đập nước mà điện của nó đang được người Trung Quốc cần đến. “Đó là điểm ngoặc”, Tin Maung Thann nói. Ông là một trong những người đang được cần đến nhiều nhất của Myanmar. Vì tất cả họ đều gõ cửa tại tổ chức phi chính phủ Egress do ông lãnh đạo: các quỹ và chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo kinh tế. “Chắc chắn là cuộc Cách mạng Ả Rập đã giúp đỡ, vì những người cầm quyền bắt đầu sợ, số phận giống như thế đe dọa họ. Thêm vào đó là áp lực của những nước Đông Nam Á láng giềng, những nước muốn cuối cùng rồi cũng tiến lên được mà không phải luôn biện hộ cho nền độc tài trong hàng ngũ của họ.” U Moe Kyaw thì nhìn khác đi: “Mười lăm phần trăm của mười dollar thì không nhiều bằng năm phần trăm của một ngàn dollar”, doanh nhân này nói. Điều mà ông muốn nói: Tầng lớp thượng lưu của Myanmar cũ đã nhận ra rằng họ sẽ có được nhiều hơn, nếu như họ không chỉ thực hiện những cuộc kinh doanh đen tối với người Trung Quốc. “Không ai thích người Trung Quốc cả. Nhưng chính là Phương Tây với những biện pháp trừng phạt mới đẩy chúng tôi vào tay của họ”, sếp Egress Tin Maung Thann nói.

Cái nóng oi bức của Myanmar để cho đầu kêu o o, huyền thoại xuất hiện ở đây tại ly Whiskey đầu tiên. Bước ngoặc của các viên tướng tạo chỗ cho sự cay độc. Một trong các doanh nhân nước ngoài trong Rangoon, người dễ hiểu là không muốn được nêu tên ra, nhìn lần mở cửa như thế này: các tập đoàn Phương Tây nhất định muốn đến với các lọ mật ong của Miến Điện, đặc biệt là dầu và khí đốt. Vì các viên tướng đã trở thành đa triệu phú ngay từ lúc người Trung Quốc bóc lột rồi, nên họ đi đến quan điểm rằng đất nước bây giờ đã trưởng thành đủ để mở cửa. Vì giả như có thêm một biển máu nữa thì có nguy hiểm là họ sẽ mất đi tất cả. Nhưng Phương Tây thì cần nhượng bộ về chính trị, để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt. Vì thế người ta đã dâng lên cho Phương Tây lần bầu Aung San Suu Kyi vào Quốc hội trên một cái khay bạc. “Một bước ngoặc một trăm tám mươi độ”, người đàn ông nói. “Trước kia, bà ấy không được phép vào Quốc Hội trong bất cứ trường hợp nào. Sau lần bầu hồi giữa tháng 4 thì bà ấy nhất định phải vào.” Bà ấy là chiếc lá nho mà cuối cùng rồi cũng tạo khả năng cho các tập đoàn Phương Tây công khai bước vào Myanmar. Sau đó, bà ấy sẽ bị – “từ tuyệt vời đấy trong tiếng Đức của các anh là như thế nào nhỉ? À vâng, ‘vô hiệu hóa'”. Có những người nào đó nhìn tương lai của Myanmar như thế này: Chỉ cải cách vừa đủ để cho con đường với ASEAN và cho một sự cân bằng với Phương Tây vẫn còn tự do. Mở cửa về kinh tế, nhưng vẫn tiếp tục có một môi trường đầu tư cực kỳ khó khăn.

Dẫu sao thì sự quan tâm đã hầu như không thể còn kìm hãm lại được nữa: các phái đoàn và phái viên của doanh nghiệp, người môi giới, tư vấn và giới ngân hàng đang đi khắp Rangoon. Ai cũng muốn là người đầu tiên khi cánh cổng tiền mở ra. Sẽ không lâu nữa đâu. Cho tới cuối 2012, người Mỹ đã bãi bỏ một vài biện pháp trừng phạt, người Âu đã bãi bỏ trên quy mô rộng lớn, Nhật Bản xóa bốn tỷ rưỡi tiền nợ cho Myanmar, hứa hẹn những khoản cho vay mới, xây thị trường chứng khoán và một nhà máy mô tô. “Lúc trước, chúng tôi có một thư hỏi trong một tháng, bây giờ là hai trong một ngày”, Chit Su Wai thuật lại, người nhiều năm trời đã giữ chỗ cho Hiệp hội Đông Á [của các doanh nghiệp Đức] tại một văn phòng sáng sủa trong tầng hầm của khách sạn Inya Lake ở Rangoon. Giá cổ phiếu của Yoma Holdings, công ty mà người Miến Điện Serge Pun ở Singapore đã thành lập, tăng bốn trăm chín mươi ba phần trăm trong vòng một năm, sau khi sự mở cửa đã có thể nhìn thấy rõ được. Vì Pun có giấy phép để nhập xe tải Đông Phong của Trung Quốc vào Miến Điện, xây nhà ở, và ông ấy sở hữu đất ruộng.

Chùa Sule về đêm

Chùa Sule về đêm

Italian Thai Development xoay một cái bánh xe may mắn thật to khác: tập đoàn xây dựng Thái Lan này muốn phát triển một cảng nước sâu, một nhà máy điện và đặc khu kinh tế đầu tiên với gần mười ba tỉ dollar. “Họ đã thỏa thuận trước với các viên tướng rồi”, Zaw Oo cay đắng nói. “Nhưng chúng tôi sẽ ngăn chận không cho họ cung cấp tất cả điện sang Thái Lan và chỉ có các doanh nghiệp ở đấy là kiếm được tiền thôi.” Ai thính mũi thì đã nhờ bù nhìn mua từ lâu. Giá cả cho hộ ở trong khách sạn đã tăng gấp đôi trong vòng sáu tháng. Để mua một căn hộ nhỏ thì người ta phải cần đến một chiếc xe tải, hàng chục cái bao chứa đầy tiền giấy kyat và tám người canh giữ và khuân vác. Họ mang tiền mặt đến cho người bán, sau đó mới có chìa khóa. Nhà tư vấn đầu tư từ thành phố München Jens Erhardt đã cùng với bạn bè xây một khách sạn năm sao ở cạnh bãi biển. “Myanmar là một cái mỏ vàng, người ta nhìn từ hướng nào thì cũng thế – nguyên liệu, khí đốt và dầu mỏ, quy mô khổng lồ, vị trí giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Tăng trưởng sẽ đến từ mọi hướng, người ta đổ đến đây từ mọi xó xỉnh của thế giới. Không có một chuyến bay nào, không có một khách sạn nào mà không có doanh nhân đã đặt trước”, Craig Steffensen mô tả tình hình. Ông chịu trách nhiệm cho Myanmar tại ADB.

Trong khi đấy thì xây dựng Myanmar sẽ khó khăn hơn là vẻ ngoài. Cái nhìn sang biên giới cho thấy điều đó: Thái Lan, nền kinh tế quốc dân lớn thứ nhì của Đông Nam Á, với sáu mươi triệu người cũng có số dân cư khoảng chừng như Miến Điện. “Nhưng những khác biệt khiến cho người ta bật ngữa: khách du lịch đến thăm Thái Lan trong một tuần nhiều như khách đến Myanmar trong cả năm 2011. Số người có ô tô ở Myanmar chỉ bằng khoảng sáu phần trăm của con số đấy ở Thái Lan, số người có điện thoại di động chỉ bằng một phần trăm trong nước láng giềng”, Ian Gisbourne nói, người đã soi sáng cơ hội đầu tư ở Myanmar cho ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Cấu trúc quyền lực trong nước cho tới nay hầu như không thay đổi – nó chỉ được mặc cho y phục khác đi thôi, những nhà phê phán nói. Tin Maung Thann nhìn kỹ hơn: “Quá trình chính trị bây giờ đang đi trên con đường đúng đắn. Nhưng để xây dựng nền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi cần một mô hình nào đó, một thời biểu. Nhưng không có mô hình cho một việc như thế này”, Tin Maung Thann nói, nhà tư tưởng của Egress. “Chúng tôi không còn có thể áp dụng các học thuyết của thế kỷ 20, của cuộc xây dựng Hàn Quốc, Đông Đức hay Indonesia được nữa. Vì cuối cùng thì chúng ta đang ở trong thế kỷ 21.” Điện bị mất trong khoảng khắc này trong văn phòng của ông, cái máy điều hòa nhiệt độ lặng câm.

Con người đã quen với việc đấy. Nhưng vẫn còn chưa quen với tự do. Nhà đấu tranh cho quyền công dân Zaw Oo bây giờ được phép nói thẳng. Nhưng ông thì thầm khi nói về giới quân đội. Tin Maung Thann nhận được rất nhiều tiền viện trợ. Nhưng ông phải biện hộ trước những người phê phán trong nước và nhấn mạnh rằng Egress vào thời độc tài “đứng gần các thể chế, không đứng gần các cá nhân”. U Moe Kyaw cùng gia đình lần đầu tiên bay đến nơi có tuyết, đến Thụy Sĩ. Và rên lên, rằng giám đốc từ Mỹ của ông thu nhập một tháng bằng một trăm cô nhân viên điện thoại Miến Điện của ông. Và anh Min Lyat Chan trẻ tuổi hy vọng, rằng nhiều người đồng hương của anh từ Mỹ bây giờ sẽ trở về Myanmar mới – chính anh thì anh lại muốn sang Singapore để kiếm tiền. Các biến đổi này khiến cho người ta nghẹt thở. Các vết thương không có thời gian để mà lành lại nữa. Khi vượt qua một chiếc xe tải với quân lính, người tài xế taxi trong Rangoon nói: “Giới quân đội trông như người. Thật sự thì họ là thú.” Mới trước đây một năm, ông chắc chắc là chỉ dám nhìn xuống.

Christoph Hein/Udo Schmidt

Phan Ba dịch

Đọc các bài khác ở trang Con đường Miến Điện