Điểm nóng Triều Tiên

Andreas Lorenz

Phan Ba dịch

Một điểm nóng khác của châu Á nằm cách Đài Loan chỉ tròn một ngàn kilômét. Trên bán đảo Triều Tiên, ít nhất là về mặt chính thức, vẫn còn có chiến tranh. Và một bên, nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, hiện đã có bom nguyên tử, chuyên gia phỏng đoán: ít nhất là bốn.

Tất cả bắt đầu khi Bắc Triều Tiên cộng sản muốn xâm chiếm Nam Triều Tiên năm 1950. Miền Nam nhận được sự giúp đỡ củs quân đội Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của người Mỹ, cả người Thổ và Luxembourg cũng có mặt nữa. Khi họ đẩy lui quân đội Bắc Triều Tiên về tới sông Yalu ở cạnh biên giới với Trung Quốc, một đạo quân “tình nguyện” của Trung Quốc can thiệp vào. Chiến tranh lại bùng lên, không có người chiến thắng, nhưng lại có cho tới 1,5 triệu người lính chết hay bị thương và trên hai triệu nạn nhân là thường dân. Ở vĩ tuyến 38, ở đó, nơi tất cả đã bắt đầu, các địch thủ ký kết một hiệp định ngưng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 sau 158 cuộc họp, họ không thể đạt đến một hiệp ước hòa bình. Từ đấy, một dãy đất biên giới dài 248 kilômét và rộng tròn bốn kilômét phân chia hai đất nước.

Thu 2010, vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 38 đó. Vĩ tuyến huyền thoại này chạy ngang qua ở đâu đó giữa cây cối, bãi cỏ và đồng ruộng. Thành phố Kaesong của Bắc Triều Tiên với đặc khu kinh tế của họ nằm trong sương mù, thành phố mà trong đó có gần 42.000 công nhân Bắc Triều Tiên sản xuất hàng hóa cho trên 100 nhà máy Nam Triều Tiên. Trên con đường đến đó không phát hiện ra được một chiếc ô tô nào ngoại trừ vài chiếc xe tải của quân đội. “Chúng tôi chỉ cho xe tải đi qua theo đoàn mỗi tiếng một lần”, một hạ sĩ quan nói, người từ trên bục quan sát “Dora” nhìn trừng trừng theo hướng Bắc. Trên tường là câu khẩu hiệu của quân đội ông ấy: “Hãnh diện và tin tưởng”.

Xe buýt du lịch mang khách đi ngang qua trại lính, nhà thờ và ruộng lúa đến những địa điểm tham quan của khu vực kỳ lạ này, ví dụ như đường hầm số 3 mà người Bắc Triều Tiên đã đào năm 1978 để xâm chiếm miền Nam. Một chiếc xe lửa mui trần nhỏ chạy xuống sâu trong lòng đất. Nếu như kế hoạch thành công thì 30.000 lính đã có thể vượt qua biên giới trong vòng một giờ đồng hồ rồi.

Có cả áp phích với ứng cử viên của cuộc bầu cử ở tỉnh được treo cạnh ngã tư. Nhà ga mới tinh của Dorasan lóng lánh trong ánh nắng mặt trời, ga cuối cùng ở miền Nam. Nhưng không có hành khách, một người lính với mũ sắt màu đen, hai dây trắng trên vai đứng cản lối đi lên sân ga. Điểm đến của tàu hỏa nằm trên một tấm bảng màu xanh nước biển: Seoul và Bình Nhưỡng. Tín hiệu có màu đỏ.

Tôi hai lần có cơ hội được nhìn cả bên Bắc Triều Tiên. Ở đó chỉ có khẩu hiệu và không có áp phích bầu cử. Chiếc xe buýt chạy qua một ngõ chật với vật cản bằng bê tông và nhiều hàng rào kẽm gai.

Đấy thường là những sỹ quan bảnh bao, những người chỉ cho khách xem hệ thống biên giới và các tòa nhà lịch sử của Panmunjon, trong số đó là ngôi nhà mà hiệp định ngừng bắn được ký kết ở trong đó. Trên ba cái bàn, được phủ với khăn nỉ màu xanh, là cờ Bắc Triều Tiên và cờ Liên Hiệp Quốc trong những hộp kính nhỏ, nằm trước đó là văn kiện trong tiếng Triều Tiên và tiếng Anh, bìa đỏ của nó đã hỏng nặng. Có quà lưu niệm để cho khách du lịch mua, ví dụ như đũa bằng kim loại và dép đi trong nhà được kết lại bằng rơm.

Lính Mỹ, Nam và Bắc Triều Tiên đứng đối diện với nhau ở đây. Người Bắc Triều Tiên, ngoài ra thì chỉ có chiếc mũ giống như cái đĩa ăn trên đầu, đội nón sắt. Vì tình hình đã căng thẳng hơn, kể từ lúc chiếc tàu hộ tống Nam Triều Tiên “Cheonan” trúng một ngư lôi Bắc Triều Tiên và đã kéo theo 46 thủy thủ xuống biển sâu. Thế nào đi nữa thì đấy cũng là kết quả của một ủy ban điều tra quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn một phần sót còn lại của sự hoài nghi, liệu có những nguyên nhân khác cho tấn thảm kịch đó không, ví dụ như “Cheonan” trúng phải một quả mìn cũ.

Chỉ cách đó vài kilômét, đạn đại bác đã nổ tung trên hòn đảo biên giới Yeonpyeong vào ngày 23 tháng 11 năm 2010, hai người lính và hai thường dân thiệt mạng. Lần này thì xuất xứ của những viên đạn giết người đấy là rõ ràng: Bắc Triều Tiên. Họ chỉ chống lại việc xâm phạm biên giới, người Bắc Triều Tiên giải thích. Và: người ta sẽ tiến hành một cuộc “chiến tranh hủy diệt thiêng liêng”, để xóa bỏ “bọn phản bội” quanh tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak, còn sẽ sử dụng bom nguyên tử cho việc đó nữa, các tờ báo Đảng tuyên bố.

Lý lẽ của người Bắc Triều Tiên không phải là quá sai lạc, khi họ lên án người Nam Triều Tiên vi phạm biên giới trên biển. Vì đường biên giới này bị tranh cãi kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Bình Nhưỡng chưa từng bao giờ chấp nhận nó vì nó ưu đãi miền Nam. Khi vùng phi quân sự và đường ngưng bắn trên đất liền được ấn định trong tháng 8 năm 1953, một viên chỉ huy của quân đội Liên Hiệp Quốc tự ý kéo một đường dài ra biển trên bản đồ – thế là Đường Biên giới phía Bắc (Northern Limit Line, NLL) được tạo thành.

Bình Nhưỡng đã chống lại ngay từ thời đó, nhưng, suy yếu vì cuộc chiến, không thành công. Sau này, Bắc Triều Tiên đưa ra cái được gọi là Đường Biên giới Biển, cái nằm cách xa đó về phía Nam, nhưng ít ra thì cũng chừa lại ba hòn đảo quan trọng nhất cho Nam Triều Tiên. Seoul từ chối. Vì thế mà Nam và Bắc triều Tiên luôn có những trận đánh trên biển, thường là khi mùa tôm bắt đầu và tàu của Bắc Triều Tiên cố đánh cá trong vùng do Nam Triều Tiên tuyên bố chủ quyền. Gần hòn đảo Yeonpyeong, tàu chiến hai nước húc vào nhau và bắn nhau trong tháng 6 năm 1999 và 2002, gần đảo Deacheong đã có một trận chiến trong tháng 11 năm 2009 mà chiếc tàu hộ tống “Cheonan” bị đánh chìm sau này cũng đã tham gia.

“Biên giới trong Hoàng Hải, phần phía Tây, mang khả năng lớn nhất để gây ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai”, International Crisis Group cảnh báo vào cuối 2010.[1]

Ngay chính trị gia trong Nam Triều Tiên cũng cho rằng đường biên giới đấy là đáng nghi ngại. Cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo Hyun vì thế mà đã cố gắng làm dịu tình hình. Trong chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng năm 2007, ông hứa hẹn với nhà cai trị Bắc Triều Tiên Kim Jong Il rằng sẽ tạo một “khu vực hòa bình” với “vùng đánh cá chung” trong Hoàng Hải. Thế nhưng Roh không thành công trong giới chính trị trong nước, ngay trước lúc chấm dứt nhiệm kỳ của mình, ông ấy là một chính khách không có quyền lực.

Người kế nhiệm Lee hứa hẹn sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả những thỏa thuận của người tiền nhiệm. Ông ấy vừa mới nói xong những lời đó thì đã rõ rằng ông ấy sẽ không làm thay đổi đường biên giới trên biển. Đầu tiên là Kim phải giảm bớt chương trình nguyên tử của ông ấy, trước khi ngư dân của ông ấy được phép quăng lưới trên những vùng đánh cá tốt của miền Nam, Lee yêu cầu.

Không rõ là tại sao miền Bắc bất thình lình lại có thái độ khiêu khích như thế vào cuối 2010. Một lời giải thích có thể là tình hình chính trị nội bộ ở Bình Nhưỡng. Ở đó, Kim đang đau ốm đã bảo đảm quyền lực của thị tộc mình trong một hội nghị đảng. Ông ấy thăng chức người con trai thứ ba lên thành tướng bốn sao và giao cho anh ấy hai chức vụ quan trọng trong đảng. Trong khi đấy thì Kim Jong Un chỉ vừa mới 28 tuổi – một người đàn ông trẻ tuổi rõ ràng là được dinh dưỡng tốt hơn những người đồng hương cùng lứa tuổi và đi học ở một trường nội trú tại Thụy Sĩ.

Với lần tấn công bằng pháo binh lên Yeonpyeong, nhóm lãnh tụ mới rõ ràng là muốn chứng tỏ rằng không được đùa với họ cũng như với thành phần cũ. Như sau này hé lộ ra, người cha và con trai đã có mặt ở gần bờ biển một ngày trước cuộc tấn công. Khó có khả năng, rằng họ đã không thỏa thuận trước với giới quân đội về hành động này.[2]

Nhưng trước hết là Kim muốn hướng sự chú ý của thế giới đến bản thân mình. Mục đích của ông ấy là bắt buộc tổng thống Barack Obama bước đến bàn thương lượng và nhận được lời bảo đảm cho tính an toàn của chế độ ông ấy. Cuối cùng, cả hai bên đã trao đổi đại sứ, người Bắc Triều Tiên được tuyên bố trở thành người thắng trận của cuộc chiến và nhận hàng hóa giúp đỡ cho việc đó. Bù vào đấy, hẳn là Kim đã sẵn sàng ngưng chương trình hạt nhân của ông ấy – nhưng không đụng đến các quả bom nguyên tử.

Trích đăng từ quyển “Cuộc Cách mạng châu Á”, của Andreas Lorenz, do Phan Ba dịch, mời các bạn vào trang Tủ sách Phan Ba để tải về trọn quyển.


[1] International Crisis Group: “North Korea: The Risks Of War In The Yellow Sea”, Asia Repost Nr. 198, 23.12.2010

[2] Như trên

5 thoughts on “Điểm nóng Triều Tiên

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 27-11-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 27-11-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Tin thứ Ba, 27-11-2012 – cập nhật | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 27-11-2012 « Ngoclinhvugia's Blog

  5. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 27-11-2012 | bahaidao2

Bình luận về bài viết này