Học tiếng Mỹ như thế nào (hết)

Rồi người Mỹ dùng đến thi ca trong những mối liên quan rất đáng để ngạc nhiên. Việc họ vẫn còn gọi những chiếc xe buýt liên tỉnh của họ là greyhound chỉ là một ví dụ. Có thể tìm thấy những minh chứng khác cho thi ca trong mỗi một siêu thị. Một loại nước xúp rau cải cô đặc tự gọi mình là “Better than Bouillion”, một margarine có tên là “I can’t believe It’s not butter”, Ben & Jerry’s giới thiệu một loại kem với tên “Imagine whirled Peace”, được pha trộn bằng kẹo toffee và những dấu hiệu hòa bình nhỏ. Họ đã pha trộn tựa các bài hát “Give Peace A Chance” và “Imagine” của John Lennon cho cái tên này. Thật là ngạc nhiên khi Yoko Ono người vợ góa của ông ấy đã không kiện việc này ra tòa, nhưng có lẽ chính ông ấy cũng thích thú những lần nhào lộn ngôn ngữ như thế. Cuối cùng thì ông ấy và Paul McCartney đã viết “Lucy In the Sky with Diamonds” chỉ để có thể dấu trong tựa bài hát loại thuốc phiện LSD được họ ưa thích thời đấy.


Về mặt khác, tiếng Mỹ là một quyển sách được viết tiếp liên tục, và bằng đủ mọi ngôn ngữ khác nhau. Tầm quan trọng đang tăng lên nhanh chóng của tiếng Tây Ban Nha có thể được giải thích qua kết cấu dân số. Biển chỉ dẫn và quảng cáo dưới tàu điện ngầm vì thế mà thường là song ngữ. Ngoài ra còn có một sự tò mò của tri thức và một sự thúc đẩy phải khoe khoang bằng từ ngữ bằng tiếng nước ngoài. Ở Mỹ, việc đấy vì sự phân cách cho ngôn ngữ chuyên môn trong khoa học thì ít mà nhiều hơn là để làm cho người đối diện hay người đọc của mình ngạc nhiên, bằng cách chọn ra từ được cho là phù hợp nhất có thể tìm thấy được trong kho tàng của các ngôn ngữ quốc tế. Và những gì không phù hợp thì sẽ được làm cho phù hợp. Tôi vừa mới bắt gặp khái niệm “Googleganger”, một dãy nối tiếp của những âm yết hầu mô tả một hình thức rất hợp thời của bệnh tâm thần phân liệt. Vì ngày càng có nhiều người hiện diện hay được nhắc đến trong Internet nên thường có những trùng lặp khi người ta gõ tên của chính mình vào trong cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới: người ta tìm thấy “Googleganger” của mình.

Tiếng Đức nói chung dường như là niềm say mê bí mật của những người Mỹ yêu ngôn ngữ. Một phần tất nhiên là vì người Do Thái đã “schlepp” ngôn ngữ của họ đến đây. Một nhà quản lý bị lung lay bởi những cơn khủng hoảng là “kaput”, việc năng động tìm kiếm sự gần gũi với người khác được gọi là “schmoozing”, và các nhà phê bình văn hóa yêu sự khác biệt giữa “Mensch” (Đức) và “mensch” (Mỹ). Một “Mensch” đơn giản chỉ là một human being, ở “mensch” thì ngược lại có vươn vấn nỗi đau khổ của người Do Thái trong thế kỷ 20, câu chuyện tếu lâm buồn của những người bị đuổi ra khỏi xứ, chủ nghĩa nhân văn của châu Âu xưa cũ. Trong quyển sách “The Joys of Jiddish” của ông ấy, Leo Rosten đã viết: “A mensch is someone to admire and emulate, someone of a noble character.” Tức người ta có thể tự tin mà gọi một người tốt bụng, hào phóng là menschy, vì một cách đùa nghịch khác của người Mỹ là có thể biến mỗi một danh từ thành tính từ bằng cách gắn thêm vào một y: Ví dụ như “This breakfast is too lunchy for me” có nghĩa là: “Bữa ăn sáng này hơi nhiều quá đối với tôi, nó đã gần như một bữa ăn trưa.” Có mối quan hệ chặt chẽ và gần như là còn thực dụng hơn là gắn kết “-ish” mà người ta có thể dùng trong mọi lúc để tương đối hóa mọi thứ. “Let’s meet around twelve-ish” có nghĩa là người ta gặp nhau trong khoảng từ 12 đến 1 giờ. Có lẽ là trong một quán very Berlin-ish, điều có nghĩa là âm nhạc mang tính điện tử và các loại ma túy đều bất hợp pháp.

Hơn cả cách phát âm, tâm lý sử dụng làm rõ sự khác biệt giữa Mỹ và Đức. Trong Hoa Kỳ, ngôn ngữ được sử dụng như một chất bôi trơn xã hội. Người ta xin lỗi, ca ngợi lẫn nhau, tự xác minh lại mình, làm giảm thiểu những cái xấu qua chuyện đùa. Ngược lại, tiếng Đức chính xác, phức tạp và có tính không khoan nhượng nào đó. Cuối cùng thì người ta không dùng nó để đùa mà là để giữ chặt lấy một tình cảnh, một ý nghĩ hay một con người. Đồng thời, tiếng Đức cũng là tiếng nói của lãng mạn và mang khả năng thơ phú hầu như không thể vươn tới được. Tình yêu ngôn ngữ của chúng ta ở người Mỹ phản ánh cả hai điều đấy. Trong quyển “Speak German!” của ông ấy, Wolf Schneider, một nhà canh giữ ngôn ngữ thường hay bút chiến một cách dễ chịu, đã đưa ra một danh sách những từ tiếng Đức hay được sử dụng trong tiếng Mỹ. Angst, Kitsch, verboten, Zeitgeist. Nhưng cũng Kaffeeklatsch, Poltergeist, Wanderlust và Weltschmerz. Nói cho cùng thì người Mỹ lấy từ vựng ở khắp mọi nơi, ở những nơi mà họ phỏng đoán có được tính độc đáo và dùng chính xác, vì họ suy nghĩ trong tựa đề và oneliners. Đối với họ, ẩn nấp phía sau biiemdabbleju không chỉ là kiểu xe mới nhất của BMW mà còn là nhiều thế kỷ của lịch sử tính người: tài nghệ của những nhà kỹ sư, niềm say mê tốc độ, thuyết vị lai. Người ta cũng có thể nói: the German soul.

Để có thể nhận ra được tâm hồn Mỹ trong ngôn ngữ của họ, người ta phải chiến đấu xuyên qua tất cả các thể loại phim và chương trình truyền hình, mọi loại báo (từ “New Yorker” cho đến “National Enquirer”) và đàm thoại các loại. Và nếu như có thể, tất nhiên là hãy đọc sách. Như mỗi một dân tộc có nền văn hóa lớn, hầu như không thể hiểu được nước Mỹ mà không cần đến những người anh hùng trong tiểu thuyết của họ. Ngày nay, có lẽ thuyền trưởng Ahab sẽ tuyên bố “cuộc chiến tranh chống khủng bố”. Jay Gatsby sẽ để lại số tiền tỉ của ông ấy để giúp chống AIDS ở châu Phi. Và Huckleberry Finn chắc hẳn sẽ đóng vai cướp biển trong 3 phim của Disney và vì thế mà không bao giờ còn phải đi làm nữa. Trong lần ăn thịt rán vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh trong quán Blaue Gans ở New York, tôi hỏi Tom Grattan ngẫu nhiên ngồi cạnh tôi, người là giảng viên ở Đại học New York về Creative Writing và quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông ấy có bối cảnh ở Düsseldorf [trong nước Đức], về những quyển sách văn học kinh điển để hiểu Hoa Kỳ. Có lẽ là tôi đã quá chén rượu Grüner Veltliner, vì người ta không tròng vào cổ một người New York hầu như không quen biết những công việc không được trả tiền. Nhưng vì Tom là một người Mỹ gương mẫu nên thư điện tử của ông ấy đến hai ngày sau đó. “Tôi thích danh sách” là lời bình của ông ấy.

Bảy tiểu thuyết và một quyển sách phi hư cấu để hiểu nước Mỹ của ngày hôm nay (và văn học của nó):

1. “American Pastoral” của Philip Roth.

Một tiểu thuyết đồ sộ và quan trọng. Bối cảnh trải dài từ những năm 40 đến những năm 70. Nó là một biên niên sử toàn hảo của một gia đình trung lưu đã bị những biến động chính trị và xã hội phá vỡ. Quyển sách là một lời lên án và phân tích thái độ phi chính trị của những gia đình này.

2. “White Noise” của Don DeLillo

Có người chắc sẽ thích chọn quyển “Underworld” hơn, nhưng đây là quyển tiểu thuyết sâu sắc nhất của DeLillo. Ông ấy phác họa lòng ham muốn tiêu thụ không cưỡng lại được của người Mỹ, trình độ học thức đố vui có thưởng của họ và sự hoang tưởng mang tính ích kỷ của họ. Thêm vào đó, quyển sách này cực kỳ khôi hài.

3. “Drown” của Junot Diaz

Diaz mô tả cuộc sống của những người di cư đã thay đổi như thế nào trong những năm cuối cùng của thập niên 1920. Tuyển tập truyện ngắn với những nhân vật và đề tài luôn tái xuất hiện này mang bối cảnh của những người di cư từ Cộng hòa Dominica thường sống trong những khu ổ chuột của thành phố. Truyện tôi thích nhất: “How To Date A Browngirl, Blackgirl, Whitegirl, or Halfie”.

4. “Jesus’ Son” của Denis Johnson

Một quyển sách không thể tin được về những người nghiện ngập, ngoài cuộc và lang thang. Johnson mô tả rất chính xác sự hoang vắng và niềm tuyệt vọng của miền Tây nước Mỹ.

5. “Housekeeping” của Marilynne Robinson

Được xuất bản trong những năm 80 và được bắt chước lại hằng triệu lần, thường là một cách tệ hại. Quyển sách này hay bị gạt sang một bên một cách sai lầm như là văn học cho phụ nữ. Trong khi đó, nó đi sâu vào đề tài phụ nữ bị đẩy ra rìa của xã hội Mỹ và bị thiệt thòi như thế nào. Ngay cách kể chuyện phi tuyến tính dường như cũng đi ngược lại kết cấu nam giới của tiểu thuyết truyền thống Mỹ.

6. “Because They Wanted Too” của Mary Gaitskill

Chỉ một vài tác giả mới có thể viết một cách tự tin như thế về tình dục, với tất cả những khía cạnh đồi bại, bạo dâm, mang tính ám ảnh của nó. Gaitskill phác họa “sexual politics” ở Mỹ một cách tối tăm, mỉa mai, thú vị.

7. “The White Album” của Joan Didion

Tiểu luận của bà bàn về cảm giác sống bất an trong những năm 60 và 70. Và đấy là những thử nghiệm về mặt nghi thức. Điểm quyết định ở Didion là không có điều đấy, vì trong những năm 60 tất cả các quy định đều đã bị hoài nghi.

8. “The Mezzanine” của Nicholson Baker

Toàn bộ quyển tiểu thuyết diễn ra trong một chuyến đi thang máy kéo dài 30 giây. Một ví dụ điển hình cho văn học của những nam tác giả trẻ, nổi tiếng, siêu trí thức, đã có ảnh hưởng lớn trong vòng 10 năm vừa qua (xem David Foster Wallace, Jonathan Franzen).

Thông thường, khi người ta chỉ học ngoại ngữ trong nhà trường hay từ sách vở thì điều đấy chỉ có thể giúp đỡ có điều kiện trong cuộc sống hằng ngày. Thực tập nghe hiểu đặc biệt dễ dàng ở Mỹ, vì thực tế là trong nhà hàng người ta có thể theo dõi bất kỳ một câu chuyện nào ở bàn bên cạnh, bởi người nào cũng đều cố gắng hét to lên để át tiếng của người khác. Ngay cả khi điều này bây giờ nghe có vẻ không được thân thiện cho lắm: Đặc biệt là các cô gái trẻ và nhiều tuổi hơn thường trao đổi với nhau trong một giọng nói mà ở các nước khác người ta chỉ dùng nó để kêu cứu. Theo một nghiên cứu, từ năm 1945 cho đến 1993 phụ nữ Mỹ đã hạ thấp giọng nói của họ xuống 23 Hertz, vì ngày càng có nhiều người trong số họ có những công việc làm mang trách nhiệm nhiều hơn và một giọng nói trầm mang lại nhiều quyền lực hơn. Khi tôi ù tai lảo đảo ra khỏi một quán nào đó, tôi hầu như không thể nào tin vào điều đấy được.

Adriano Sack

Phan Ba dịch

6 thoughts on “Học tiếng Mỹ như thế nào (hết)

  1. Pingback: Tin thứ Hai, 18-02-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam điểm tin thứ Hai, 18-02-2013 « doithoaionline

  3. Pingback: Tin thứ Hai, 18-02-2013 | Dahanhkhach's Blog

  4. Bản thân thấy mình chưa hiểu gì cả về bài viết của Tác giả. (Vì còn chưa đủ nhiều thứ để hiểu).
    Chỉ hiểu mỗi đoạn cuối của bài này.
    Thank a lot.

Gửi phản hồi cho Anhbasam điểm tin thứ Hai, 18-02-2013 « doithoaionline Hủy trả lời