Hòn đảo của những kẻ ăn thịt người

Kế hoạch di dân đầy tội ác của Stalin

Fabienne Hurst

Phan Ba dịch theo Spiegel Online

Để thanh lọc những người được cho là chống chính quyền ra khỏi các thành phố, năm 1933 nhà độc tài Xô viết Stalin đã vứt tròn 6000 người lên hòn đảo hoang Nasino trên sông Ob. Đói ăn và sợ chết đã đẩy những người bị tù đày đó tới những hành động tuyệt vọng ghê sợ.

Trại lao động Birobidzhan, Siberia, năm 1954. Ảnh: AP

Trại lao động Birobidzhan, Siberia, năm 1954. Ảnh: AP

Khi có ánh nắng mặt trời, đảo Nasino ngày nay trông giống như một nơi nghỉ dưỡng: nằm giữa con sông Ob ở Siberia, cách xa bờ, có một cánh rừng bạch dương ở trên đó. Thế nhưng vào đầu mùa Hè 1933, khi có một gia đình đi thuyền ngang qua để tìm củi, họ không tin vào mắt của họ nữa: “Dọc theo bờ sông có những miếng thịt được quấn vào trong giẻ”, Taissja, người con gái lúc đó 13 tuổi nhớ lại. Đó là tay chân người, được treo trên cây.

Tường thuật của Tassja năm 1989 chỉ là một phần của số tài liệu có quy mô lớn được lưu trữ lại, những cái đã tạo khả năng cho sử gia người Pháp Nicolas Werth có thể tái dựng lại những gì đã xảy ra trên hòn đảo Nasino ở Siberia: 6000 người bị cho là chống chính quyền đã bị đày đi tới đó – và đã chấm dứt trong tình cảnh ăn thịt người. “Tấn thảm kịch Nasino” là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử bắt đi lưu đày của Stalin.

“Những phần tử có hại”

Vào ngày 5 tháng Năm 1933 – con sông Ob vẫn còn đóng băng – Dimitri Zepkov, viên chỉ huy của vùng Alexandro-Wachovskaja, nhận được một bức điện tín: Cơ quan quản lý trại Siberia thông báo trước, rằng ông cần phải chuẩn bị để đón nhận “những phần tử có hại từ Tomsk”, “ngay khi điều kiện cho phép tàu thủy khởi hành”. Con số của những người bị bắt đi lưu đày: “năm tới sáu ngàn người”.

Bị Stalin cho là những “kẻ phản cách mạng”, những người đó vào lúc đầu bị đưa vào trong một trại trung chuyển và rồi bị mang tới một trại lao động ở Bắc Siberia, để khai khẩn đất. Những người tù này phần lớn là tội phạm hình sự nhẹ, nhưng cũng có một số người dân thường ở trong đó mà tội phạm duy nhất của họ là đã quên giấy tờ tùy thân trong một cuộc khám xét trên đường phố.

“Họ điên rồi à”, người ta cho rằng Dimitri Zepkov đã nói to lên như thế khi ông đọc được mệnh lệnh. “Tôi phải nhét ngay 5000 tội phạm hình sự vào đâu bây giờ? Tôi thả cho họ tấn công người dân ở đây à? Họ sống bằng gì?” Zepkov quyết định mang họ đến một trong những nơi hoang vắng nhất nước: đảo Nasino trên sông, khoảng 500 kilômét ở phía Bắc của Tomsk.

Dài tròn ba kilômét và rộng 500 mét, mảnh đất bùn lầy đó thiếu tất cả những gì mà người ta cần có để tạo chỗ ở cho nhiều người: không có nhà ở lẫn vật liệu xây dựng, dụng cụ, thực phẩm, vật dụng nấu ăn hay chăm sóc cho người ốm. Zepkov hấp tấp trang bị vũ khí cho một vài giám thị để canh gác tù nhân; ngoài ra, ông gọi ba bác sĩ tới Nasino để theo dõi tình hình sức khỏe của những người bị đi đày.

Chốn ghê sợ: đảo Nasino trên sông Ob ở Siberia. Hình xuất phát từ phim tài phim "Hòn đảo của những kẻ ăn thịt người" ("L'île aux cannibales") của nhà làm phim người Pháp Cédric Condom. Hình: Kilaohm Productions

Chốn ghê sợ: đảo Nasino trên sông Ob ở Siberia. Hình xuất phát từ phim tài phim “Hòn đảo của những kẻ ăn thịt người” (“L’île aux cannibales”) của nhà làm phim người Pháp Cédric Condom. Hình: Kilaohm Productions

Hòn đảo khủng khiếp

Băng tuyết tan chảy vào giữa tháng Năm. Trong bốn chiếc sà lan thường dùng để chở thân cây, 4556 người đàn ông và 332 phụ nữ được mang lên đảo. Nhiều người yếu tới mức phải được lôi từ thuyền lên đảo. Có 27 người không sống qua được lần chuyên chở này.

Nhiệt độ chỉ vừa hơn 0 độ, trời bắt đầu rơi tuyết. Các tù nhân lạnh run, họ chỉ mặc trên mình những gì mà họ có trên người vào thời điểm bị bắt.

Cùng với những người bị đi đày, 20 tấn bột mì được dỡ lên đảo, đổ thành đống cạnh bờ sông. Zepkov và cộng sự tổ chức phân phát bột mì: mỗi người nửa kílô. Nhưng không có vật gì để ví dụ như làm bánh mì ra từ đó, còn chẳng có một vật chứa để trữ lại nữa. Vì thế mà những người đàn bà và đàn ông đó không còn có cách nào khác ngoài cách nhận khẩu phần của mình bằng một cái nón, một góc được căng ra của chiếc áo choàng hay bằng tay không được chắp lại thành một cái chén. Họ đào một lỗ ở dưới đất, hòa bột vào với nước sông và rồi húp nó. Trong lúc phân phát đã xảy ra đánh nhau, những người nổi loạn bị giám thị bắn chết. Chẳng bao lâu sau đó, việc phân phát bột mì cũng chấm dứt: không được bảo vệ trước thời tiết, đống dự trữ đó đã hư thối.

Trở thành những kẻ ăn thịt người

Các giám thị và một số tù nhân cai trị hòn đảo theo một cung cách thật đáng sợ, có cả một hệ thống kinh tế như thời ban sơ kèm theo nữa: giám thị bán năm con cá ướp muối đổi lấy một đôi giày, một chiếc áo choàng có giá là hai cái răng vàng, những cái răng mà tù nhân lấy ra từ hàm răng của người chết. Ai muốn gian lận trong các vụ mua bán hay muốn bỏ trốn đều bị hành hình.

Gulag: Trong Liên bang Xô viết dưới thời Stalin, cả một mạng lưới của những trại cưỡng bức lao động và trại giam cũng như nhà tù đã được xây dựng lên. Hệ thống này dùng để trấn áp. Sau khi kế hoạch "khai khẩn" những vùng đất hoang vắng thất bại, tù nhân bị giam trong trại. trong hình là một trại ở Dolinka. Hình: Reuters

Gulag: Trong Liên bang Xô viết dưới thời Stalin, cả một mạng lưới của những trại cưỡng bức lao động và trại giam cũng như nhà tù đã được xây dựng lên. Hệ thống này dùng để trấn áp. Sau khi kế hoạch “khai khẩn” những vùng đất hoang vắng thất bại, tù nhân bị giam trong trại. trong hình là một trại ở Dolinka. Hình: Reuters

Trong bản báo cáo của ngày 24 tháng 5, các bác sĩ ghi nhận 70 xác chết mới trên đảo, “tại năm trong số đó, gan, tim, phổi và những miếng thịt mềm (ngực, bắp chân) đã bị cắt đi”. Vẫn còn trong cùng ngày hôm đó, ba tù nhân dính máu trên tay và miệng bị bắt; các bác sĩ phát hiện ra thêm hàng chục xác chết không toàn thây khác.

Nhà sử học Werth tường thuật lại trường hợp của giám thị Kostjy Wanikov, một chàng trai trẻ tuổi, đã yêu một nữ tù nhân và đã cố bảo vệ cho cô gái đó. Vào một ngày nào đó, anh không thể đến nơi làm việc và đã nhờ đồng nghiệp của anh trông nom hộ. Thế nhưng người này không có quyền ra mệnh lệnh trên đảo. Khi Kostja trở về, thì người yêu của anh, bị trói vào một thân cây, đã chết vì mất máu. Tù nhân đã cắt ngực của cô ra để ăn.

Tình hình trên đảo còn trở nên tồi tệ hơn: Vào ngày 27 tháng Năm, một chiếc tàu vận tải đổ thêm lên đảo hàng ngàn người. Không còn có khả năng đối phó với tình thế, viên chỉ huy Zepkov đã xin phép được ban bí thư Đảng của khu Rayon cho chuyên chở tù nhân đến năm nơi khác, nằm tròn một trăm kilômét ngược dòng ở cạnh con sông phụ Nasina. Tuy vậy, hàng trăm người đã không sống sót qua được chuyến đi nhiều ngày đó và đã nâng con số đáng buồn của những người đã chết kể từ khi đến hòn đảo của những kẻ ăn thịt đồng loại lên tới 2000 người.

Chỉ trong vòng hai tuần, hòn đảo được dọn gần như trống vắng: vào ngày 12 tháng Sáu, Nasino chỉ còn 157 tù nhân. Theo các hồ sơ, chỉ có 2856 người là sống sót đến được những nơi được dự định trước trong Siberia, dấu vết của họ biến mất ở đó

Phá hoại kế hoạch di dân

Người ta biết tới tấn thảm kịch của Nasino là nhờ người là giảng viên Đảng và nhà báo trẻ tuổi Wassilij Velitshko: anh nghe được về những tình trạng tồi tệ trên hòn đảo và đã điều tra. Anh đã phát hiện ra rằng trong số những người bị đi đày có nhiều người dân trung thành với chế độ. Trong một bức thư, anh đã đề cập về việc này với Stalin, sau đó người này đã từ bỏ “kế hoạch di dân đặc biệt”.

Từ đó, “những phần tử có hại” được mang vào trại gulag. Cả viên chỉ huy Dimitri Zepkov cuối cùng cũng bị tuyên án ba năm trại cải tạo lao động. Cũng như những người chịu trách nhiệm khác, ông rất hối hận vì những hành vi của mình. Thế nhưng đặc biệt gây khó chịu cho ông không phải là cái chết đáng ghê sợ của hơn 3000 người mà ông cũng cùng có lỗi ở trong đó, mà là sự việc là đã phá hoại “kế hoạch khai khẩn vĩ đại” của Stalin.

Fabienne Hurst

Phan Ba dịch theo http://einestages.spiegel.de/s/tb/28625/kannibaleninsel-von-nasino.html